24/11/2017 - 08:53

Bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin TP Cần Thơ:

Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân 

Hôm nay, tại Hội trường Câu lạc bộ Hưu trí Cần Thơ, 235 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin nhiệm kỳ 2017-2022 do Hội Nạn nhân Chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin TP Cần Thơ tổ chức.  Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về những kết quả nổi bật trong công tác Hội nhiệm kỳ 2013-2017 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tiếp theo, bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ, cho biết:

- Toàn thành phố hiện có 4.459 nạn nhân CĐDC, trong đó, có 1.952 nạn nhân trực tiếp, 1.650 nạn nhân thế hệ thứ 2 và 857 nạn nhân thế hệ thứ 3. Đáng lưu ý, còn 318 nạn nhân diện hộ nghèo, 173 nạn nhân diện cận nghèo. Thời gian qua, các cấp Hội quan tâm rà soát, nắm tình hình nạn nhân để kịp thời hỗ trợ các quyền lợi chính đáng. Đến nay, có 1.022 nạn nhân được hưởng trợ cấp CĐDC; 2.376 nạn nhân được hưởng trợ cấp xã hội và 57 nạn nhân được trợ cấp hằng quý của Thành hội và các ngành.

Hằng năm, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin thành phố tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các nạn nhân; tuyên dương những mạnh thường quân đồng hành chăm sóc nạn nhân CĐDC/Dioxin và gương nạn nhân vượt khó tiêu biểu; đẩy mạnh vận động nguồn lực chăm lo nạn nhân. Nhiệm kỳ 2013-2017, các cấp Hội vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp tiền, quà chăm lo nạn nhân, với tổng trị giá gần 28 tỉ đồng. Trong đó, tặng 45.412 phần quà dịp lễ, Tết; xây dựng, sửa chữa 185 căn nhà tình thương; hỗ trợ 637 suất học bổng; 212 suất trợ vốn làm ăn; 433 suất hỗ trợ khó khăn đột xuất… Ngoài ra, các cấp Hội phối hợp với đoàn thể địa phương giới thiệu 1.153 lượt gia đình nạn nhân vay 17 tỉ 159 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin thành phố Cần Thơ tổ chức lễ bàn giao 5 căn nhà Đại Đoàn kết cho gia đình nạn nhân các xã: Tân Thạnh, Xuân Thắng, Trường Xuân B thuộc huyện Thới Lai trong tháng 6-2017. Ảnh: MỸ TÚ

* Thưa bà, trong nhiệm kỳ qua còn những khó khăn, vướng mắc gì cần giải quyết để công tác chăm sóc nạn nhân được tốt hơn trong thời gian tới?

- Nhiều hồ sơ xin trợ cấp chế độ dành cho nạn nhân CĐDC nhưng không còn giấy tờ gốc. Bên cạnh đó, thế hệ thứ 3 là cháu người tham gia kháng chiến, có biểu hiện dị tật, dị dạng hoặc mắc các bệnh liên quan phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân CĐDC, chỉ xét trợ cấp bảo trợ xã hội, phần nào làm thiệt thòi gia đình nạn nhân. Thời gian qua, chúng tôi luôn quan tâm chăm lo đời sống lâu dài cho các nạn nhân, nhất là về nhà ở và việc làm. Hiện toàn thành phố còn hơn 100 gia đình nạn nhân cần được hỗ trợ nhà ở. Với 1.080 nạn nhân không tự phục vụ được, người thân phải cận kề chăm sóc, rất cần sự quan tâm hỗ trợ lâu dài của cộng đồng để gia đình vơi bớt nỗi đau, mặc cảm. Hội mong muốn sẽ nhận được sự gắn kết của nhiều mạnh thường quân, trở thành nhà tài trợ thường xuyên, gắn với “địa chỉ đỏ” là những gia đình nạn nhân nghèo khó.

Mặc dù tổ chức Hội được kiện toàn, cán bộ Hội có trách nhiệm, tận tụy nhưng chế độ thù lao cho cán bộ Hội cơ sở chưa thống nhất. Thêm nữa, kinh phí hoạt động từng lúc, từng nơi chưa được bố trí đầy đủ, thậm chí, có Hội cơ sở chưa có kinh phí hoạt động, phần nào ảnh hưởng hiệu quả chăm sóc nạn nhân.

* Nhiệm kỳ 2017-2022, Thành hội đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gì để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc nạn nhân CĐDC/Dioxin, thưa bà?

- Phát huy thành quả đạt được, nhiệm kỳ tới, Thành hội đề ra một số mục tiêu phấn đấu cụ thể. Đó là, tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ Hội, phấn đấu hằng năm từ 85% quận, huyện và cơ sở Hội đạt vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có tổ chức yếu, kém. Tăng cường tuyên truyền, thi đua hành động vì nạn nhân CĐDC, phấn đấu cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội vận động từ 20 tỉ đồng chăm sóc nạn nhân. Ngoài ra, cố gắng kết nối 100 “địa chỉ đỏ”, hỗ trợ thường xuyên các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp gia đình nạn nhân phát triển mô hình kinh tế, giảm 20% nạn nhân nghèo và cận nghèo so với đầu nhiệm kỳ. Đồng thời, phối hợp tư vấn, hướng dẫn kịp thời để 100% đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ chính sách theo quy định…

Nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp hội quán triệt chủ đề “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, với những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Hội tiếp tục làm tốt việc tham mưu, phối hợp triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hoàn thành nhiệm vụ cũng như đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC”. Cùng với đa dạng hoạt động chăm sóc nạn nhân, Hội đảm bảo công khai, minh bạch trong vận động, quản lý tài chính, tạo niềm tin với các nhà hảo tâm và nạn nhân.

* Xin cảm ơn bà. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

MỸ TÚ  (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết