16/01/2020 - 08:41

Doanh nghiệp vững tin tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu 

Bước qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, những năm gần đây, đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân của TP Cần Thơ không ngừng lớn mạnh. Chính sự chủ động, nhạy bén và sáng tạo là những yếu tố giúp DN vượt qua thử thách. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực càng đòi hỏi DN thành phố phải nỗ lực hơn nữa, cùng với đó là sự trợ lực tích cực từ Nhà nước.

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Chủ động đổi mới, thích ứng

 Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2019, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.488 DN các loại hình, đạt 87,52% kế hoạch, tổng vốn đăng ký 13.085 tỉ đồng, vượt 86,9% kế hoạch (tăng 6,2% về số DN và tăng 66,96% số vốn đăng ký so năm 2018). Năm qua, thành phố có 160 DN giải thể, tổng vốn 1.228 tỉ đồng (giảm 2,43% về số DN và tăng 6,87% về số vốn so với năm trước). Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đánh giá: Số lượng DN đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng mạnh thể hiện môi trường kinh doanh của thành phố ngày càng cải thiện. Đồng thời, tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước khi đến đầu tư, làm ăn tại Cần Thơ. Có được kết quả này là nhờ thành phố thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tổ chức đối thoại DN...

Có thể nói, sự hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước đã củng cố thêm niềm tin cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, một số DN trên địa bàn đã nhạy bén tiếp cận và phát triển sản xuất từ những lĩnh vực có lợi thế của thành phố. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, chia sẻ: TP Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao và đây cũng là hướng đi được Nhà nước khuyến khích. Vì vậy, công ty quyết tâm theo đuổi sản xuất các dòng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với phương châm “Sản phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn”. Công ty liên kết đầu tư vùng sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học tại các tỉnh ĐBSCL, tập trung nhiều ở tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp và đang cùng nông dân TP Cần Thơ xây dựng những vườn cam xoàn, xoài, ổi, sầu riêng, rau màu sạch, an toàn. Với nỗ lực này, trước tiên công ty mong muốn ngày càng có nhiều người tiêu dùng trong nước được sử dụng nông sản sạch và sau đó là định hướng xuất khẩu.

Gạo, thủy sản là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh hết sức khốc liệt về giá và chất lượng. Vì vậy, theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh, công ty tập trung tiết giảm chi phí sản xuất thông qua đầu tư cải tiến một số khâu gây thất thoát, hao hụt và tốn nhiều nhân công, nguyên liệu… Cụ thể, công ty đã liên kết với Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đào tạo thợ cơ khí để làm chủ các công nghệ máy móc trong ngành sản xuất lúa gạo. Với đội ngũ này, công ty có thể tự sửa chữa, bảo dưỡng và chế tạo cho nhà máy các thiết bị thay thế giúp tiết kiệm nhân công lao động, giảm tiêu hao nhiên liệu và thất thoát trong quá trình sản xuất, chế biến. Nhờ đó, kinh phí cho sửa chữa máy móc hằng năm của công ty đã giảm từ 4 tỉ đồng xuống còn 2,5 tỉ đồng.

Cần trợ lực

Có thể thấy, bằng sự chủ động, sáng tạo nhiều DN trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng thích ứng và bước qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, định hướng từ Nhà nước vẫn là một trong những  yếu tố quyết định sự thành bại của DN. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, bộc bạch: Sản xuất sạch và công nghệ cao là con đường duy nhất đưa sản phẩm nông sản hội nhập và tạo lợi thế đối với cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng do chúng ta vẫn chưa hiểu thấu đáo về làm nông sản sạch và cứ nghĩ đầu tư cho nông sản sạch là chi phí cao nhưng năng suất thấp, nhiều rủi ro. Chính điều này làm cho nông dân, DN ngán ngại và kết quả là hiện nay các chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Muốn thay đổi tư tưởng, cách hiểu này phải tăng cường truyền thông, tuyên truyền, định hướng từ ngành chức năng để người nông dân hiểu về nông sản sạch, phải liên kết với nhau thì mới có thể vươn ra biển lớn được”.

Làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế mà điển hình là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bắt đầu phát huy hiệu lực. Vì vậy, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc Dân, nhấn mạnh: “Chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu. Trước hết, DN phải xác định mục tiêu chiến lược phát triển của mình là xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa. Khi đã quyết tâm đưa hàng hóa xuất ngoại thì phải lựa chọn hình thức gia nhập thị trường phù hợp với điều kiện và tiềm năng của DN: xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp; tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu; thực hiện nhượng quyền thương mại với DN nước ngoài… Ngoài ra, DN cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu từ các nước nhập khẩu. Đừng giữ tâm lý cứ cắt giảm thuế là xuất khẩu được. Thực tế, Việt Nam phải mất 8 năm để đưa thanh long và 5 năm để xuất khẩu xoài vào Nhật Bản”.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, để DN và các bên có liên quan vững tin, chủ động ứng phó trước tác động của​ FTA, Nhà nước cần tổ chức cung cấp thông tin cụ thể về thị trường và các FTA cho từng ngành/sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận vốn, lao động và xúc tiến thương mại cho DN. Các hiệp hội cần liên kết DN và các chủ thể trong chuỗi cung ứng; làm đầu mối xử lý thống nhất các vấn đề về chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ; hỗ trợ xây dựng và kiểm soát thương hiệu. Đối với các DN trong ngành cần xây dựng và duy trì các chứng nhận về quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng đặc thù của ngành; chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội từ các FTA; tập trung cạnh tranh bằng chất lượng, sự khác biệt chứ không chỉ cạnh tranh về giá...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết