12/12/2019 - 09:57

Độc đáo vườn chim giữa lòng thành phố  

Thời gian qua, du khách đến Cà Mau rất ấn tượng với hình ảnh chim cò bay lượn vào sáng sớm hay chiều tối. Những con chim cò này bay đi bay về từ vườn chim rộng hơn 3 ha nằm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được hình thành và duy trì hơn 20 năm qua. Nơi đây đang là điểm tham quan hấp dẫn khi đến Cà Mau.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Điểu học Hoàng gia Nhật Bản vào tháng 4-2018, vườn chim có khoảng 6.603 cá thể chim với khoảng 53 loài khác nhau.

Tuy nhiên, số lượng chim cò dao động theo từng mùa trong năm, vào thời kỳ cao điểm có hơn 10.000 cá thể chim đến làm tổ, sinh sản và định cư tại vườn.

Phần lớn là chim cò (cò trắng, cò bợ, cò ngàng), chim cồng cọc, chim vạc, chim điêng điển (còn gọi lại chim cổ rắn), diệc xám...

Để bảo tồn và phát triển vườn chim, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của Đề án chính là bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái vườn chim; giữ gìn và bảo vệ môi trường tại vườn chim không bị ô nhiễm, không làm ảnh hưởng xấu đến dân cư đang sinh sống gần khu vực vườn chim.

Tôn tạo và duy trì nơi sống phù hợp cho quần xã chim nhằm bảo tồn loài, thông qua việc tạo chỗ ở và sinh sản, nuôi dưỡng, chăm sóc, quy tập chim phù hợp về số lượng, thành phần loài chim đầm lầy đặc trưng của vùng Cà Mau.

Thêm nữa, việc bảo tồn vườn chim trong lòng thành phố gắn với tạo cảnh quan sinh động, gần gũi với thiên nhiên, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tham quan; qua đó, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người dân, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng.

Trước mắt, các cơ quan chức năng tỉnh thực hiện các giải pháp bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng tại vườn chim; duy trì nuôi thuần dưỡng chim; xây dựng vườn chim mini, tiểu cảnh, hệ thống giám sát (chòi quan sát, camera, ống nhòm hồng ngoại...) để phục vụ khách tham quan du lịch, học tập và nghiên cứu khoa học.

Tỉnh Cà Mau cũng đưa ra nhiều giải pháp cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đảm bảo các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép, kiểm soát dịch bệnh cho đàn chim, ngăn ngừa động thực vật ngoại lai....

 

Tỉnh chú trọng phát triển hệ thống cây xanh và thảm thực vật, tăng thảm cây xanh đến năm 2020 lên từ 1,5 - 2 lần so với hiện trạng nhằm đảm bảo môi trường phù hợp cho các loài chim làm tổ, sinh sản và phát triển.

Vườn chim thật sự là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Cà Mau.

Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết