Hôm 6-5, Giám đốc điều hành CLB Aston Villa Christian Purslow (ảnh, giữa) đã lên tiếng phản đối phương án thi đấu trên sân trung lập của Ban Tổ chức giải Ngoại hạng Anh (EPL), bởi điều này làm tăng nguy cơ rớt hạng “thảm họa” cho đội bóng của ông.

Ảnh: AFP
Phía lãnh đạo EPL muốn tái khởi động mùa giải năm nay trong tháng 6 và hy vọng hoàn thành 92 trận còn lại trên 8-10 sân trung lập không có khán giả, nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Đó là điểm đáng chú ý nhất trong kế hoạch có tên Dự án tái khởi động (Project Restart). Tuy nhiên, ông Purslow cảm thấy tước đi lợi thế đá trên sân nhà sẽ là hình phạt đối với những đội bóng thuộc nhóm “cầm đèn đỏ” như Aston Villa. Bournemouth, Aston Villa và Norwich hiện lần lượt đứng vị trí 18, 19 và 20 trên bảng xếp hạng. Vậy đối với những đội bét bảng, việc đá trên sân nhà ở mùa giải này có ý nghĩa gì?
Sau 28 trận, Aston Villa có được tổng cộng 25 điểm, trong đó 17 điểm trên sân nhà. Như vậy, 71% điểm số của Aston Villa là giành được trên sân Villa Park. Với cách tính tương tự, 73% số điểm của Norwich có được nhờ đá trên sân nhà. Trong khi đó, Bournemouth, Watford, Brighton (đều 64%) và West Ham (57%) cũng là những đội có tỷ lệ kiếm điểm trên sân nhà cao.
Vào giai đoạn quyết định mùa giải. Thông thường, càng được thi đấu nhiều trận sân nhà thì càng có lợi. Aston Villa và Manchester City hiện là 2 đội còn nhiều trận được đá trên sân nhà nhất, cùng có 6 trận. Nhưng với Dự án tái khởi động, Aston Villa và Man City sẽ mất đi lợi thế này. Dù vậy, Man City không bị ảnh hưởng nhiều bởi sức mạnh vượt trội cũng như đang đứng vị trí thứ hai và điểm số an toàn trong cuộc đua giành vé dự Champions League mùa giải tới. Nhưng Aston Villa thì không, bởi thực lực yếu và đặc biệt có tới 5/7 trận thắng mùa bóng này của họ diễn ra trên sân nhà. Thế nên, việc không được thi đấu 6 trận cuối tại Villa Park gặp toàn đối thủ khó chịu như Sheffield United, Chelsea, Wolves, Manchester United và Arsenal là thiệt thòi rất lớn đối với đội bóng ngấp nghé bờ vực xuống hạng. Rớt hạng sẽ để lại hậu quả nặng nề về tài chính cho Aston Villa, mà theo lời của Purslow là tổn thất tới 200 triệu Bảng.
Nói vậy để thấy Aston Villa, Watford, West Ham, Brighton, Norwich và Bournemouth đều rất cần được thi đấu trên sân nhà, dưới sự ủng hộ cuồng nhiệt của “cầu thủ thứ 12”. Đây cũng là lý do vì sao họ thể hiện sự không đồng tình với Dự án tái khởi động bằng những lá phiếu chống trong cuộc họp trực tuyến cổ đông của 20 CLB hồi tuần rồi. Cả 6 đội này chỉ chấp nhận kích hoạt dự án nếu EPL mùa giải 2019-2020 không có đội xuống hạng. Lãnh đạo Aston Villa nêu quan điểm phản đối chỉ một ngày sau khi Rick Parry - Trưởng Ban Tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Anh - cảnh báo mọi chuyện sẽ “rất hỗn độn” nếu EPL tìm cách ngăn cản khả năng thăng hạng của các đội tại giải hạng Nhất ở mùa bóng này.
Dự kiến, cuộc họp bỏ phiếu tiếp theo để quyết định có tái khởi động EPL hay không sẽ diễn ra vào ngày 11-5 tới, một ngày sau khi Chính phủ xứ sương mù công bố giai đoạn tiếp theo của quá trình phong tỏa trên toàn quốc do dịch COVID-19.
BÌNH DƯƠNG (Theo AFP, Sky Sports)