19/02/2011 - 10:31

Đồng lòng vì người nghèo...

Các địa phương tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp cùng chăm lo cho hộ nghèo.
Trong ảnh: Lãnh đạo phường Ba Láng, quận Cái Răng trao quà cho hộ nghèo.

Xóa đói giảm nghèo, tích cực chăm lo cho người nghèo có cuộc sống ổn định, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo là mục tiêu chung của thành phố và trách nhiệm của toàn xã hội. Từ những thành quả giảm nghèo năm 2010, năm 2011, cùng với cả nước, TP Cần Thơ phát huy nội lực bước tiếp chặng đường xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, hứa hẹn nhiều cơ hội giúp người nghèo nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình…

* Thành tựu chung

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành mức chuẩn nghèo mới áp dụng trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo; khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Mức cận nghèo áp dụng như sau: khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng. Theo chuẩn nghèo mới này, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước khoảng 15-17%, người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (chiếm 90%); ở một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 50%).

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, những năm qua, nhờ thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình giảm nghèo đã đạt được mục tiêu đề ra hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 20% (năm 2006) xuống còn 9,45% (năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 2%-3%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL còn 7,32%. Ở các địa phương, hoạt động giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, chú trọng chất lượng, hiệu quả và bền vững. Người nghèo được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý... Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập sát chuẩn nghèo rất lớn (từ 70%-80%), tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao (từ 7%-10%); chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện giảm nghèo bền vững, là một trong 13 giải pháp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung thực hiện. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, cơ chế hiện có, bổ sung chính sách mới tạo điều kiện để người nghèo tự lực vươn lên. Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và ổn định việc làm cho người nghèo tại doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo, giám sát việc thực hiện hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm giảm nghèo bền vững. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, lập sổ theo dõi hộ nghèo đến từng huyện, xã, ấp làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch theo dõi, giám sát và đánh giá hộ thoát nghèo...

* Đồng lòng giảm nghèo

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, áp dụng mức chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015, năm 2011, thành phố còn 22.986 hộ nghèo (trên 7,8%) và 18.863 hộ cận nghèo (trên 6,4%). Trong giai đoạn 2006-2010, từng năm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm 1% theo định hướng chung. Ngoài việc tranh thủ các chương trình, dự án của Chính phủ, các quận, huyện còn nỗ lực vận động các nguồn lực để chăm lo cho hộ nghèo thường xuyên hơn, tốt hơn về: nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, dạy nghề, việc làm, tư liệu sản xuất, vốn vay làm ăn... Quan điểm xã hội hóa hoạt động chăm lo cho hộ nghèo được các huyện vùng xa: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... phát huy thông qua nhiều hoạt động thiết thực: tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ Vì người nghèo, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ cấp phát quà, học bổng, xây nhà ở, khám bệnh...

Theo ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, qua rà soát, toàn xã còn 573 hộ nghèo (tỷ lệ 16,69%), 301 hộ cận nghèo. Năm 2011, xã tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo của nhà nước, vận động các cá nhân hảo tâm trên địa bàn đóng góp chăm lo cho hộ nghèo. Phát huy thế mạnh của địa phương trong dạy nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, xã Trường Xuân sẽ mở 9 lớp dạy miễn phí các nghề: may công nghiệp, đan đát và xây dựng cho gần 300 người nghèo, cận nghèo ở các ấp. Theo Ủy ban MTTQVN phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, năm 2010, phường Bình Thủy vận động xây dựng 9 căn nhà đại đoàn kết, xóa lá thay tôn 5 căn nhà cho người nghèo, trị giá trên 41 triệu đồng. Theo kế hoạch, năm 2011, phường tiếp tục vận động xây dựng 3 căn nhà đại đoàn kết, xóa lá thay tôn 4 căn nhà cho hộ nghèo. Qua kết quả rà soát, phường Bình Thủy hiện có 305 hộ nghèo, 176 hộ cận nghèo...

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 của Trung ương, TP Cần Thơ sẽ xây dựng Chương trình mục tiêu giảm nghèo với nhiều giải pháp. Trong đó, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo; tập trung triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, phối hợp lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giảm nghèo. Đồng thời, huy động nguồn lực trong và ngoài nước, vận động xã hội hóa công tác giảm nghèo trong các tổ chức đoàn thể; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo ở các địa phương. Ngành chức năng thành phố tập trung bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác giảm nghèo. Qua đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đúng đối tượng, đạt mục tiêu đề ra: giai đoạn 2011-2015, mỗi năm, thành phố phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo theo hướng căn cơ, bền vững.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết