02/01/2025 - 08:02

Hiệu quả từ mô hình điểm sơ cấp cứu 

Công tác sơ cấp cứu (SCC) ban đầu cho người bị tai nạn trong cộng đồng rất quan trọng và thiết thực. Các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) trên địa bàn thành phố đã tập trung xây dựng, duy trì hoạt động các điểm SCC và đội SCC ở cơ sở; quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng SCC cho các tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ, xử lý tốt các tình huống. Qua đó, góp phần hạn chế nạn nhân tử vong do không cấp cứu kịp thời, nhất là những vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra ở xa trung tâm y tế.

Các thành viên Ðiểm SCC chữ thập đỏ xã Mỹ Khánh tại buổi lễ ra mắt.

Ban Thường vụ Hội CTĐ huyện Phong Điền vừa kết hợp xã Mỹ Khánh ra mắt mô hình điểm SCC CTĐ tại xã. Đây là mô hình SCC đầu tiên do Hội CTĐ huyện quản lý theo Thông tư số 17/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Điểm SCC được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế và có quy chế hoạt động. Bước đầu thành lập, mô hình có 7 thành viên, do ông Lưu Minh Toàn làm Tổ trưởng và địa điểm hoạt động tại Trạm Y tế xã Mỹ Khánh. Nhiệm vụ chính của các thành viên là thực hiện SCC ban đầu cho nạn nhân bị TNGT, tai nạn lao động, tai nạn do thiên tai, thảm họa và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, góp phần giảm thiểu các trường hợp tử vong và giảm nhẹ thương tích cho nạn nhân. Tất cả các thành viên của điểm SCC đều được trang bị kiến thức đầy đủ về phương pháp SCC ban đầu; tham gia với tinh thần nhân đạo, tự nguyện; hoạt động theo chế độ tự quản về tài chính được đóng góp từ thành viên và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân và cơ quan cấp trên.

Tại Cờ Đỏ, Ban ATGT huyện, Trung tâm y tế và Hội CTĐ huyện cũng đã ra mắt điểm SCC cộng đồng tại xã Thạnh Phú, do ông Đặng Văn Thương, Chủ tịch Hội CTĐ xã làm đội trưởng. Các thành viên điểm SCC có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên CTĐ và nhân dân tham gia hoạt động SCC; chủ động phát hiện và SCC kịp thời các vụ tai nạn, TNGT xảy ra trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. Theo ông Khổng Tấn Thành, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cờ Đỏ, để điểm SCC hoạt động hiệu quả, địa phương sẽ phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và tập huấn kỹ năng SCC cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên.

Theo lãnh đạo Hội CTĐ TP Cần Thơ, mô hình này có ý nghĩa thiết thực, nhằm hỗ trợ SCC bước đầu cho nạn nhân bị tai nạn, thương tích trước khi đưa đến cơ sở y tế, bảo vệ tốt sức khỏe cộng đồng. Đến nay, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì hoạt động 13 điểm SCC và 11 đội SCC ở cơ sở. Trong năm 2024, các điểm đã hỗ trợ SCC cho 298 trường hợp; các cấp Hội CTĐ thành phố cũng duy trì hoạt động 48 xe chuyển bệnh từ thiện và đã chuyển viện miễn phí cho 10.158 lượt bệnh nhân nghèo, trị giá phục vụ 5,714 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2024, Trung tâm huấn luyện Hội CTĐ TP Cần Thơ nỗ lực phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên về phòng ngừa ứng phó thảm họa và SCC. Đồng thời, huấn luyện cho nhân viên các công ty trong và ngoài thành phố; hỗ trợ tập huấn 7 lớp SCC cho Hội CTĐ quận, huyện với sự tham gia của 472 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên cấp cơ sở.

Theo bà Trần Thị Diệu Thu, Phó Chủ tịch Hội CTĐ TP Cần Thơ, các điểm SCC trên địa bàn thành phố, cũng như các xe chuyển bệnh từ thiện đã hoạt động rất hiệu quả trong công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương. Để duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm SCC, chính quyền địa phương, các cấp Hội cần tiếp tục tạo điều kiện và nhân rộng thêm mô hình, thường xuyên quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng SCC cho các tình nguyện viên...

Bài, ảnh: XUÂN ÐÀO

 

Chia sẻ bài viết