 |
Ông Bùi Công Thành bên chiếc máy xới đất cải tiến. |
Hơn một tháng trước, HTX Quyết Thắng (ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) trình diễn máy xới đất trên thửa ruộng 0,5 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Huệ, xã viên HTX. Đây là lần đầu tiên máy làm đất được đưa vào vùng đất trồng khóm Tân Phước-vùng đất phèn ở “rún”vùng Đồng Tháp Mười. Chất lượng hoạt động của chiếc máy này làm nhiều nông dân địa phương hài lòng.
Máy xới đất của HTX gồm một máy kéo 4 bánh cao su nối với dàn máy xới Shibaura có cải tiến. Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, là một trong những người có tâm huyết với việc cải tiến, lắp ráp máy để tạo ra chiếc máy làm đất phù hợp với điều kiện đồng đất trồng khóm ở Tân Phước. Ông Thành cho biết: “Đất của HTX là đất nhiễm phèn ở “rún” Đồng Tháp Mười, lúc nắng thì có vẻ cứng so với việc cuốc đất bằng tay nhưng qua lớp đất mặt thì không nặng như đất sét. Vì vậy, chúng tôi đã chọn chiếc máy kéo Kubota L2600 của Nhật có ghế ngồi cho người lái kết hợp với dàn xới nhãn hiệu Shibaura và tiến hành một số cải tiến”.
Dao xới là loại dao dài; 2 đầu trục dàn xới được gắn hai thanh trượt có tác dụng định vị độ sâu của dao xới 25 cm. Tấm bửng chắn đất văng phía sau dàn xới được gia cố cứng cố định có tác dụng đập vỡ những tảng đất lớn còn sót và trang bằng mặt liếp. Dàn xới Shibaura rộng hơn bề ngang máy kéo Kubota vừa nâng cao công suất xới (so với dàn theo máy Kubota), vừa phù hợp cho máy xới sát mí liếp và máy kéo di chuyển phía trong liếp đất nên độ an toàn cao. Đầu máy được gắn thêm các khối gang “đối trọng” để máy kéo “ăn” tay lái.
Tại buổi trình diễn, dàn xới được nhấc lên bằng cần thủy lực, chiếc Kubota L2600 được điều khiển di chuyển nhẹ nhàng ra khỏi thửa ruộng đã được xới xong và cán phẳng phiu, không còn dấu tích của gốc khóm. Nhiều nông dân có mặt trầm trồ: “Mặt ruộng đẹp, có thể xuống giống khóm ngay lập tức sau khi xới. Máy xới đất cải tiến của HTX đã thành công sau vài lần xới thử”.
Những ai từng đứng chân trên đồng phèn vừa cải tạo để trồng khóm mới thấy hết giá trị của việc đưa máy xới đất vào đây. Anh Võ Văn Bằng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Phước, cho biết: Nhiều cánh đồng khóm Tân Phước vào lúc nước sát đáy mương có độ pH xuống còn 1,8-2,0 nên khó cây trồng nào chịu được. Theo các chuyên gia về đất phèn, việc đưa máy xới vào đất khóm là tạo ra khả năng cắt đứt các mao mạch nối từ tầng sinh phèn lên tầng đất mặt, giúp vùng đất ăn của rễ khóm không bị ảnh hưởng nhiều bởi phèn, nên cây sinh trưởng tốt hơn, năng suất cao hơn.
Cơ giới hóa khâu làm đất là việc làm phổ biến đối với cây lúa, bắp, đậu, khoai... ở nhiều nơi khác. Nhưng đối với vùng trồng khóm Tân Phước nói riêng và vùng Đồng Tháp Mười nói chung thì chưa mấy người dân áp dụng. Làm được điều này là quyết tâm của dân trồng khóm. Nguyên nhân: Từ trước đến nay, số đông người trồng khóm trồng một lần thu hoạch 7-8 năm. Nhiều người trồng dăm kiểu quảng canh, không cày đất trồng lại nên họ không mặn mà với việc đầu tư máy làm đất trồng khóm. Ngoài ra, đất trồng khóm là đất phèn (đã cải tạo), vùng đất thấp nên phải đào mương, lên liếp. Xung quanh khu trồng khóm được đào mương lấy đất đắp đường kết hợp đắp đê chống lũ, mương có tác dụng tưới tiêu nước... nên đất rời rạc, từng liếp 2-3 công. Việc vận chuyển phương tiện trên đồng ở đây thật sự khó khăn với dân làm đất thuê. Vì vậy, chiếc máy làm đất cải tiến được xác định phải có cấu trúc nhỏ, gọn và được thiết kế cột trụ cơ động nối những chiếc thang bắc qua hai bờ liếp để máy di chuyển qua mương.
Chiếc máy xới đất của HTX Quyết Thắng ra đời là nhờ quyết tâm Chủ nhiệm HTX Bùi Công Thành và các thành viên của HTX trong hoàn cảnh thiếu lao động và yêu cầu cải thiện quy trình canh tác của HTX. Đây là khởi đầu cho việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất trồng khóm tại Tiền Giang. Việc cơ giới hóa khâu làm đất đang được kết hợp chặt chẽ với khâu cơ giới hóa việc lên liếp trồng khóm bằng máy Kobe. HTX còn áp dụng “Thực hành nông nghiệp tốt - GAP” với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. Đồng thời, việc triển khai cơ giới hóa sâu rộng đến toàn bộ xã viên HTX và nhà vườn vùng khóm ở các khâu: làm đất, tưới nước bằng xuồng tự hành, bón phân hòa tan vào nước tưới... của HTX đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang quan tâm. Với những quyết tâm trên, HTX Quyết Thắng đang chuyển mình nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sản xuất trái khóm năng suất cao, an toàn theo nhu cầu thị trường và giúp xã viên làm giàu.
Bài, ảnh: MINH TUẤN