25/12/2018 - 18:07

Đọc sách trên tinh thần cùng sáng tạo 

Khi môi trường học thuật khởi sắc, dân chủ, thì những người làm công tác lý luận phê bình có điều kiện thể hiện năng lực. Không còn cứng nhắc một chiều, nhà phê bình cùng đồng hành sáng tạo, liên tài với nhà văn trên cơ sở văn bản học, đồng thời vẫy gọi, kết nối, gợi hứng cho bạn đọc cùng khám phá, hưởng thụ, nâng cao những giá trị văn chương. Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang với tác phẩm mới “An trú miền đọc” (NXB Hội Nhà văn 2018) đã bước đi vững vàng theo hướng ấy.

Tác phẩm “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang.

Có một thời trên các diễn đàn phê bình văn học nước ta và ngay cả đề tài hướng dẫn luận văn, luận án, đối tượng thường là các tác giả và tác phẩm kinh điển. Các nhà lý luận phê bình lẫn giáo dục ngại đụng chạm đến những vấn đề văn học đương đại. Vì vậy, phê bình văn học nước ta một thời gần như đánh mất sứ mệnh đồng hành, động lực, dự cảm đối với đời sống sáng tác và làm cầu nối với người đọc. Đến những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, lý luận phê bình văn học mới có một sự chuyển biến mạnh mẽ về lượng lẫn chất. Ngoài việc du nhập các học thuyết, trường phái nghiên cứu tinh hoa của thế giới thì đội ngũ phê bình trẻ xuất hiện, được đào tạo, nghiên cứu thuận lợi hơn.

Nhà phê bình trước hết phải là người đọc sách có kỹ năng và nghệ thuật. Tập tiểu luận - phê bình “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang đã cho thấy điều ấy. Mai Thị Liên Giang là một người đọc chuyên nghiệp và lý tưởng, có phương pháp và mục đích, đồng hành và chiếu rọi văn bản của nhà văn để giải mã, khai mở, đối thoại, liên tưởng trong niềm cảm hứng tái sáng tạo. Từ trải nghiệm của mình, chị viết: “Thực tế, ở Việt Nam có những giai đoạn, người đọc đối diện với những quan điểm, tư tưởng của sách chứ không phải là văn bản sách” (“Người đọc và những thách thức của văn học thị trường Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa”, trang 263). Cũng trong bài viết trên, Mai Thị Liên Giang còn trình bày rõ hơn về nghệ thuật đọc sách hiện nay trước thực trạng phát triển của văn học thị trường. Mỗi người đọc phải tự biết định hướng và tìm ra phương pháp phù hợp. Theo tác giả: “Một đòi hỏi cao với người đọc là phải có sáng tạo, tiếp thu phù hợp với các xu hướng phát triển của văn học. Cần tránh tình trạng thấy sách nào cũng đọc thì cũng không đủ thời gian. Đặc biệt trước trào lưu truyện ngôn tình, người đọc cần có thái độ nghiêm túc và kỹ năng trong việc đọc. Cần đọc trên tinh thần cùng sáng tạo” (trang 278-279).

Trên cơ sở phương pháp đọc sách ấy, Mai Thị Liên Giang đã bám sát văn bản tác phẩm để khám phá, phát hiện, nghiên cứu, luận giải, khai phóng cái hay cái đẹp và nhiều điều thú vị mà đôi khi chính nhà văn sáng tác cũng không nghĩ tới. Bằng sự trân quý, chị đặt mình ở tâm thế người đọc đồng hành với hoạt động sáng tạo của tác giả, liên tài với tác giả, đồng thời kết nối khoảng trống giữa người đọc với nhà văn. Hơn nữa, với tư duy mạch lạc, văn phong khúc chiết và đầy cảm xúc, cách nhìn tinh tế và sâu sắc, những bài tiểu luận phê bình của Mai Thị Liên Giang có sức quyến rũ, lôi cuốn, vẫy gọi người đọc.

Đúng như ở lời tựa sách PGS.TS Lý Hoài Thu đã nhận định: “Trong thế giới đầy biến động, việc tìm đến một miền an trú thảnh thơi có phương pháp riêng sẽ góp phần tích cực trong việc kéo dài niềm an lạc cho cuộc sống con người. Đối với tác giả, đọc như là một kiểu trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật, một cách nối kết khoảng trống giữa người làm công tác phê bình lý luận và sáng tác văn học. TS Mai Thị Liên Giang đã tiếp tục xác định được một khoảng lặng riêng biệt, thú vị ở sự đọc”.

Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang

Tập tiểu luận - phê bình “An trú miền đọc” của TS Mai Thị Liên Giang dày 332 trang, gồm 26 bài, trong đó có 9 bài phê bình về thơ, 5 bài phê bình văn xuôi; 12 bài phê bình lý luận, ý kiến văn học. Đối tượng nghiên cứu của chị là tác phẩm thơ của các tác giả: Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Hoàng Vũ Thuật, Phan Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Hoan, Trần Quang Đạo, Pushkin; văn xuôi của Tô Hoài, Hữu Phương, Franz Kafka, Sarkadi Imre, Morizs Zsigmond; lý luận phê bình của Lý Hoài Thu, Hoàng Thụy Anh, Trần Huyền Sâm, Phạm Ngọc Hiền, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Claudio Magris, Jacque Derrida…

PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết