21/04/2022 - 22:37

Du lịch ĐBSCL dần phục hồi 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Sau thời gian dài đóng băng bởi dịch COVID-19, du lịch ÐBSCL đang dần hồi phục, nhất là thị trường khách nội địa. Các tỉnh, thành ở ÐBSCL đều đón lượng khách ấn tượng vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, trở thành tiền đề để kỳ vọng cho lượng khách vào dịp 30-4 và 1-5, với hàng loạt hoạt động hấp dẫn.

Du khách tham quan vườn trái cây ở Cần Thơ.

Vượt khó để phục hồi

Trong giai đoạn 2016-2019 du lịch ÐBSCL phát triển khá mạnh với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trên 12%/năm về lượng khách và 20%/năm về doanh thu. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “2019 là năm du lịch ÐBSCL vượt về lượng khách lẫn doanh thu so với tiêu chí đề ra cho thời gian này trong quy hoạch tổng thể chung của du lịch ÐBSCL đến năm 2030. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch trong năm 2020 và 2021”. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; người lao động mất việc làm; doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Năm 2020 lượng khách giảm 47%, năm 2021 lượng khách  giảm trên 80%. Hiện nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng du lịch ÐBSCL đang dần khởi sắc trở lại từ tháng 3-2022. Với nhiều chính sách và giải pháp năng động, linh hoạt; các tỉnh, thành ÐBSCL đã dần đón lượng lớn khách nội địa trở lại, nhất là trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau, từ ngày 9 đến 11-4-2022, trên địa bàn tỉnh đón hơn 82.000 lượt khách, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu đạt trên 47 tỉ đồng. Du khách đến nhiều nhất tại các điểm: Khu du lịch Ðất Mũi, Khu du lịch hòn Ðá Bạc (huyện Trần Văn Thời), điểm du lịch sinh thái Thư Duy (TP Cà Mau), Hương Tràm, Hoa Rừng (U Minh)… Riêng tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau thu hút hơn 5.000 người. Ðây là số lượng khách đến Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cao nhất từ trước tới nay. Tương tự, tại Tiền Giang lượng khách trong 3 ngày lễ cũng vượt hơn kỳ vọng. Số liệu từ Sở VHTT&DL Tiền Giang cho biết có hơn 9.300 lượt khách đến tham quan, trong đó có 281 khách quốc tế. Các điểm thu hút khách nhiều là các tuyến tham quan cồn ở khu vực Cái Bè, biển Tân Thành và Trại rắn Ðồng Tâm.

Tại Cần Thơ, lượng khách cũng tăng vượt kỳ vọng trong khoảng thời gian diễn ra chuỗi sự kiện Lễ Khánh thành Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, Liên hoan Ðờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022 và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022. Theo Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, lượng khách đến hơn 950.000 lượt. Ngoài khách đến các điểm diễn ra lễ hội, du khách cũng tăng vọt ở các khu, điểm du lịch như Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Ðề, chợ nổi Cái Răng... Ông Hồ Quang Thông, Giám đốc điều hành Làng du lịch sinh thái Ông Ðề, cho biết: “Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, lượng khách đến tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 lượt khách”. Tại Kiên Giang, lượng khách cũng tăng gấp nhiều lần, với hơn 200.000 lượt du khách trong 3 ngày nghỉ lễ. Trong đó có khoảng 2.290 lượt khách quốc tế, tập trung đông nhất là ở Phú Quốc.

Nhiều hoạt động đón khách trở lại

Với tín hiệu khả quan trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành ÐBSCL đang xây dựng nhiều hoạt động để đón du khách trở lại. Theo đó, Vĩnh Long sẽ có Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long lần thứ II năm 2022, diễn ra từ ngày 21 đến 23-4 với chủ đề “Du lịch Vĩnh Long và các tỉnh Cụm liên kết phát triển du lịch phía Ðông ÐBSCL - Ðiểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Ngày hội có nhiều hoạt động, như: trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm quà tặng, bánh dân gian; giải thể thao chèo ghe tam bản; hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025”; famtrip giới thiệu một số khu, điểm du lịch Vĩnh Long; các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hội thi nâng cao tay nghề; trưng bày giới thiệu sách...

UBND tỉnh Cà Mau cũng triển khai chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2022" để đẩy mạnh việc phục hồi du lịch ở địa phương. Trong khuôn khổ chương trình, sự kiện Hương rừng U Minh với chủ đề “Hành trình đến Du lịch xanh” là điểm nhấn. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 29-4 đến 1-5, tại thị trấn U Minh, xã Khánh An, xã Nguyễn Phích và Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Trong đó có các hoạt động nổi bật: tổ chức xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ, hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thủy sản nước ngọt với quy mô khoảng 60 gian hàng, liên hoan tiếng hát thanh niên Hương rừng U Minh, giải việt dã Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, giải đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ, giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu. Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm vùng đất U Minh như: khám phá vườn cây ăn trái kết hợp thu hoạch cá đồng; theo chân thợ gác kèo ong lấy mật...

Du khách tham quan Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau. 

Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 này, các điểm du lịch tại Cần Thơ cũng khởi động nhiều chương trình. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết đang chuẩn bị cho Lễ hội Bánh - Trái 2022 với chủ đề “Nét đẹp miền Tây” diễn ra từ 30-4 đến 3-5. Ðây là sự kiện thường niên của Làng du lịch Mỹ Khánh, với các hoạt động trải nghiệm bánh dân gian, trái cây đặc sản của miền Tây. Bên cạnh đó, còn có chương trình ẩm thực đặc sắc miền Tây với 100 món ngon.

Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch tỉnh Ðồng Tháp, thông tin: Ðồng Tháp sẽ tổ chức Lễ hội Sen Ðồng Tháp lần I - năm 2022, dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 20-5-2022. Lễ hội nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Ðồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch Ðồng Tháp. Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động: trưng bày sản phẩm, tổ chức không gian ẩm thực sen - quà lưu niệm - đặc sản từ sen; xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ sen; cuộc thi Người đẹp Ðất Sen Hồng; cuộc thi chụp ảnh đẹp, sáng tác ca khúc về Ðồng Tháp; khu trải nghiệm sen đa sắc và trưng bày sen ngày mới; famtrip “Một thoáng Ðồng Tháp”. Trong sự kiện này, tỉnh Ðồng Tháp sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh - ÐBSCL lần 2 với chủ đề “Hợp tác và hành động”.

Lựa chọn giải pháp lâu dài

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng việc phục hồi du lịch nội địa trong thời gian này đã tạo thành quả bước đầu khả quan, đáng khích lệ, tuy nhiên việc lựa chọn phục hồi du lịch theo xu hướng lễ hội cần cân nhắc cẩn trọng. Bởi doanh thu từ các hoạt động này không nhiều, mặt khác các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ sẽ phải tiếp tục đương đầu khó khăn. Do đó, ông Vũ Thế Bình đề xuất: “Các địa phương cần phải cân nhắc có những hướng phục hồi phù hợp để phát triển du lịch lâu dài và bền vững. Chúng ta cần hướng đến hình ảnh và thương hiệu du lịch chất lượng. Vì thế, các tỉnh, thành ÐBSCL khi xây dựng và ban hành chính sách về du lịch cần chú trọng đến ý kiến từ các doanh nghiệp, các hiệp hội du lịch để có những quyết sách phù hợp, thực tế”.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết giữa 13 tỉnh, thành ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, với các tỉnh, thành và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng… Trong đó vai trò của doanh nghiệp du lịch là nòng cốt. Ðồng thời định hướng lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm lực của du lịch ÐBSCL, xác định du lịch nội địa là trọng tâm trong tình hình mới trước khi phục hồi du lịch quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, thu hút khách nước ngoài đến ÐBSCL; phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lực lượng lao động trong ngành, tập trung cho các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực để tạo sự chuyển biến du lịch toàn vùng phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Du lịch ÐBSCL đã có sự phục hồi đáng khích lệ và cũng đang tích cực tìm định hướng phù hợp để phát huy tiềm năng, nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ mở cửa đón du khách quốc tế.

Chia sẻ bài viết