Lịch sử khai phá và phát triển vùng đất Nam Bộ cho thấy, thông thường mỗi làng hoặc đơn vị tụ cư thường có một đình làng. Vậy nhưng, ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, hiện có đến 4 ngôi đình, đó là: Thạnh An, Cái Đôi, Phú Trung và Cái Sâu.
Đình Cái Sâu - là đình lớn nhất trong cụm 4 đình ở Phú Thứ.
Cái Răng xưa là nơi có lưu dân đặt chân đến khá sớm trong tiến trình khẩn hoang lập nghiệp dải đất mênh mông phía Tây sông Hậu. Ngay ở điểm rạch Cái Răng, cận vàm rạch Ba Láng là đầu đường qua cánh đồng lớn phía Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang); một ngã khác hướng thẳng tới Phong Ðiền (Cần Thơ). Ðất xốp lắm phù sa, trồng cây gì cũng tốt, vậy nên có thể nói bước mở đầu khai khẩn vùng đất Cái Răng xưa có nhiều thuận lợi. Lại thêm, trên vùng đất này ngay từ buổi đầu đã hội tụ cộng đồng 3 tộc người: Kinh (Việt) - Hoa - Khmer. Họ sống hòa hợp bên nhau, đoàn kết, cùng khẩn hoang lập nghiệp, dốc sức mở mang, xây dựng Cái Răng phát triển. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa, không chỉ làm nền vững vàng để Cái Răng đi lên về kinh tế, mà còn là điều kiện thúc đẩy hình thành tuyến văn minh miệt vườn: Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Ðiền.
Làng Phú Thứ đã có từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thuộc tổng Ðịnh An; đến năm 1949 đổi tên làng Phú Thứ thành xã Phú Thứ. Năm 1976, xã Phú An được thành lập trên cơ sở hợp nhất xã Thạnh An và xã Phú Thứ. Năm 2004, xã Phú An thay đổi địa giới hành chính, một phần trở thành phường Phú Thứ thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Làng Phú Thứ xưa hình thành trên một dải đất cao ráo dọc theo bờ sông Hậu. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này phù sa màu mỡ phục vụ canh tác nông nghiệp… song cũng chứa đựng không ít khó khăn, vất vả. Người khai phá vùng đất này với ý thức hướng về cội nguồn, với nhu cầu văn hóa tâm linh và sự cộng cảm, cố kết cộng đồng, đã hình thành nên thiết chế đình làng. Các ngôi đình lần lượt được xây dựng.
Theo các tư liệu điền dã, làng Phú Thứ vốn có đến 5 ngôi đình được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nhưng hiện nay chỉ còn 4 ngôi đình tồn tại. Ðó là các đình: Thạnh An, Cái Ðôi, Phú Trung và Cái Sâu. Ðây là hiện tượng văn hóa rất lạ vì cùng một làng lại có nhiều đình đến vậy và càng đáng lưu tâm hơn khi số lượng đình khá nhiều nhưng người dân vẫn tham gia trong các kỳ cúng lễ rất đông, trong tinh thần hòa hiếu.
Ông Nguyễn Hữu Năng, Trưởng Ban trung đình Ðình Cái Sâu, và một số vị cao niên ở Phú Thứ, cho biết: Làng Phú Thứ xưa ban đầu chỉ có một ngôi đình là đình Bùng Binh (chỉ biết đã có từ trước năm 1900, không rõ năm xây dựng cụ thể), được nhân dân trong làng tín ngưỡng, là nơi thờ Thần Thành Hoàng và sau đó thờ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ðến năm 1915, ngôi đình bị trúng đạn của thực dân Pháp nên cháy sập. Từ đó, người dân chỉ dựng tạm lại ngôi đình bằng gỗ tạp để thực hành tín ngưỡng, do thời kỳ này quan lại địa phương và quân Pháp tìm cách cản trở không cho xây dựng lại ngôi đình khang trang vì sợ bị lực lượng cách mạng dùng ngôi đình làm nơi tụ họp.
Theo tài liệu sưu tầm được, năm 1912, đình Thạnh An được xây dựng ở vàm Xẻo Lá nên người dân quen gọi là đình Xẻo Lá. Ðình này hồi trước thuộc xã Thạnh An, đến năm 1976 do sáp nhập địa giới hành chính nên hiện thuộc khu vực Khánh Bình, phường Phú Thứ. Khoảng sau năm 1930, khi Pháp thay đổi người cai quản vùng đất này thì việc xúc tiến xây lại đình làng cũng được dân làng bàn đến, nhất là sự ủng hộ của các vị chức sắc người Việt trong làng. Tuy nhiên, có sự khác nhau về quan điểm trong việc quyên góp ủng hộ xây lại đình và vị trí xây dựng, tổ chức thực hiện. Năm 1936, ông Cả Phương, một người giàu có và uy tín trong làng, xây cất thêm đình Cái Ðôi (nay thuộc khu vực Thạnh Hòa). Ðến năm 1939 ông Lê Văn Thái (gọi là ông Huyện Hàm Thái) đã tự bỏ tiền của ra thuê thợ về xây dựng ngôi đình mới, gồm 3 dãy nối liền nhau bằng gỗ quý, khang trang trên mảnh đất do ông hiến tặng tại ngã ba sông Cái Sâu để dân làng đến cúng lễ. Việc xây dựng đến năm 1940 thì hoàn thành, người dân gọi là đình Cái Sâu (nay thuộc khu vực Thạnh Thới). Sau khi đình Cái Sâu được xây dựng, tiếp đến ông Chủ Huyện (chưa rõ họ tên) cho xây cất đình Phú Trung (nay thuộc khu vực Thạnh Lợi) vào năm 1942.
Tất cả những ngôi đình trên đều có điểm chung là được các vị chức sắc, chức việc trong làng tự hiến đất của mình để xây dựng. Mặt khác, có thể do sự chi phối về địa vị xã hội và tiềm lực kinh tế của người đứng ra thực hiện việc xây dựng mà quy mô của từng ngôi đình có khác nhau.
Ðình Thạnh An được thành lập năm 1912, được sửa chữa nhỏ vào năm 1998, diện tích quyền sử dụng đất là 1.273m2. Lễ hội chính trong năm: Kỳ yên Hạ điền ngày 17-4 âm lịch, Kỳ yên Thượng điền 17-11 âm lịch. Theo địa giới hành chính hiện nay, đình Thạnh An tọa lạc tại khu vực Khánh Bình thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng.
Ðình Cái Ðôi được thành lập năm 1936. Năm 1953, đình được dời từ đầu vàm Cái Ðôi về vị trí hiện nay, cách nhau khoảng 100m. Lễ hội chính trong năm: Kỳ yên Hạ điền ngày 26-4 âm lịch, Kỳ yên Thượng điền 26-11 âm lịch. Theo địa giới hành chính hiện nay, đình Cái Ðôi tọa lạc tại khu vực Thạnh Hòa thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng.
Bà con tề tựu trong dịp cúng đình Thạnh An (Xẻo Lá).
Ðình Cái Sâu được thành lập năm 1940 tại ấp Phú Thạnh, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ), có sửa chữa nhỏ, diện tích quyền sử dụng đất là 3.537,1m2. Lễ hội chính trong năm: Kỳ yên Hạ điền ngày 20-4 âm lịch, Kỳ yên Thượng điền
20-11 âm lịch. Theo địa giới hành chính hiện nay, đình Cái Sâu tọa lạc tại khu vực Thạnh Thới thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng.
Ðình Phú Trung được thành lập năm 1942, đến năm 1964 thì dời từ bờ bên này qua bờ bên kia rạch Phú Trung, diện tích quyền sử dụng đất là 748,8m2. Lễ hội chính trong năm: Kỳ yên Hạ điền ngày 19-4 âm lịch, Kỳ yên Thượng điền 19-11 âm lịch. Theo địa giới hành chính hiện nay, đình Phú Trung tọa lạc tại khu vực Thạnh Lợi thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng.
Về tín ngưỡng, cả 4 ngôi đình đều thờ chính là Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Trong 4 ngôi đình, đình Cái Sâu có quy mô lớn nhất, kiến trúc theo hình chữ "Nhất", có chính điện, vỏ ca và vỏ qui, các miếu thờ theo quy tắc. Ba ngôi đình còn lại mộc mạc đơn sơ, kiến trúc là một khối nhà vuông chừng vài chục mét vuông, mái kiểu bánh ít, chỉ có gian chính điện và những bệ thờ tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền quây quanh.
Ðiều đặc biệt ở các ngôi đình này là có một quy ước không thành văn nhưng mọi người trong làng đều chấp nhận thực hiện: Các đình không tổ chức cúng lễ Kỳ Yên trùng ngày, nhằm ngụ ý vị Thần Thành hoàng của đình có thời gian thong thả dự lễ ở tất cả các đình trong làng, đồng thời để Ban trung đình/Ban hội đình và cư dân ở đình này qua đình kia dự lễ hội, giao lưu, tạo sự gắn bó, cố kết cộng đồng giữa các đình bạn với nhau. Ban quý tế các đình đều phải tham gia giao lưu với nhau, nhằm không để xảy ra tình trạng mất hòa khí trong làng.
* * *
"Qua đình ngả nón trông đình", đình vừa có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống. Trong quá trình hình thành và phát triển, chức năng của ngôi đình đã có những thay đổi theo dòng lịch sử nhưng giá trị văn hóa, tinh thần của ngôi đình với người dân trong làng xã luôn bền vững. Mái đình, sân đình, Thần hoàng luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi người. Tìm hiểu về cụm đình ở Phú Thứ để thấy sự đa dạng và chiều sâu văn hóa của người Cần Thơ xưa được lưu truyền đến hôm nay.
Bài, ảnh: NGÔ MINH TRUNG