17/08/2012 - 20:47

Đông Bắc Á cần hội nghị thượng đỉnh mới

Hình ảnh thể hiện sự hợp tác của ba nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn cách đây vài tháng.
Ảnh: Chinadaily

Chính quyền Nhật Bản đã tuyên bố trục xuất 14 công dân Trung Quốc xâm nhập trái phép quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư như là động thái làm giảm ngòi nổ căng thẳng chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, dư luận đang trông chờ những bước đi mới không chỉ giải quyết bất hòa giữa Tokyo và Bắc Kinh mà cả với Seoul vì sự phát triển năng động, thịnh vượng lâu dài của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Kết thúc vụ xâm nhập trái phép

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Thủ đô Tokyo sáng 17-8, người phát ngôn văn phòng chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết Thủ tướng Yoshihiko Noda đã nhận được báo cáo đầy đủ về vụ xâm nhập lãnh thổ trái phép của 14 công dân Trung Quốc và ông đã chấp nhận phê chuẩn quyết định trục xuất những người này. Tuy ông Fujimura không nói rõ thời điểm trả tự do, nhưng báo Fiji News của Nhật Bản cho hay nó diễn ra ngay trong ngày. Trung hoa Nhật Báo và Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên nói rằng tất cả công dân Trung Quốc đã trở về Hồng Công tối 17-8.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho rằng hành động phóng thích nhanh chóng của chính phủ là nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột bất ổn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Fujimura nhấn mạnh quyết định này không dựa trên cảm xúc và mang tính chính trị, mà nó tuân thủ một cách nghiêm túc luật an ninh nội địa của Nhật Bản. Ông khẳng định việc các công dân Trung Quốc đặt chân bất hợp pháp lên đảo Uotsurijima (thuộc Senkaku) bất chấp những lời cảnh báo trước là hành vi “thật sự đáng tiếc”.

Năm 2004, một nhóm nhà hoạt động đòi chủ quyền của Trung Quốc cũng đi thăm trái phép một trong những hòn đảo ở Senkaku và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizemi khi đó đã quyết định trả tự do cho họ sau 2 ngày bắt giữ. Năm 2010, chính quyền Nhật Bản tỏ ra cứng rắn khi giam giữ một thuyền trưởng Trung Quốc suốt 2 tuần lễ vì người này táo tợn tông tàu vào lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Thế nhưng, hãng tin Pháp AFP gọi đây là một “tai họa ngoại giao” bởi cuối cùng chính quyền Tokyo bị một bộ phận dư luận Nhật chỉ trích là “nhúng nhường”, “khuất phục” trước sức ép và cả dọa dẫm của Bắc Kinh. Còn lần này, Thủ tướng Noda đã sớm trả người nhưng triệu tập một cuộc họp nội các bất thường trong ngày 17-8 trước đòi hỏi ông phải đưa ra một quyết định dũng cảm hơn như đi thăm Senkaku.

Vì lợi ích của Đông Bắc Á

Chuyến thăm bất ngờ tới đảo Dokdo/Takeshima mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã gây căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản. Nếu ông Noda đi thăm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tất sẽ làm Trung Quốc nổi giận. Tất cả những hành động gây hấn rồi đáp trả được coi là sự khiêu khích qua lại có thể làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích của nhau. Trong tình hình này, báo Hani của Hàn Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo cấp cao Đông Bắc Á cần ngồi lại với nhau để dàn xếp bất đồng vì nền hòa bình và tiến trình phát triển bền vững theo ý nguyện của nhân dân khu vực. Báo này cho rằng Đông Bắc Á, nơi được coi là khu vực thương mại và hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới, cần tiếp tục chính sách “ngoại giao kiềm chế”, tránh sử dụng bất kỳ hành động khiêu khích qua lại.

Nền kinh tế 3 nước Trung-Nhật-Hàn chiếm 19,6% GDP của thế giới, tổng số lượng khách du lịch đi thăm lẫn nhau lên đến 16,55 triệu người năm 2010, giá trị kim ngạch thương mại năm 2011 đạt hơn 690 tỉ USD. Vốn đầu tư của Nhật tại Trung Quốc tính đến cuối năm 2011 đạt khoảng 80 tỉ USD. Vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng xấp xỉ 50 tỉ USD. Hồi tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo chính phủ 3 nước còn ký thỏa thuận tiến hành đàm phán thành lập khu mậu dịch tự do (FTA) trong năm nay. Đông Bắc Á cũng sẽ cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hình thành nên khu vực thương mại khổng lồ.

Vào giữa đầu tháng 9 tới, khi diễn ra hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Nga, người ta hy vọng các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn sẽ bắt tay nhau và có quyết định vì lợi ích chung.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Hình ảnh thể hiện sự hợp tác của ba nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn cách đây vài tháng. Ảnh: Chinadaily

Chia sẻ bài viết