25/04/2011 - 21:03

"Đòn bẩy" thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ

TP Cần Thơ được xác định là thành phố trung tâm đóng vai trò động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Thời gian qua, thành phố đã phát huy được vai trò là “bệ đỡ” cho sự phát triển của các địa phương lân cận, nhưng việc thu hút đầu tư vào thành phố còn nhiều hạn chế. Thiếu “đất sạch” và hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống cảng chưa phát huy hết năng lực do thiếu luồng cho tàu lớn vào sông Hậu,… là những trở ngại lớn thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ.

Những cản ngại...

Theo Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX&CN), các khu công nghiệp (KCN) tập trung của thành phố hiện có 195 dự án đầu tư, vốn đăng ký hơn 1,73 tỉ USD. Trong đó, 156 dự án đang hoạt động có doanh thu, 28 dự án đang xây dựng và 12 dự án chưa triển khai. Nguồn vốn đầu tư đã giải ngân đến nay mới đạt trên 680,6 triệu USD, chiếm 39,1% vốn đăng ký. Các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong KCN thu hút 34.726 lao động vào làm việc. Với 8 KCN được quy hoạch phát triển, nhưng chỉ có KCN Trà Nóc 1 và 2 cơ bản lấp đầy. Từ đầu năm đến nay, các KCN chỉ thu hút thêm 4 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký 18,9 triệu USD. Việc thu hút đầu tư vào thành phố đang chậm lại trong thời gian gần đây, do suất đầu tư cao cũng làm DN ngán ngại.

 KCN Trà Nóc đã lấp đầy diện tích.

Năm 2010, các KCN thành phố thu hút được 9 dự án đầu tư mới (không có dự án đầu tư nước ngoài), vốn đăng ký hơn 67,5 triệu USD và 11 dự án mở rộng, vốn trên 45,6 triệu USD. Kế hoạch năm 2011, các KCN thu hút từ 100- 200 triệu USD. Theo lãnh đạo của BQL KCX&CN Cần Thơ, giá thuê đất của thành phố cao làm nhà đầu tư so sánh với các địa phương lân cận, nhưng vấn đề khó nhất là nguồn “đất sạch” mời gọi đầu tư đang thiếu trầm trọng. Mặt khác, từ năm 2008 đến nay, ngân sách thành phố không còn đầu tư vào xây dựng hạ tầng KCN nữa mà giao về cho các công ty đầu tư hạ tầng tự chủ. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, nhà đầu tư hạ tầng còn lúng túng trong triển khai đầu tư. Trong khi tính toán của ngành chức năng, suất đầu tư 1m2 đất công nghiệp ở KCN Hưng Phú hiện trên 67USD, nên giá thuê đất sẽ khá cao khi nhà đầu tư hoàn thành dự án.

Thêm vào đó, hạ tầng giao thông chưa đầu tư đồng bộ, nhiều DN ngán ngại mở rộng đầu tư. Theo lãnh đạo một DN xuất khẩu thủy sản hoạt động trong KCN Trà Nóc, DN được thành phố tạo điều kiện rất nhiều, nhưng hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cầu trên tuyến quốc lộ 91, QL 91B... là vấn đề mà DN ngại nhất. Bởi cầu Trà Nóc, sau khi sửa chữa nâng cấp, tải trọng cho phép là 24 tấn, trong khi phần lớn các DN thủy sản đều đóng container trên 20 feet (trên 25 tấn) là không thể qua được cầu. Còn các cầu trên QL 91B tải trọng chỉ trên dưới 20 tấn, điều này làm đội chi phí vận chuyển của DN lên rất nhiều. Trong thời điểm khó khăn, giá đầu vào tăng, DN buộc phải tính toán đầu tư hiệu quả nhất vừa bảo toàn vốn, vừa đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời, hạn chế việc mở rộng đầu tư mới.

Cần “đòn bẩy”...

Từ đầu năm 2011 đến nay, lãnh đạo thành phố đã có nhiều buổi làm việc với các ngành chức năng liên quan, cùng BQL KCX&CN Cần Thơ về vấn đề thu hút đầu tư, giải ngân các nguồn vốn FDI, ODA và tạo quỹ “đất sạch” thu hút đầu tư. Theo BQL KCX&CN Cần Thơ, BQL đang tập trung tháo gỡ những trở ngại trong triển khai KCN để sớm có đất sạch cho thuê. Hiện KCN Thốt Nốt, thành phố đã thông qua điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng trung tâm CN - TTCN Thốt Nốt giai đoạn 3. Theo chủ đầu tư (Công ty cổ phần KCN Sài Gòn-Cần Thơ), KCN Hưng Phú 1 chia thành nhiều khu, khu 35ha đã đền bù 18,1ha, san lấp được 12,7ha; khu 75,8ha đã thỏa thuận đền bù với dân được 10,5ha, san lấp được 4,5ha; khu 22ha đã giải phóng mặt bằng 100% diện tích, đang thi công hạ tầng; khu tái định cư 10,4ha đã đền bù 100% diện tích, san lấp được 6,52ha, phần còn lại chưa san lấp là phần đất cặp rạch Bùng Binh và chờ bố trí tái định cư tại chỗ; khu tái định cư 42ha mới thỏa thuận đền bù được 1,27ha; khu tái định cư còn lại 43,6ha thỏa thuận đền bù được 2,85ha. Còn KCN Hưng Phú 2A, chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại-BMC mới thỏa thuận giải phóng mặt bằng 30/96ha cần thu hồi và đã chi tiền dứt điểm 25ha; nhưng BMC chỉ san lấp được 5ha. KCN Hưng Phú 2B đang tiến hành vận động bà con nhận tiền bồi thường hỗ trợ di dời để hoàn tất tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định...

Thành phố đã có sân bay, cầu Cần Thơ, hệ thống cảng... là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn được DN lớn, dự án đầu tư vào thành phố đa phần có qui mô vừa và nhỏ. Còn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì tiến độ giải ngân chỉ mới 24% trên tổng vốn đăng ký (51 dự án, vốn đăng ký hơn 786 triệu USD). Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Cơ sở hạ tầng của thành phố chưa được đầu tư đồng bộ, tàu lớn không vào được các cảng, DN khó khăn do chi phí xuất khẩu cao, phải vận chuyển hàng hóa lên TP Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc thay đổi chính sách (chi phí đội lên cao) cũng làm ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư”. Theo bà Vỵ, công tác xúc tiến đầu tư của thành phố còn nhiều hạn chế, chưa xác định các thị trường trọng điểm, cũng như dự án mà thành phố cần mời gọi để chào hàng với nhà đầu tư. Do đó, khi nhà đầu tư đặt vấn đề hiệu quả dự án, sức lan tỏa thì không được giải đáp thỏa đáng. Còn đối với các dự án FDI giao đất cho nhà đầu tư, nếu là đất công phải đấu giá, trong khi nhà đầu tư rất ngại vấn đề này.

Việc đầu tư hạ tầng KCN để có “đất sạch” thu hút đầu tư là vấn đề rất được các cấp chính quyền thành phố quan tâm. Trong cuộc họp đầu năm 2010, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các ngành chức năng xem xét năng lực tài chính của các nhà đầu tư hạ tầng và từng gia hạn đến hết tháng 6-2010, nếu nhà đầu tư hạ tầng KCN không bồi hoàn, san lấp đạt trên 50% dự án (KCN Hưng Phú) sẽ rút phép đầu tư. Nhưng đến nay, vẫn chưa dự nào bị rút phép, dù tiến độ không đạt kế hoạch đề ra. Thành phố đã quy hoạch 8 KCN tập trung, việc lấp đầy các KCN và thu hút đầu tư hiệu quả là vấn đề không dễ dàng hiện nay. Do vậy, chiến lược thu hút đầu tư cần nhấn vào trọng điểm, chọn lọc dự án và cần “đòn bẩy” từ chính sách nhà nước cho thành phố.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết