30/07/2008 - 21:01

Đời sống sinh vật đang bị xáo trộn

Hình ảnh gấu Bắc cực bám víu vào tảng băng trôi là hồi chuông cảnh báo tình trạng Trái đất ấm dần lên đang đe dọa môi trường sống của sinh vật. Ngoài nhiệt độ gia tăng, ô nhiễm môi trường, đánh bắt quá mức và các hoạt động khác của con người cũng ảnh hưởng tới đời sống của các loài động vật. Chẳng hạn như:

Chim chóc di trú sớm hơn

 

Những mùa xuân gần đây, do bờ biển miền Đông của Mỹ ấm nóng lên nên nhiều loài chim di trú từ Nam Mỹ bay về phương Bắc sớm hơn thường lệ, theo tạp chí Global Change Biology. Các nhà khoa học cảnh báo những con chim di trú xa thường thiếu dấu hiệu về thời điểm mùa xuân ở Bắc bán cầu nên có nguy cơ không thích ứng với sự thay đổi của khí hậu. Theo chuyên gia Abraham Miller-Rushing ở Đại học Boston (Mỹ), chúng có thể phải học cách ăn nhiều nguồn thức ăn khác nhau nếu không muốn bị đói do tới không đúng lúc.

Sứa biển “tung hoành”

 

Tình trạng bùng nổ dân số sứa biển ở khắp các đại dương là hệ quả của việc loài vật này hay “quá giang” tàu thuyền đi vòng quanh thế giới. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/4 loài cư trú ở các cảng quốc tế là sinh vật lạ, lai tạp ở nơi khác đến nhờ quá trình phát tán có sự trợ giúp của con người.

Sinh vật dưới biển sâu cũng bị ô nhiễm

Tháng trước, các nhà khoa học phát hiện các chất ô nhiễm độc hại trong 9 loài thân mềm sống dưới biển sâu, trong đó có mực ống, bạch tuộc, ốc anh vũ. Trong số này có ít nhất hai chất bị cấm sử dụng ở Mỹ từ thập niên 1970 là DDT và PCB. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy các chất ô nhiễm đã len lỏi xuống tận đáy biển, đe dọa cuộc sống của những sinh vật.

Các nhà khoa học nhận thấy sự thay đổi đáng kể về thành phần của các cộng đồng sinh vật biển, nguyên nhân một phần là do nhiệt độ đại dương thay đổi, từ các loài có xương sống (cá) tới các loài không xương sống (tôm hùm, mực và cua), từ những loài kiếm ăn dưới đáy biển cho đến những loài kiếm ăn ở lớp nước phía trên.

Loài bò sát, lưỡng cư lên đồi cư trú

Do khí hậu ấm nóng nên đã có ít nhất 30 loài bò sát và lưỡng cư chạy lên cư trú ở các vùng cao có khí hậu mát mẻ hơn. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu hiện tượng Trái đất ấm dần lên không được đẩy lùi thì đến năm 2050 - 2100, các loài sẽ tuyệt chủng hàng loạt bởi các vùng đất cao cũng sẽ bị ấm nóng.

Chim cánh cụt lâm nguy

Dân số chim cánh cụt sụt giảm nhanh, ngoài nguyên nhân Trái đất ấm dần lên làm tan băng – môi trường sống của chúng, còn do tình trạng ô nhiễm nước biển do dầu tràn, đánh bắt theo kiểu tận diệt của ngư dân và tình trạng đô thị hóa ồ ạt ở các miền duyên hải. “Chim cánh cụt là một trong những loài cho chúng ta thấy chúng ta đang làm thay đổi căn bản cuộc sống của mình”, giáo sư Dee Boersma thuộc Đại học Washington cảnh báo. Với 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu chim cánh cụt, ông cho rằng loài chim này khó thoát khỏi cảnh tuyệt chủng.

Ký sinh trùng di cư

Ký sinh trùng Angiostronglyus vasorum thường được tìm thấy ở vùng Tây Nam nước Anh, đang di cư lên phía Bắc do nhiệt độ tăng. Ký sinh trùng này được tìm thấy trong những con chó bị bệnh ở Scotland. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao ở xứ sương mù cũng khiến các loài ốc sên thay đổi nơi ở.

H.A (Theo LiveScience)

Chia sẻ bài viết