02/09/2018 - 07:44

Đôi điều về nguồn gốc của ca ra bộ 

Đầu thế kỷ XX, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân trên vùng đất mới Nam bộ ngày một tăng. Những hình thức nghệ thuật dân tộc được các lưu dân mang theo, đưa vào kết hợp với những trò diễn xướng dân gian bản địa, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Họ đòi hỏi phải có một hình thức nghệ thuật mới hơn, nội dung gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật, và thỏa mãn được nhu cầu nghe nhìn- nghe ca và xem diễn.  

Một nhóm đờn ca tài tử ở Nam bộ thời điểm 1911. Ảnh: TL
Một nhóm đờn ca tài tử ở Nam bộ thời điểm 1911. Ảnh: TL

Đáp ứng yêu cầu đó, Đờn ca tài tử ra đời và phát triển mạnh, là nền tảng để phát triển Ca ra bộ - tiền thân của Cải lương. Tài liệu của ông Trần Văn Khải (vốn là cháu gọi ông Nguyễn Tống Triều là cậu, từng giảng dạy ở Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn) cho biết thời gian này có một ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho do ông Nguyễn Tống Triều lập ra. Trong đó, ông Tống Triều chuyên sử dụng đàn kìm, ông Bảy Vô kéo đàn cò, ông Chín Quán thủ cây đàn độc huyền, ông Mười Lý thổi ống tiêu, cô Hai Nhiễu đàn tranh và cô Ba Đắc hát. Cô Ba Đắc được xem là một nữ danh ca nổi tiếng thời ấy thông qua lối hát dậm thêm vài câu hài hước trong các bài “Đại lang dậm”, “Bùi Kiệm dậm”, đặc biệt là bài “Tứ đại oán” Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga.

Trong khi đó, vẫn theo các tài liệu của ông Trần Văn Khải, lại thêm ghi chép của ông Ba Vân, ông Vương Hồng Sển… thì Ca ra bộ phát khởi từ Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) tại nhà thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định khoảng năm 1916. Vào thời này, người dân cư ngụ tại các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá… mỗi khi muốn về Sài Gòn đều phải ghé qua ga xe lửa Mỹ Tho nghỉ tạm lại một đêm rồi sáng hôm sau mới bắt xe lửa mà đi. Trong số những hành khách này có ông Tống Hữu Định (còn gọi là thầy Phó Mười Hai). Ông là người làng Long Châu, làm phó tổng Bình Long, từng tham gia phong trào Duy Tân, mượn lý do trùng tu văn miếu Vĩnh Long (nơi có thờ các cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông) để phát động cuộc dựng bia với các thân hào nhân sĩ địa phương. Ông cũng đam mê đờn ca, cứ mỗi chiều ông thường mời những người yêu thích nhạc tài tử đến nhà mình chơi, như các ông Nguyễn Thành Điển, đốc học Lê Ninh Thiệp, trưởng tòa Trần Chí Giang, kinh lịch Trần Quang Quờn, giáo sư Nguyễn Văn Hanh, nhạc sĩ Trần Văn Diện (tức Năm Diện), Ba Phương, Hai Giỏi, Hai Nghị, Trần Văn Thiệt (chủ rạp hát Cầu Lầu), Lê Văn Hiến (tức Hai Hiến chủ gánh xiệc Thái Anh Tinh, gánh xiệc này khi ấy đã có xen kẽ các tiết mục đờn ca tài tử).

Tương truyền rằng một lần tình cờ ghé nhà ga Mỹ Tho nghỉ chân, ông Tống Hữu Định có đi xem hát và được nghe cô Ba Đắc diễn ca bài “Tứ đại oán”. Lúc này cô Ba Đắc không ngồi chung dàn nhạc ca mà đứng riêng một mình. Sau khi quay về Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định bèn nảy ra ý tưởng cho các tài tử ca ở nhà mình đứng trên bộ ván ca và có ra điệu bộ minh họa (hay còn gọi là Ca ra bộ). Có nghĩa là thay vì một tài tử ca đóng một lúc ba nhân vật Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga trong lớp “Tứ đại oán” Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga như ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều từng làm ở Mỹ Tho, ông Tống Hữu Định đã phân vai cho mỗi người ca một đoạn: kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được biểu diễn khá linh hoạt nên lớp ca được người xem nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh và sau đó ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Giống như những loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc khác như Chèo, Tuồng, nghệ thuật Cải lương cũng phát triển từ diễn xướng và âm nhạc dân gian, từ diễn xướng dân gian đến Đờn ca tài tử rồi Ca ra bộ tức là ca theo lối kể chuyện, lấy lời ca làm lời để kể cho khán thính giả nghe, kể hết thân phận người này sang nguời khác. Nội dung của Ca ra bộ thường lấy tích trong các truyện thơ Việt Nam hoặc một số truyện phổ biến trong dân gian. Ca ra bộ ra đời lúc này là hình thức trình diễn của sân khấu đơn sơ, là gạch nối của quá trình chuyền dần từ hình thái âm nhạc đơn thuần sang sân khấu diễn xuất. Từ những lớp ngắn tiến lên vở dài có phân vai, thay phiên nhau nhiều người ca, người thì ca vai này, người ca vai khác, có thêm yếu tố diễn xuất. Ca ra bộ bắt đầu trở thành tiết mục sân khấu, nhưng chưa thành vở diễn hoàn chỉnh. Từ chỗ chỉ ngồi trên bộ ván mà hát, sau đó bước xuống đất vừa hát, vừa làm điệu bộ rồi trở thành tiết mục. Ca ra bộ đã trải qua quá trình diễn xướng từ đơn giản đến phức tạp. Khi có tiết mục thì đòi hỏi phải có sân khấu diễn xuất. Thế là ca ra bộ có mặt ở các địa điểm sân khấu lần lượt diễn ở sàn diễn này sang sàn diễn khác và đến năm 1917, sau 10 năm phát triển từ diễn xướng dân gian, đờn ca tài tử đến ca ra bộ rồi tiến dần thành vở diễn cải lương. Vở cải lương “Lục Vân Tiên” của cụ Trương Duy Toản ra đời cũng vào thời điểm này nhưng vẫn chưa có bài ca chính nào làm chủ đạo.

Cùng thời điểm này (năm 1917) bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu lần đầu tiên ra đời đánh dấu một bước ngoặt mới của nghệ thuật cải lương. Bản vọng cổ lúc đầu được sáng tác với âm điệu rất đơn sơ mộc mạc nhưng thể hiện được tâm tư tình cảm của một lớp người thời đại đó, đồng thời nêu lên được tính độc đáo của một loại hình mới về nghệ thuật âm nhạc được phát triển dựa trên những âm điệu cổ truyền. “Dạ cổ hoài lang” đã làm nền tảng cho ca nhạc cải lương đến hôm nay, mặc dù đã biến đổi khá nhiều. Qua việc khảo cứu những tài liệu cũ, chúng tôi nhận thấy Cải lương bắt đầu có sự manh nha vào đầu thế kỷ XX từ những buổi diễn xướng dân gian, bắt đầu bằng những hình thức nói kể, kể chuyện bằng thơ kết hợp với nhạc tài tử. Sau đó Ca ra bộ ra đời trong nhóm đờn ca tài tử của ông Tống Hữu Định và đặc biệt là sự xuất hiện của bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của đờn ca tài tử, để cuối cùng hình thành nên một bộ môn nghệ thuật sân khấu mới – nghệ thuật Cải lương vẫn lưu truyền đến ngày nay.

NGUYỄN SINH

Chia sẻ bài viết