Hội nhập quốc tế luôn mang lại cơ hội và thách thức cho các bên tham gia. Để chủ động tiến ra biển lớn, TP Cần Thơ đã tích cực chủ động đổi mới, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
* Tích cực đổi mới
Năm 2016 được xem là năm bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào nhiều hiệp định quốc tế quan trọng, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (Vietnam EU FTA). Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi thị trường xuất khẩu được mở rộng và phát triển theo hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Song các doanh nghiệp sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn với các nước trong khu vực và các quốc gia phát triển trên thế giới. Trong bối cảnh đó, TP Cần Thơ đã chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động thể hiện tính hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới.
 |
Trung tâm Thương mại Lotte Mart Cần Thơ - một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hiệu quả tại TP Cần Thơ. |
TP Cần Thơ luôn đẩy mạnh công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó thể hiện qua môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn được cải thiện với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương vươn lên nhóm khá. Theo kết quả công bố xếp hạng PCI năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, TP Cần Thơ xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 1 bậc so với năm 2014 với số điểm tổng hợp là 59,81; đứng thứ 5 trong vùng ĐBSCL và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá. Chỉ số hiệu quả quản lý hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính (PAR Index) ở nhóm đầu. Cùng đó, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được đẩy mạnh, giúp mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Các văn bản quy định thuộc thẩm quyền của thành phố được rà soát thường xuyên, đảm bảo không trái với cam kết quốc tế. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào một số lĩnh vực quản lý, nhất là thuế, hải quan và đăng ký kinh doanh
Những năm qua, cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam, ngành du lịch TP Cần Thơ đã và đang tích cực tham gia nhiều hoạt động hội nhập quốc tế, cả song phương và đa phương. Được mệnh danh là Tây Đô - thủ phủ của miền Tây Nam bộ, TP Cần Thơ có các điểm du lịch tiêu biểu. Chợ nổi Cái Răng được tạp chí du lịch Rough (Anh) công bố trong danh sách 10 khu chợ "tuyệt vời nhất thế giới" và vừa qua được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. TP Cần Thơ chú trọng cải tạo các điểm du lịch thu hút khách như chợ cổ Cần Thơ, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà thờ họ Dương (nhà cổ Bình Thủy), hệ thống nhà cổ trên cù lao Tân Lộc, các điểm vườn du lịch sinh thái tại quận Cái Răng và huyện Phong Điền
Những năm qua, cơ sở vật chất ngành du lịch thành phố dần được hoàn chỉnh; kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, bộ và đường hàng không rất thuận lợi; các công trình vui chơi giải trí, di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư tôn tạo khang trang... Những lợi thế trên đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, nhất là lĩnh vực lưu trú, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách và các cuộc hội nghị lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.
Xuất khẩu nông sản và thủy sản cũng là thế mạnh của TP Cần Thơ. Để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, cho biết: "Công ty có 9 phân xưởng sấy xay chế biến và kho chứa lúa gạo với sức chứa 80.000 tấn, công suất chế biến đóng gói 2.000 tấn/ngày. Trong đó có 2 phân xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm trong khâu sản xuất, chế biến, đóng gói (HACCP, BRC- Tiêu chuẩn của Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh). Nhờ đó, doanh nghiệp đã vượt khó để hoàn thành mục tiêu đề ra". Là một trong những công ty dược đứng đầu cả nước, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang luôn nỗ lực chủ động đưa ra những giải pháp kịp thời, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học có nguồn gốc thiên nhiên và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.
* Chủ động hội nhập
Các chuyên gia chỉ ra một số bất cập và thách thức cần được quan tâm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố, điển hình như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng các ngành có giá trị gia tăng cao chưa được cải thiện, công nghiệp chưa phát triển dẫn đến doanh nghiệp khó tham gia vào chuỗi giá trị và ít có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, năng lực cạnh tranh và chuẩn mực kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là siêu nhỏ vẫn còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội có được do mở cửa thị trường; kim ngạch xuất khẩu tăng tốc chậm so với cả nước.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), để TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL phát triển trong xu hướng hội nhập, các tỉnh, thành của vùng cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Theo đó, giảm lao động trong nông nghiệp, mở thêm ngành sản xuất, kinh doanh mới để thu hút đầu tư trong nước và từ nước ngoài, tạo môi trường khởi nghiệp, khuyến khích khởi động, ươm tạo doanh nghiệp
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: "Các ngành chủ lực của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng là lúa, gạo, thủy sản đang đối mặt với những thách thức lớn khi hội nhập quốc tế. Đó là: thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu phát triển; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu hội nhập; chưa có chính sách đặc thù riêng và chính sách đầu tư khởi nghiệp quy mô toàn vùng. Hơn hết, các doanh nghiệp trong vùng chưa thực sự hiểu rõ về những cơ hội, thách thức do hội nhập quốc tế mang lại để có chiến lược phát triển hiệu quả ở thị trường trong nước và quốc tế".
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhận định: Lợi thế của TP Cần Thơ và cả ĐBSCL là nông nghiệp và các sản phẩm nông sản, trong khi đó năng lực cạnh tranh kém, còn thiếu những tập đoàn lớn đủ sức để tạo thành những chuỗi sản phẩm mang lại giá trị cao. Do vậy, vùng cần phải tính toán tìm ra sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương, cho vùng. Vào sân chơi quốc tế, bên cạnh vấn đề thuế quan, thách thức lớn nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi đó rào cản kỹ thuật gắn với việc phát triển công nghệ cao. Do đó, cần phát triển công nghệ, giám sát chặt chất lượng sản phẩm. Việc này không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà cần phải kiên trì và phải nhận được sự "đồng lòng" của nhiều phía như: nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng, chính sách
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, để hội nhập tốt, doanh nghiệp cần đầu tư rất lớn vào nguồn nhân lực và R&D (nghiên cứu và phát triển). R&D là đầu tư mạo hiểm và khó kiểm soát hiệu quả hơn so với các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường vì doanh nghiệp khó có thể tính toán giá thành và hiệu quả. Nhưng nếu không đầu tư vào R&D, doanh nghiệp lại khó giữ được vị trí cạnh tranh.
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tích cực và chủ động hội nhập ở nhiều phương diện như hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách hành chính,
với mong muốn tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp đang hoạt động, Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khẳng định: "Kinh tế - xã hội của thành phố phát triển trong năm qua có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, để phát triển, các đơn vị doanh nghiệp cần có những chiến lược để doanh nghiệp phát triển bền vững. Lãnh đạo thành phố sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để từ đó có những chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển".
Bài, ảnh: KHÁNH NAM