14/06/2019 - 18:26

Đồng lòng 

“Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”- đúc kết tưởng chừng có phần khoa trương nhưng lại chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Với sự đồng cam cộng khổ, đồng lòng từ hai phía mới có thể vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Thường xuyên tạo ra những không gian, hoạt động chung giúp gắn kết gia đình hạnh phúc. 

Thiếu hòa hợp…

Theo dõi nhiều phiên tòa xử ly hôn, người trong cuộc hay đề cập đến một nguyên nhân khá tế nhị “không hợp nhau”. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa không đơn giản như thế. Sự thiếu hòa hợp trong hôn nhân phần nhiều bắt nguồn từ bất đồng trong suy nghĩ. Chị T. và anh K., ở quận Ô Môn, đã từng có thời gian dài yêu và tìm hiểu trước khi kết hôn. Thế nhưng cưới nhau chưa được bao lâu, vợ chồng nảy sinh lục đục, bất hòa; nhất là sau khi chị T. sinh con đầu lòng, không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Chị T. là giáo viên, còn anh K. ở nhà làm vườn, buôn bán. Lúc bình thường thì không sao chứ hễ mỗi lần rượu vào là anh ghen tuông bóng gió, dùng lời lẽ nặng nhẹ, thậm chí đánh vợ. Cũng vì muốn giữ gìn hòa khí gia đình, chị T. nhiều lần nhẫn nhịn và cho chồng cơ hội sửa sai. Thế nhưng anh K. vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, chị T. làm đơn xin ly hôn khi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chị L., ở quận Ninh Kiều, kết hôn lần 2 khi tuổi đời không còn trẻ nên chị dành hết thời gian và tâm sức để vun đắp. Chị L. chia sẻ: “Hai người đồng cảnh ngộ, lại có gia cảnh, quan niệm sống tương tự nhau nên dễ đồng cảm. Những tưởng hôn nhân sẽ hạnh phúc, bền vững nhưng mọi việc thay đổi đến chóng mặt từ sau ngày cưới…”. Chung sống, chị L. dần nhận ra ông xã thiếu trung thực, nhất là trong các mối quan hệ bạn bè, sinh hoạt, chi tiêu. Thậm chí nhiều chuyện anh từng chia sẻ với chị trước đây cũng không có thật. Lúc đầu, chị L. thật sự thất vọng nhưng lại nghĩ có lẽ vì quá yêu nên trước đây anh đã nói dối. Chị L. tâm sự: “Hai vợ chồng sống chung với nhau trong một mái nhà nhưng có quá nhiều khoảng cách. Tôi luôn tìm cách “san lấp”, hòa hợp nhưng anh thì không…”. Chị L. nhận ra sai lầm khi đã không tìm hiểu kỹ, bàn bạc, thống nhất một số chuyện trước hôn nhân để đến giờ đã quá muộn...

Vun đắp từ hai phía

Nhiều chị em có kinh nghiệm cho rằng: có rất nhiều bí quyết để giúp duy trì hôn nhân bền vững; nhưng quan trọng hơn cả chính là sự quan tâm, đồng lòng vun đắp của cả vợ và chồng. Chị Hồng Tâm, ở quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Nhiều ông chồng suốt ngày chỉ dành thời gian ra ngoài kiếm tiền, tới tháng mang tiền về đưa vợ mà ít quan tâm, vun vén hạnh phúc gia đình. Trong khi đó, phụ nữ cần sự quan tâm, động viên về mặt tinh thần. Nhiều ông chồng lại không tâm lý để hiểu được điều đó”.

Từng có kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác phụ nữ cũng như hòa giải hôn nhân gia đình, cô Nguyễn Thị Hồng, ở huyện Thới Lai, bộc bạch: “Trách nhiệm giữ lửa, vun đắp hạnh phúc gia đình thường được mặc định là của phụ nữ. Xã hội hiện đại, đa phần phụ nữ cũng ra ngoài lao động, làm việc... Vì vậy, trách nhiệm yêu thương, vun đắp mái ấm là trách nhiệm chung của vợ và chồng”.

Chia sẻ của cô Hồng cũng là nỗi lòng của nhiều chị em. Chị T., ở quận Ô Môn, chia sẻ: “Để xây dựng được hôn nhân hạnh phúc, bền vững, rất cần sự chung tay, vun đắp của hai vợ chồng. Bên cạnh sự đồng lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn, vợ chồng phải biết chia sẻ, có chung quan niệm, giá trị sống và thống nhất trong việc giáo dục con cái...”.

Hai vợ chồng đồng cảm, đồng lòng là tiền đề của một gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết