11/04/2018 - 08:35

Du lịch ĐBSCL - Thời cơ… bứt phá 

Sau thời gian dài ì ạch, những năm gần đây, ngành du lịch ở các tỉnh ĐBSCL chuyển mình mạnh mẽ khi số lượng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi ngày càng tăng; kéo theo tăng trưởng doanh thu từ du lịch.

Du lịch trải nghiệm trên sông hấp dẫn du khách.

Đáng mừng là ngành chức năng đã thay đổi nhiều trong cách nghĩ, cách làm, xem du lịch là khâu mũi nhọn để đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Những tín hiệu lạc quan

Là trung tâm của vùng ĐBSCL và là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ luôn là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, từ đầu năm 2018 đến nay, các điểm du lịch ở Cần Thơ đón khoảng 2,5 triệu khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ ngơi, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 30% kế hoạch năm. Đây là một bước tiến rất đáng mừng.

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ cho biết: “Thời gian qua, Cần Thơ tập trung quyết liệt nhằm phát triển du lịch trên nhiều mặt, nhờ đó mà lượng khách đến không ngừng tăng. Năm 2017, chúng tôi đón hơn 7,5 triệu lượt du khách, tăng 41% so cùng kỳ năm 2016. Mục tiêu năm 2018 là cố gắng tăng lượng khách đến với Cần Thơ hơn 8 triệu người; trong đó, khách lưu trú là 2,45 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch hơn 3.500 tỷ đồng”.

Ở An Giang, du lịch cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, số lượng du khách về An Giang tấp nập. Trong đó, những ngày cuối tuần, Khu di tích Núi Sam (TP Châu Đốc) đón hàng chục ngàn lượt khách đến hành hương tham quan, vui chơi, tuyến đường huyết mạch từ TP Châu Đốc vào Khu di tích Núi Sam luôn đông nghẹt.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, hồ hởi: “Xu thế mấy năm qua cho thấy du khách đến Châu Đốc và vùng Bảy Núi huyền bí của An Giang ngày càng tăng. Năm 2017, Châu Đốc đón hơn 5 triệu lượt du khách, tăng 7% so cùng kỳ. Năm 2018, Châu Đốc tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều khu, điểm, hạng mục mới phục vụ du lịch; trong đó có dự án cáp treo lên núi Sam. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh thu hút du khách”.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp báo tin vui: “Trong tháng 3-2018, lượng du khách đến Đồng Tháp tiếp tục tăng khoảng 26% so cùng kỳ (đón hơn 200.000 lượt khách), doanh thu tăng 17%. Đồng Tháp đang đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch… nhằm phục vụ rộng rãi nhiều đối tượng khác nhau. Một trong những điểm khởi sắc của tỉnh là những mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp như vườn trái cây, vườn hoa kiểng, đồng sen... đã và đang hấp dẫn du khách; từ đó tạo ra những sản phẩm mới lạ, tránh sự trùng lắp với các địa phương khác”.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã khảo sát Cồn Én, rộng khoảng 358ha nằm biệt lập giữa sông Tiền, thuộc huyện Thanh Bình. Cồn Én có không khí mát mẻ, trong lành, người dân làm nghề nuôi cá bè, trồng rau nhút… tạo ra phong cảnh khá đẹp. Đây được kỳ vọng sẽ là điểm du lịch sinh thái mới của Đồng Tháp trong thời gian tới.

Đột phá để giữ chân du khách lâu hơn

Có thể nói, sau thời gian dài các tỉnh ĐBSCL loay hoay với du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử… rất dễ dẫn đến sự nhàm chán cho du khách, gần đây, nhiều địa phương mạnh dạn tìm hướng đi riêng, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định: “Thế mạnh kinh tế lớn nhất của An Giang là nông nghiệp và du lịch được xác định phát triển song hành, nhằm đưa An Giang tăng tốc trong thời gian tới. An Giang có những lợi thế về du lịch tâm linh, có vùng Bảy Núi, là nơi đầu nguồn sông Mê Công và là trung tâm về văn hóa Óc Eo của miền Tây… Tất cả những thế mạnh này đã và đang được tỉnh kêu gọi đầu tư, khai thác. Tỉnh cũng nhận ra những mặt hạn chế về du lịch thời gian qua và sẽ khắc phục. Tới đây, An Giang không đầu tư dàn trải mà sẽ tập trung vào những dự án lớn, tạo điểm nhấn để thu hút khách. Tỉnh phát triển 4 loại hình thế mạnh là “du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch thắng cảnh - nghỉ dưỡng, du lịch theo dòng sông Tiền - sông Hậu - sinh thái miệt vườn”. Trong đó, TP Châu Đốc sẽ là trung tâm thu hút và giữ chân khách. Mục tiêu của An Giang là đón hơn 10 triệu lượt khách trong năm 2020, trong đó tỷ lệ lưu trú đạt 20% - 30%, với số ngày bình quân 2,5 ngày...”.

Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ tận dụng khai thác khách du lịch từ các hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện… Bên cạnh đó, đầu tư thêm các mô hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, khai thác các cù lao trên sông Hậu; du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống; phát triển loại hình du lịch nông nghiệp sạch… Một vấn đề quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững là liên kết, hợp tác nhiều phía để “cùng tiến”. Cần Thơ chủ động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh ĐBSCL, các thành phố có thế mạnh về du lịch trong cả nước. Lợi thế là từ khi sân bay Cần Thơ hoạt động, đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và du lịch giữa Cần Thơ với miền Trung, miền Bắc; đồng thời kết nối với nước ngoài. Mới đây, Cần Thơ vừa ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Hà Giang; đồng thời mở lại đường bay Cần Thơ - Bangkok (Thái Lan)…”.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, số lượng du khách đến tỉnh đang tăng nhưng tỉnh chưa hài lòng bởi doanh thu từ du lịch còn thấp. Nguyên nhân là do chưa có nhiều mô hình hấp dẫn để giữ chân khách ở lâu, chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Khắc phục việc này, Đồng Tháp đang tích cực kêu gọi đầu tư nâng cấp hệ thống lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia, phát triển thêm các cơ sở lưu trú hoành tráng có thể phục vụ tốt những sự kiện lớn; tăng cường xây dựng các khu vui chơi, giải trí, khu du lịch trọng điểm. Từ nay đến năm 2020, du lịch được xem là trọng tâm của tỉnh; trong đó việc đầu tư phát triển phải nhắm đến đối tượng hưởng thụ cuối cùng là người dân địa phương và du khách…

Chính phủ xác định ĐBSCL là vùng trọng điểm du lịch của quốc gia, với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo; trong đó phát triển du lịch gắn việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử. Trong quá trình phát triển du lịch, đô thị Cần Thơ cùng với Mỹ Tho (Tiền Giang) và đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng

Chia sẻ bài viết