11/04/2023 - 22:20

Du lịch Cần Thơ hội nhập xu hướng xanh, bền vững 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều năm qua TP Cần Thơ đã tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Ngành công nghiệp không khói của Cần Thơ đã có bước phát triển khả quan, nhất là nỗ lực hình thành bản sắc du lịch địa phương, tạo dấu ấn riêng. Trong định hướng phát triển du lịch lâu dài, Cần Thơ xác định phải phát huy bản sắc sông nước gắn với hội nhập xu hướng phát triển xanh, bền vững của du lịch quốc gia, quốc tế.

Bài toán tạo sức hút cho sản phẩm du lịch

Các tour du lịch bằng du thuyền luôn hấp dẫn du khách và tạo nên nét riêng cho du lịch Cần Thơ.

Các tour du lịch bằng du thuyền luôn hấp dẫn du khách và tạo nên nét riêng cho du lịch Cần Thơ.

Câu chuyện về xây dựng sản phẩm du lịch Cần Thơ luôn được quan tâm và bàn thảo trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và cả những câu chuyện bên lề của những doanh nghiệp du lịch. Tuy có nhiều ý kiến cho rằng du lịch Cần Thơ chưa thực sự nổi bật, sản phẩm thiếu đặc trưng vì thế rất khó thu hút và giữ chân du khách; thế nhưng với góc nhìn của một người gắn bó lâu dài và tâm huyết với du lịch Cần Thơ, bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Victoria Cần Thơ Resort, cho rằng: “Không hẳn như vậy. Mặc dù Cần Thơ và ĐBSCL có phần không nổi bật so với du lịch miền Trung do vùng đất miền Trung có biển, nhưng bù lại Cần Thơ có miệt vườn sông nước, du lịch nông nghiệp gần gũi thiên nhiên. Xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên đang rất được ưa chuộng và nên tận dụng điều này để làm du lịch. Quan trọng là phải biết cách khai thác và quảng bá”. Còn ông Benoit Perdu, Công ty Transmekong, cho biết: “Khách quốc tế đến Việt Nam rất yêu thích những tour xuyên Việt, trong đó ĐBSCL là điểm đến quan trọng trong hành trình, bởi cảnh sắc tự nhiên và văn hóa ở đây rất thú vị. Thế nhưng những nét độc đáo của du lịch nơi đây chưa thực sự được quảng bá nhiều”. Như vậy, cách thức xây dựng và quảng bá sản phẩm là yếu tố quan trọng để tạo sức hút cho du lịch địa phương.

Ở góc độ đơn vị lữ hành, ông Nguyễn Phú Yên, Giám đốc Yên Travel, nói: “Cần Thơ có điểm đến đặc trưng được du khách trong ngoài nước yêu thích là chợ nổi Cái Răng, nhưng bao năm qua chợ nổi vẫn chỉ có vậy. Nếu muốn du lịch Cần Thơ thay đổi chúng ta phải đầu tư vào xây dựng sản phẩm, làm sao để du khách có sự trải nghiệm nhiều hơn”. Cũng chia sẻ về việc khai thác sản phẩm du lịch trong kết nối đến du khách, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, từng chia sẻ: “Miền Tây luôn có sức hút riêng, cụ thể là tuyến miền Tây vẫn là một trong những tuyến chính có lượng khách thu hút của Vietravel trong những năm qua. Riêng tại Cần Thơ, ngoài chợ nổi Cái Răng, chúng tôi đang khai thác các nhánh sản phẩm từ cồn Sơn và Thiền viện trúc lâm Phương Nam. Tuy nhiên về lâu dài, Cần Thơ phải có sự đầu tư khai thác sản phẩm hơn nữa. Sản phẩm cần có những trải nghiệm sâu hơn để du khách có thể sẵn sàng trả tiền, đồng thời địa phương cũng cần có những định hướng sản phẩm mới”. Trong khi đó, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc hai khu nghỉ dưỡng Victoria Châu Đốc và Victoria Núi Sam (An Giang), nói: “Khi khách hàng đến địa điểm nào thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là nơi đó có gì chơi. Tâm lý đó cho thấy sản phẩm du lịch chiếm vị trí rất quan trọng trong việc quyết định chọn điểm đến của du khách. Thực tế, sản phẩm du lịch miền Tây chưa đa dạng và cần nhiều trải nghiệm để du khách có thể ở lại lâu hơn. Các điểm đến ở Cần Thơ và ĐBSCL chưa thực sự để lại dấu ấn trong lòng du khách là do cách chúng ta khai thác. Chất lượng sản phẩm cũng là điều cần được nói đến. Do đó, tôi cho rằng khi xây dựng sản phẩm phải chú ý đến chất lượng, đầu tư điểm nào thì phải chỉn chu điểm đó, phải có nhiều trải nghiệm cho du khách về vùng đất đó, như thế mới tạo được dấu ấn”.

Như vậy có thể thấy, tiềm năng du lịch Cần Thơ và ĐBSCL vẫn được đánh giá cao, nhất là những sản phẩm du lịch sinh thái gần gũi tự nhiên, du lịch văn hóa bản địa. Tuy nhiên do thực tế sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức, chưa xây dựng đa dạng trải nghiệm có chiều sâu cho du khách và việc kết nối quảng bá chưa được chú trọng, nên du lịch Cần Thơ vẫn cần những giải pháp và hành động bứt phá hơn nữa để tạo ấn tượng mạnh trong lòng du khách.

Du lịch sinh thái gần gũi thiên thiên vẫn là thế mạnh du lịch Cần Thơ đang phát huy. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái Lung Tràm.

Du lịch sinh thái gần gũi thiên thiên vẫn là thế mạnh du lịch Cần Thơ đang phát huy. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái Lung Tràm.

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Victoria Cần Thơ Resort, cho biết: “Dù chúng tôi là đơn vị khai thác về lưu trú, nhưng trên thực tế chúng tôi luôn cố gắng giới thiệu đến du khách những điểm đến đặc trưng trong hành trình du khách đến lưu trú tại khách sạn hay sử dụng các dịch vụ của công ty. Trong đó, chúng tôi chú trọng đến các yếu tố văn hóa bản địa với các điểm đến xanh như: chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn, rừng tràm Trà Sư…”. Thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch hay các hành trình trải nghiệm văn hóa bản địa của Victoria Cần Thơ luôn chú trọng đến yếu tố gần gũi thiên nhiên, bền vững. Điều đó đã tạo nên điểm nhấn riêng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà đơn vị này khai thác tại Cần Thơ và ĐBSCL. Cụ thể, du thuyền Victoria Mekong Cruises đang là sản phẩm khác biệt của du lịch Cần Thơ, tạo điểm nhấn trong lòng du khách về du lịch đường sông, gần gũi thiên nhiên. Ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc Du thuyền Victoria Mekong Cruises, cho biết: “Các hành trình nội địa Cần Thơ - Châu Đốc được chúng tôi khai thác vào các dịp lễ, Tết; bình thường du thuyền đi tuyến quốc tế Cần Thơ - Campuchia. Hành trình của chúng tôi là Green ship - Con tàu xanh, nghĩa là hành trình trải nghiệm các điểm đến xanh gần gũi thiên nhiên, sử dụng năng lượng mặt trời, nói không với túi nilon”. Với cách xây dựng sản phẩm này, Victoria Mekong Cruises tạo được điểm nhấn khác biệt về cách khai thác sản phẩm.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge (huyện Phong Điền), cho biết: “Khi làm du lịch, tôi có mục tiêu là du lịch xanh, bền vững nên luôn chú trọng đến không gian mở gần gũi thiên nhiên. Tôi sử dụng các vật rất gần gũi như cây dâu, dừa, mo cau, củi… làm vật liệu chính trang trí ở khu nghỉ dưỡng. Cách làm du lịch của tôi là hướng đến thiên nhiên nên không gian xanh vườn cây được giữ nguyên, trong một số trải nghiệm tôi còn yêu cầu không sử dụng điện thoại để du khách thực sự hòa mình cùng thiên nhiên”. Với cách làm du lịch đó, dù chỉ mới đi vào hoạt động vài năm, nhưng Mekong Silt Ecolodge rất được đánh giá cao trên các trang trực tuyến du lịch, trong đó thu hút nhiều khách quốc tế. Như vậy, việc phát triển du lịch theo định hướng xanh, bền vững thực sự sẽ tạo điểm nhấn trong các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm của du lịch Cần Thơ. Theo đó, tại Cần Thơ đang có nhiều điểm đến xây dựng tốt những sản phẩm, trải nghiệm hòa nhập xu thế chung, như: Cần Thơ Ecolodge, Vàm Xáng Rustic Cần Thơ, Cần Thơ Eco Resort, khu du lịch sinh thái Lung Tràm…

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ: Phát triển du lịch theo định hướng xanh, bền vững là một trong những mục tiêu của du lịch Cần Thơ. Trước đó, ngành Du lịch thành phố cũng đã học tập các mô hình du lịch xanh tại Quảng Nam để định hướng xây dựng bộ tiêu chí du lịch xanh cho du lịch thành phố. Mục tiêu là định hướng xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch thành phố thân thiện môi trường, phát triển lâu dài. Điều này cũng sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng riêng, tạo cho Cần Thơ có điểm nhấn riêng về du lịch xanh.

Chia sẻ bài viết