09/04/2012 - 21:44

Đồng bằng sông Cửu Long xưa qua truyện dân gian về địa danh

Thờ Ông Cọp ở đình thần Xà Phiên (Long Mỹ – Hậu Giang) trong “Lai lịch địa danh Xà Phiên”. Ảnh: DUY KHÔI

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ghi những dấu ấn văn hóa, văn minh làm phong phú thêm kho báu văn hóa của dân tộc. Sự lý giải lý thú về tên đất, tên làng của nhân dân ĐBSCL đã tạo nên một nét “Văn hóa địa danh”. Mỗi câu chuyện như tái hiện hình ảnh thuở tiền nhân đi khai khẩn.

Truyện dân gian về địa danh là thể loại của truyện dân gian nhằm giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh; qua đó phản ánh tâm tư, tình cảm và cảm hứng thẩm mỹ của tác giả dân gian về vùng đất mà họ sinh sống. Truyện dân gian về địa danh ở vùng châu thổ Cửu Long mang đậm tính hiện thực thời khẩn hoang:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma”

Một số công trình nghiên cứu về ĐBSCL xưa và hệ thống văn học dân gian của vùng đất này đều có rất nhiều truyện dân gian về địa danh. Trong đó nổi bật nhất là: “Nghìn năm bia miệng”, “Nam kỳ cố sự”, “Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười”, “Huyền thoại miệt vườn”, bộ sách các tỉnh, thành Nam bộ xưa của học giả Huỳnh Minh... Bước đầu thống kê có gần 200 địa danh được giải thích bằng những câu chuyện kể, giai thoại hoặc truyền thuyết. Không thể và không cần biết cách giải lý ấy có hợp lý, chính xác hay không mà quan trọng là những tình cảm, hiện thực cuộc sống mà người xưa gửi gắm qua những câu chuyện sinh động.

* * *

Truyện dân gian về địa danh ở ĐBSCL chủ yếu xoay quanh 3 nội dung: phản ánh đặc trưng cảnh quan vùng đất mới; ca ngợi công trạng, phẩm chất, nghĩa cử cao đẹp trong đời sống của người dân vùng ĐBSCL và mảng nội dung thể hiện tính cách, đặc điểm và nét văn hóa của vùng đất và con người ĐBSCL.

Những cư dân đầu tiên của vùng ĐBSCL đều là dân “tứ chiếng” từ miền ngoài vào. Thời đó vùng đất mới là những cánh đồng “khỉ ho cò gáy”, những “cánh đồng chó ngáp”, với số cư dân ít ỏi. Người dân thường gửi gắm vào tên đất, tên làng như: Bàu Sen, kênh Tàu Khô, xóm Cây Da, Bến Bàu... “Trước đây, Bạc Liêu chỉ là một vùng đất hoang vu, vắng vẻ chưa có bóng người, chưa có địa danh” (Sự tích địa danh Bạc Liêu); “Thuở xưa, địa phận Giá Rai ngày nay là một vùng đất không có nhà cửa, không người sinh sống” (Sự tích địa danh Giá Rai) hay “Thuở ấy, U Minh còn hoang vu lắm. Thú rừng đi lại thị thường ngày cũng như đêm. Dưới sông sấu lội lềnh khênh. Trên bờ cọp gầm rống kinh hồn. Chẳng mấy ai dám léo hánh đến” (Sự tích rạch Mồ Thị Cư)... Có thể thấy, địa danh được đặt theo những gì mà người mới đặt chân đến “tận mục sở thị”. Chẳng hạn địa danh Giá Rai, Giá Râm (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) được giải thích rằng: Ngày trước, đây là vùng đất hoang vu, không nhà cửa, không người sinh sống. Trong vùng có loại cây giá (loại cây thân gỗ, tán cao) mọc lai rai khắp các đầm lầy. Có đôi ba gia đình lại đây lập nghiệp. Khách qua lại thấy vậy bèn hỏi: “Xóm gì đây?”. Người trong xóm mù tịt, nói đùa: “Thì là xóm... Giá lai rai!”. Lâu ngày, người ta gọi trại là Giá Rai. Đối lại, cách đó chừng 4 cây số có một xóm cây giá mọc rậm rạp, người ta gọi là Giá Râm...

Những lưu dân đến đây còn phải đối mặt với biết bao thử thách khắc nghiệt: dịch bệnh, thú dữ, thiên tai, hạn hán... Điều đó được truyện dân gian phản ánh sinh động: “Vào năm Canh Thìn (1820) tại thôn Mỹ Trà, dân chúng bị bệnh dịch tả chết nhiều. Ngày nào cũng có năm bảy người, có khi mười người, có nhiều gia đình chết gần hết” (“Gốc tích địa danh Cao Lãnh”) hay: “Năm ấy hạn hán kéo dài, ròng rã mấy tháng hè trời chưa đổ một cơn mưa. Các khe suối cạn khô...” (Sự tích núi Bà Đội Om – An Giang). Dẫu trong cuộc chiến với thiên nhiên có những con người đã ngã xuống nhưng họ vẫn kiên gan bám trụ, tạo dựng cuộc sống nơi vùng đất mới.

* * *

Ở nội dung ca ngợi công đức, trí tuệ của các bậc tiền nhân thời khai khẩn, truyện dân gian về địa danh ĐBSCL thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” có từ ngàn đời của dân tộc. Những địa danh đặt theo cách này như “những tấm bia lịch sử bằng ngôn ngữ” mang ý nghĩa nhân văn và giáo dục. Đây cũng là nội dung có số lượng lớn nhất trong truyện dân gian về địa danh. Đa phần các địa danh được đặt theo cảm hứng này đều lấy tên nhân vật hoặc sự kiện có liên quan như: Ngã ba Ông Trạch, chợ Phó Sinh, rạch Bà Cường, quẹo Bà Muồng, rạch Mồ Thị Cư, cầu Hương Lễ... Như sự tích cầu Hương Lễ kể về ông Hương Lễ hay làm phước: thấy cây cầu gập ghềnh, chật hẹp là ông liền bỏ tiền xây cầu mới; thấy con đường làng sình lầy ông cho đắp con đường mới, mua đá xanh lót từng phiến dài; phía trong sở ruộng của ông, ông đào một cái ao rộng hơn nửa mẫu chứa nước ngọt cho dân chúng dùng.... Nhớ ơn ông, người ta đặt cho một trong những chiếc cầu mà ông xây dựng là cầu Hương Lễ. Hay dù chỉ là một khách phương xa nhưng khi nghe tin dân làng Phú Nhuận (Cai Lậy - Tiền Giang) bị nạn rắn dữ hoành hành thì ông thầy rắn phương xa không ngần ngại ra tay cứu giúp dẫu biết là sẽ chết. Nghĩa cử ấy được người đời khắc ghi và gọi tên con rạch gần đó là rạch Cái Rắn (“Sự tích rạch Cái Rắn”)...

Bên cạnh đó là những địa danh, tên dòng kinh con rạch gắn liền với tên tuổi của những anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ quê hương xứ sở. Thấm sâu trong những truyện kể giải thích địa danh là những câu chuyện cảm động, những bài học nhớ đời. Trong đó có chuyện kể về Bà Bầy, một người phụ nữ kiên cường, gan dạ đã mở đường tắt trong vườn cau để nghĩa quân hành quân tránh sự kiểm soát của giặc. Chuyện bại lộ, thực dân Pháp bắt bà tra khảo dã man nhưng bà tuyệt đối không hé răng. Chúng thay phiên hãm hiếp bà cho đến chết. Ngã ba Cần Lố được lấy tên là vàm Bà Bầy để ghi nhớ câu chuyện thương tâm ấy (“Sự tích vàm Bà Bầy”).

* * *

Đến với truyện dân gian về địa danh ở ĐBSCL là đến với những nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục truyền thống tốt đẹp của vùng đất và con người nơi đây. Giữa bộn bề hiểm nguy gian khổ, tính cách nghĩa hiệp, khí khái và bản lĩnh, gan góc của người đồng bằng lại càng lộ rõ:

“Trời sinh cây cứng lá dai
Gió lay mặc gió chiều ai không chiều”

Trong cuốn “Đất Gia Định xưa”, nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Những người tiên phong đi khai phá rừng rậm hay làm nghề tiều phu, khi gặp thú dữ rất tỉnh táo và can đảm. Họ dùng mưu trí và sức mạnh để đánh đuổi ác thú, buộc chúng phải khuất phục con người. Đó là những kỳ công thật vĩ đại” (trang 77). Dẫu biết gặp rất nhiều hiểm nguy nhưng họ vẫn tiên phong “khai sơn phá thạch” không chỉ vì bản thân mà cho người cùng chung cảnh ngộ.

Nhân vật trong truyện là những người sống nghĩa tình, biết hy sinh vì người khác, thể hiện lối sống cộng đồng “tối lửa tắt đèn”. Mẫu người như bác Năm Hưng trong “Sự tích rạch Trâu Trắng” là một điển hình: “Lối xóm ai có việc gì bất trắc lúc tối lửa tắt đèn, bác đều hết lòng giúp đỡ”. Còn trong truyện “Bưng Sấu Hì” miêu tả: Khi gặp nạn người dân chỉ cần đánh mõ cầu cứu, ngay lập tức: “Hàng xóm chạy đến, rồi kẻ đuốc, người chĩa ba, mác vót chạy vào rừng, về phía phát ra tiếng kêu”. Những cư dân mới đến đều cùng khổ, đoàn kết để có cuộc sống tốt đẹp vừa là bản tính, vừa là yêu cầu ở vùng đất này. Thậm chí:

“Lao xao sóng bủa dưới lùm
Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng”

Truyện dân gian về địa danh ca ngợi những con người chấp nhận hy sinh để đổi lấy sự bình yên cho cộng đồng. Chính những ân tình đã giúp nâng đỡ tinh thần người lao động vượt qua bao cực nhọc của công cuộc xây dựng và bảo vệ xóm làng.

Truyện dân gian về địa danh ở ĐBSCL không có những nhân vật thần linh, kỳ ảo như: Tiên, Bụt, Thần Thánh cũng không có công chúa, hoàng tử, những ngôi cung điện sơn son thếp vàng mà là những con người lao động bình dị, chơn chất với lối sống, lối suy nghĩ hồn hậu, nhân văn. Bối cảnh truyện là những cánh đồng, kinh rạch thuở khai khẩn vùng đất ĐBSCL. Vì vậy mà truyện trở nên gần gũi, thân thuộc với những ai đã từng gắn bó với mảnh đất này.

* * *

ĐBSCL đang phát triển từng ngày. Khung cảnh hoang sơ, lau sậy, rừng rậm của thuở đầu khai phá giờ đã là những ruộng lúa trĩu bông, những mảnh vườn sum suê trái chín. Tìm hiểu mảng truyện dân gian về địa danh như một cách “ôn cố tri tân”, ghi nhớ công lao tiền nhân thời mở đất, giúp thế hệ hôm nay biết trân quý những gì ông cha đã cố công gầy dựng.

Những câu chuyện về địa danh như mạch nước ngầm vẫn âm thầm chảy suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này, góp phần khơi dậy những nét đẹp văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết