 |
Hoạt động vận tải của Công ty Vận tải thủy Cần Thơ sẽ gặp nhiều khó khăn khi xăng dầu tăng giá. Ảnh: NHẬT CHÁNH |
Xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp. Đây được xem như thêm một “chướng ngại” mới khi các doanh nghiệp đang bước vào đợt thử thách về khả năng thích ứng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
LAO ĐAO KHI GIÁ XĂNG DẦU, LÃI SUẤT NGÂN HÀNG TĂNG
Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Motilen Cần Thơ, cho biết: Ngay sau thời điểm xăng dầu được điều chỉnh tăng giá, chủ các phương tiện vận chuyển gần như đồng loạt yêu cầu tăng chi phí vận chuyển tấm lợp fibrocement thêm 500 đồng/tấm (tăng 30% so với đơn giá vận chuyển trước đó). Đề nghị trên đã được ông Quân chấp nhận, vì nếu áp dụng theo đơn giá vận chuyển trước thời điểm xăng dầu tăng giá thì các chủ phương tiện vận chuyển sẽ bị lỗ. Trong tháng 12-2007 và tháng 1-2008, các nhà sản xuất xi măng đã 3 lần điều chỉnh tăng giá bán xi măng với tổng mức tăng thêm 60.000 đồng/tấn. Mặt khác, trước thời điểm tăng giá xăng dầu, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất cho vay từ 0,95%/tháng lên 1,52%/tháng. Ông Nguyễn Hồng Quân nói: “Giá xăng dầu, xi măng (nguyên liệu chính để sản xuất tấm lợp fibrocement) và lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng đã tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất tấm lợp fibrocement. Do đó, việc các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrocement điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm là điều khó tránh khỏi”.
Năm 2008, Công ty Vận tải thủy Cần Thơ phấn đấu thực hiện chỉ tiêu vận chuyển 1 triệu tấn hàng hóa (tăng 15% so với kết quả thực hiện năm 2007) và 25.000 lượt hành khách. Do đó, khi xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến đoanh nghiệp này. Theo ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Cần Thơ, khi giá dầu diesel ở mức cũ (10.200 đồng/lít) thì chi phí tiền dầu đã chiếm đến 40% cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Do đó, khi giá diesel được điều chỉnh tăng thêm 3.700 đồng/lít đã đẩy chi phí tiền dầu chiếm đến khoảng 70% cước phí. Ông Phong nói: “Năm 2007, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp cắt giảm các chi phí nhằm ổn định cước phí vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh giá xăng dầu tăng nhẹ. Riêng đợt tăng giá xăng dầu lần này đã vượt quá khả năng chịu của các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa. Chúng tôi đang tính toán đến khả năng điều chỉnh tăng cước phí lên”.
Trao đổi với chúng tôi tại một công trường xây dựng ở Cồn Khương vào chiều 27-2-2008, ông Nguyễn Ngọc Sang, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị TP Cần Thơ, bức xúc: “Các doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi kinh hoàng khi giá xăng dầu và lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng”. Theo ông Sang, trong những năm vừa qua các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng đã phải căng sức vượt khó để tồn tại. Theo các quy định hiện hành, các định mức về nguyên vật liệu, nhân công đều sát với thực tế thi công; riêng đơn giá các loại vật liệu xây dựng, ca xe máy thường thấp hơn giá thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp xây dựng thường xuyên bị rủi ro là phải gánh lấy phần lãi vay ngân hàng vì chủ đầu tư chậm thanh toán phần khối lượng đủ điều kiện để thanh toán. Khi đó, trong 2 tháng cuối năm 2007 các loại vật liệu đồng loạt tăng giá từ 20% đến 30% làm cho giá thành trong xây dựng cơ bản tăng khoảng 30%. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều bị thua lỗ vì giá các loại vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Khi đề cập đến những khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Sang nói: “Giờ đây, chúng tôi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 1,5%/tháng thay vì chỉ có 0,95% như trước đây. Mặt khác, ngay sau khi xăng dầu tăng giá thì các loại đá xây dựng đã tăng thêm 20.000đồng/m3 tiền chi phí vận chuyển; tương tự, các chi phí cạp đất, thi công xây dựng cầu, đường cũng tăng theo giá dầu...
ỨNG PHÓ CỦA DOANH NGHIỆP
Trước đây, trung bình mỗi tháng Công ty TNHH VLXD Thanh Trúc cần khoảng 50.000 lít xăng dầu (khoảng 515-525 triệu đồng) để vận hành hàng loạt xe ô tô, xà lan, máy xúc, cần cẩu phục vụ công việc bốc dỡ và chuyên chở hàng hóa. Với mức tăng của giá xăng dầu lần này, mỗi tháng Công ty TNHH VLXD Thanh Trúc phải tốn thêm khoảng 200 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH VLXD Thanh Trúc, nói: “Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, chúng tôi sẽ hạn chế đến mức thấp nhất chạy không tải... Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đối phó trước mắt và không thể kéo dài, vì giá thành chuyên chở và nguồn hàng lấy vào đang tăng chóng mặt”.
Ngoài việc ổn định sản xuất và kinh doanh như trước, Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Motilen Cần Thơ đang tìm hướng đi riêng cho mình. Doanh nghiệp đang xây dựng mô hình quan hệ hợp tác “bốn nhà”: nhà băng (ngân hàng) - nhà sản xuất - nhà phân phối - nhà tiêu thụ. Trong mối quan hệ hợp tác này, Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Motilen Cần Thơ giữ vai trò nhà phân phối sẽ kết nối với các đối tác còn lại. Ông Nguyễn Hồng Quân nói: “Các bên tham gia mối quan hệ hợp tác tay bốn nói trên cùng có lợi; trong đó nhà băng sẽ tìm được khách hàng tin cậy để đầu tư, nhà sản xuất tìm được nhà phân phối tốt, nhà tiêu thụ mua được các sản phẩm bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý, nhà phân phối có được sự ủng hộ của các đối tác nói trên”. Để thực hiện mô hình trên, Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Motilen Cần Thơ vừa ký kết hợp đồng nguyên tắc cung ứng vật liệu xây dựng cho một doanh nghiệp xây dựng trong cả năm 2008 trị giá hơn 12 tỉ đồng. Ông Quân nói: “Để tránh những rủi ro vì trượt giá, trong hợp đồng nguyên tắc, chúng tôi đã quy định giá bán vật tư được xác định tại thời điểm giao - nhận hàng. Ngoài hợp đồng nói trên, chúng tôi cũng đang đàm phán với 3 doanh nghiệp xây dựng khác”.
Để vượt qua những khó khăn khi xăng dầu tăng giá, Công ty Vận tải thủy Cần Thơ đã có kế hoạch tiếp tục cắt giảm các khoản chi phí trong khâu quản lý. Các đội vận tải phải phối hợp chặt với các chủ hàng về thời gian giao nhận hàng để chủ động thời gian tận dụng thủy triều (tranh thủ đi xuôi nước) nhằm giảm định mức nhiên liệu. Ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Cần Thơ, cho biết: Dù đơn vị này đã có kế hoạch cắt giảm các chi phí không cần thiết, nhưng vẫn không tránh khỏi bị lỗ nếu không điều chỉnh tăng cước phí vận chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp này đang tính toán lại đơn giá vận chuyển hàng hóa để làm cơ sở đàm phán với các chủ hàng. Ông Võ Thanh Phong nói thêm: “Trước mắt, chúng tôi vẫn phải chấp nhận bị lỗ trong thời gian chưa có đơn giá vận chuyển mới. Khi các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay vốn, xăng dầu đồng loạt tăng giá cũng là dịp để thử sức chịu đựng và khả năng linh hoạt vượt khó của các doanh nghiệp”.
Riêng ông Thái Minh Thuyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SADICO Cần Thơ, cho biết: Doanh nghiệp này sẽ tăng cường vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy để giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do các chi phí mua clinker, xếp dỡ hàng hóa đều tăng nên mỗi tấn xi-măng thành phẩm dự kiến sẽ phải tăng thêm khoảng 20.000 đồng. Hiện nay, dù doanh nghiệp này chưa tăng giá bán sản phẩm nhưng nhiều đại lý bán lẻ đã đồng loạt tăng giá bán để bù đắp các chi phí vận chuyển.
NHẬT CHÁNH-TRIỀU DÂNG