10/01/2020 - 07:25

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT:

Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông 

Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2019 được giữ vững ổn định, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương... Để tiếp tục giữ vững trật tự TTATGT, kéo giảm TNGT trong năm 2020, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT, cho biết:

- Ngay từ đầu năm 2019, Ban ATGT thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về ATGT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng trong công tác đảm bảo TTATGT, như: Kế hoạch số 128 về việc thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 08 về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo TTATGT năm 2019 và Chỉ thị số 11 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn chặn TNGT do uống rượu bia trên địa bàn TP Cần Thơ... 

Trên cơ sở đó, Công an thành phố, Sở GTVT và các đơn vị có liên quan đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức ra quân tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm TTATGT, nhất là đối với những hành vi vi phạm được xác định là nguyên nhân chính gây ra TNGT. Bên cạnh đó, các địa phương còn tổ chức ra quân thực hiện nhiều chuyên đề xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi: chạy quá tốc độ; người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, vi phạm quy định về nồng độ cồn; chuyên đề xử lý vi phạm đối với người điều khiển ô tô khách, container, ô tô tải... 

Các đơn vị chức năng thành phố và quận, huyện có liên quan thường xuyên khảo sát những điểm đen trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị; có phương án giải quyết cụ thể từng nơi, từng vị trí. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm nâng cấp, duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông, nhất là các đoạn xuống cấp, ổ gà, điểm ngập nghẹt; tăng cường trang bị các biển báo hiệu giao thông… từ đó góp phần kiềm chế và làm giảm TNGT xảy ra tại địa phương.

* Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình TTATGT vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Vậy ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?  

- Mặc dù TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so với cùng kỳ năm 2018, nhưng mức độ giảm vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra (từ 5 đến 10%). Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật dù được thực hiện thường xuyên nhưng chưa đạt theo yêu cầu, các địa phương triển khai còn chậm chưa vận động từng người, từng nhà; một số địa phương còn lơ là trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một số công trình đường bộ thi công chậm trễ, kéo dài; hệ thống cống thoát nước không được nạo vét liên tục, gây ngập úng vào mùa mưa lũ và triều cường dâng đã gây khó khăn cho việc đi lại. Còn nhiều đoạn đường có nguy cơ cao xảy ra TNGT (các quốc lộ 80, 91, 91B). Tuy nhiên, trên các tuyến quốc lộ do các cơ quan Trung ương quản lý, tình trạng mặt đường xuống cấp, các điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao, thiếu đèn tín hiệu, thiếu đèn chiếu sáng... chưa được khắc phục, xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm TTATGT...

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để phục vụ cho việc duy tu, nâng cấp, cải tạo trang thiết bị an toàn giao thông đường bộ còn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống biển báo hiệu, phao tiêu trên tuyến đường thủy nội địa chưa được đầu tư đúng mức so với nhu cầu thực tế của các địa phương.

* Năm 2020, Thường trực Ban ATGT thành phố sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm kiềm chế TNGT, thưa ông?

- Ban ATGT thành phố và các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, thiết thực và hiệu quả. Đảm bảo mọi đối tượng tham gia giao thông được tiếp cận các kiến thức, quy định của phát luật về TTATGT. Tập trung triển khai hiệu quả các kế hoạch, đổi mới phương thức trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về TTATGT, từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, chú trọng công tác tuần tra lưu động trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT; thường xuyên triển khai các đợt cao điểm xử lý theo chuyên đề, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết…

Ông Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thứ 3, từ phải sang), cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố khảo sát các điểm mất ATGT trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Ông Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thứ 3, từ phải sang), cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố khảo sát các điểm mất ATGT trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Bên cạnh đó, Ban ATGT sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý các tuyến quốc lộ tổ chức đoàn khảo sát, thẩm định ATGT đối với các tuyến đường đang khai thác, thường xuyên xảy ra TNGT; qua đó, đề xuất các giải pháp cải tạo, khắc phục kịp thời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiến nghị lắp đặt, bổ sung hệ thống báo hiệu, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng,... trên các đường tỉnh, đường địa phương quản lý và các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT quản lý đi qua địa bàn thành phố.

Để đạt được các giải pháp trên, Thường trực Ban ATGT TP Cần Thơ kiến nghị Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.5 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng các địa phương thuộc TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp kéo giảm TNGT theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ IV. Đồng thời, thường xuyên báo cáo kịp thời các nội dung kiến nghị của địa phương liên quan đến quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ ngang qua địa phận TP Cần Thơ để Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ IV có hướng khắc phục, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần kiềm chế và làm giảm TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ.        

* Xin cảm ơn ông!

Kim Xuân (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết