Suy giảm kinh tế, hệ quả đầu tiên chính là tình trạng thất nghiệp, do doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất và thị trường tiêu thụ sụt giảm. Hiện nay, tình trạng mất việc làm diễn ra khá phổ biến ở những đô thị lớn. Còn tại TP Cần Thơ, theo nhận định của các ngành chức năng vẫn có khá nhiều cơ hội việc làm cho người lao động (LĐ) và phần lớn DN trong ngành chế biến nông, thủy sản cần nhiều LĐ.
Khó, nhưng chưa biến động
 |
Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân luôn giữ vững thị trường, ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động. Ảnh: XUÂN ĐÀO |
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều giải pháp kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Việc hỗ trợ lãi suất 4%/năm theo gói kích cầu đang được triển khai quyết liệt tại nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 30/2009/QĐ-TTg hỗ trợ đối với người LĐ mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo tinh thần Quyết định 30, DN gặp khó khăn hiện có số LĐ giảm từ 30% trở lên, hoặc từ 100 LĐ trở lên (không kể LĐ thời vụ) sẽ được vay vốn với thời hạn tối đa là 12 tháng, lãi suất 0%; Ngân hàng Phát triển Việt Nam là đơn vị cho vay. Các DN lập phương án sắp xếp LĐ, xác định nhu cầu vay vốn và lập hồ sơ vay vốn theo qui định; đồng thời phải thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc (thôi việc) cho người LĐ trong thời hạn 7 ngày, từ ngày được vay vốn...
Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang tiến hành rà soát tình hình LĐ tại các DN đóng trên địa bàn để làm cơ sở cho thực thi Quyết định 30. Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, cho biết: “Tính đến ngày 13-3-2009, Sở chưa nhận được phương án sắp xếp LĐ của DN nào trên địa bàn theo Quyết định 30. Nhiều DN đang có kế hoạch tuyển thêm lao động, do có đơn đặt hàng mới và mở rộng sản xuất kinh doanh”. Mặc dù, các DN trong ngành chế biến thủy sản đang thiếu nguyên liệu và phải giảm công suất chế biến 30%. Một số DN gặp khó khăn vì phải trả phần vốn vay năm 2008, với lãi suất bình quân khoảng 15%/năm; chi phí sản xuất tăng, đơn đặt hàng giảm. Tuy nhiên, theo bà Sương, qua báo cáo từ Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cùng với thực tế khảo sát của Sở, việc tăng giảm LĐ tuy có biến động nhưng chưa ảnh hưởng lớn.
Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Hiện tại, tác động của suy giảm kinh tế chưa ảnh hưởng nhiều đến việc làm của người LĐ ở Cần Thơ và ĐBSCL như những đô thị lớn. Phần lớn DN của vùng hoạt động trên lĩnh vực chế biến hàng nông- thủy sản, nên lao động mất việc ở DN này sẽ chuyển sang DN khác”. Theo tiến sĩ Nam, vấn đề lo ngại hiện nay chính là nguồn lao động thất nghiệp đổ về từ thành thị khi DN thu hẹp sản xuất. LĐ thất nghiệp từ thành thị cũng gây áp lực về việc làm cho địa phương, nhưng cơ hội việc làm vẫn nhiều.
Còn ông Trần Chí Gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko, cho biết: “Đơn đặt hàng của ngành may mặc đã giảm 3-5%, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật, EU. Nhưng không bi quan, nếu chúng ta biết chọn thị trường. TP Cần Thơ không nhiều DN trong ngành may mặc, nên tác động cũng không lớn. Hiện công ty đang làm hàng gia công cho Nhật Bản, năm 2009 sẽ mở rộng thị trường và doanh thu không kém so với năm 2008”. Ngoài Công ty cổ phần May Meko tuyển dụng thêm lao động, một số đơn vị khác cũng giữ vững thị trường và đảm bảo việc làm cho người LĐ như: Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân đã ký hợp đồng xuất khẩu ổn định đến tháng 9-2009 và giữ thị trường truyền thống là Nhật Bản.
Nhiều cơ hội...
Từ cuối tháng 2-2009, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đã tiến hành khảo sát tình hình LĐ động tại 36 DN, trong đó số LĐ thiếu việc làm chỉ 34 người, LĐ mất việc 69 và dự kiến tăng thêm đến 5.215 người. Một số DN có nhu cầu thu hút LĐ như: Công ty cổ phần May Meko tuyển thêm 100 LĐ; Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã tăng 1.500 LĐ (nâng tổng số lên 2.424 người); Công ty TNHH Đại Tây Dương 2.244 LĐ (tăng 400); Công ty TNHH thủy sản Bình An tăng thêm 2.500 LĐ...
Còn theo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, Khu công nghiệp hiện có 150 DN sử dụng 32.898 LĐ (thời vụ 5.535, LĐ người nước ngoài 63). Đến tháng 3-2009, số LĐ giảm bớt là 5.086 người (riêng tháng 3 giảm 919 LĐ), nhưng số LĐ tăng thêm 3.780 người (tháng 3 tăng 1.138 LĐ), không kể LĐ thời vụ và công nhật. Ngoài ra, ước tính trong quí I/2009, thành phố giải quyết việc làm cho khoảng 10.259 LĐ, trong đó, DN tự tuyển 8.774 và từ Trung tâm giới thiệu việc làm 1.367 người...
Ông Lương Quang Minh, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang, cho biết: “Hiện nay, ngoài việc đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ, thủ tục bảo lãnh tín dụng cho DN, chi nhánh cũng phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH rà soát tình hình hoạt động và biến động LĐ tại DN theo Quyết định 30. Tuy nhiên, theo khảo sát hiện chưa xảy ra tình trạng sản xuất đình trệ, hay biến động LĐ và chi nhánh hiện chưa nhận hồ sơ nào của DN vay vốn theo QĐ 30”. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng cho thành phố trong bối cảnh suy giảm kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khủng hoảng kinh tế cũng là cơ hội cho DN chiếm lĩnh thị trường nông thôn, nếu khai thác tốt tiềm lực. Song song đó, việc tuyển dụng LĐ sẽ khắt khe hơn để đáp ứng nhu cầu mới, dù khá nhiều cơ hội việc làm. Bởi trong các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, DN chú trọng đến nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao để đưa “chất xám” vào sản phẩm và nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, việc đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người LĐ đang là vấn đề cấp thiết của thành phố mà của cả vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới.
GIA BẢO