02/08/2011 - 21:00

Doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội để vượt khó

Việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng và các chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh.

Từ đầu năm đến nay, lạm phát ở mức cao, tỷ giá USD/VND, chi phí đầu vào tăng và lãi suất cao, đầu ra sản phẩm không thuận lợi đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Theo các DN tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, sản xuất kinh doanh đang sụt giảm nghiêm trọng, nhiều DN phải cố gắng cầm cự khắc phục các khó khăn, tránh bị thua lỗ.

* Nhiều thách thức

Theo nhiều DN tại ĐBSCL, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao đã tác động mạnh đến sức tiêu thụ của hàng hóa trong nước, do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công tại nhiều nước ở châu Âu cũng tác động ít nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của DN Việt Nam. Ngoài khó khăn về đầu ra, lãi suất cho vay của ngân hàng đứng ở mức cao đã vượt ngoài sức chịu đựng của nhiều DN. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho biết: “Lãi suất cho vay cao đang là gánh nặng đối với các DN, nhất là các DN phải vay từ 30% vốn trở lên. Nhưng DN lo ngại nhất là sự sụt giảm về sức mua do trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu”...

Ông Nguyễn Quốc Định, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (tỉnh Đồng Tháp), nói: “Giá đầu vào tăng mạnh, nhưng đầu ra sản phẩm khó tăng tương ứng vì thị trường khó chấp nhận và DN còn phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại cùng loại. Ngoài ra, kinh doanh dược còn mang tính chất phục vụ cho cộng đồng, chứ không thể toàn tính đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, nên công ty cũng có phần gặp khó trong việc hạn chế và ngưng sản xuất những mặt hàng ít có lợi nhuận để lo tập trung vào những mặt hàng bán chạy và có lợi nhuận nhiều”. Theo ông Định, lãi suất vay ngân hàng ở mức cao như hiện nay, đối với các DN hoạt động trong ngành dược được xem là có nhiều lợi thế về đầu ra cũng quá sức chịu đựng, huống chi đối với DN hoạt động các lĩnh vực khác. Hiện nay, khó khăn của các công ty dược là việc sản xuất còn phụ thuộc khoảng 90% nguyên liệu nhập khẩu nhưng thời gian qua giá nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng, hiện có nhiều loại đã tăng 100-200% so với trước. Thêm vào đó là ảnh hưởng kép của sự biến động tỷ giá và còn có lúc DN gặp phải tình trạng khó mua ngoại tệ.

Với những khó khăn hiện tại, cùng với việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, nhiều DN tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL “bấm bụng” hạn chế vay vốn ngân hàng cho dù để mở rộng sản xuất kinh doanh. Chi phí vốn cao, mức lãi suất vay cao ngất ngưỡng 20-25%/năm, dù DN kinh doanh đạt lợi nhuận trên 30% so vốn bỏ ra thì khi trả lãi ngân hàng và các chi phí đầu vào khác, phần lớn DN chỉ huề hoặc lỗ chứ khó có lời.

* Chủ động vượt khó

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội thảo “Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 và những vấn đề DN quan tâm” với sự tham gia của 120 DN ở ĐBSCL. Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã cung cấp cho các DN những thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2011, những khó khăn và thách thức mà DN đã, đang và dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt trong thời gian tới. Qua đó, giúp DN chủ động đề ra những chiến lược kinh doanh phù hợp trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2011, các DN còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài sức ép về lãi suất vay vốn cao, việc khan hiếm nguồn vốn vẫn còn nè nặng lên DN... Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, thời kỳ tăng trưởng cao dễ dàng đã qua, năm 2011 là năm không dễ dàng đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Các DN muốn vượt qua thách thức hiện tại cần có sự cải cách, đổi mới tư duy kinh doanh. Khó khăn cũng chính là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu DN, nâng cao hiệu quả và vận dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. DN cần bình tĩnh để có các quyết định và lựa chọn sáng suốt trong việc đổi mới chiến lược sản xuất kinh doanh, định vị lại sản phẩm và thị trường cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, các DN ở ĐBSCL cần tăng cường hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất và tiết giảm nhu cầu vốn. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tốc độ, hiệu quả là quan trọng nhất trong tình hình biến động hiện nay, chứ không phải ở khối lượng và doanh số, DN cần hành động cụ thể và quyết đoán.

Trong khó khăn, nhiều DN chọn giải pháp thu hẹp sản xuất, nhưng cũng có DN chủ động đối mặt khó khăn để vươn ra thị trường. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (TP Cần Thơ), cho biết: “Để có thể đối mặt và vượt qua khó khăn, thách thức, công ty xác định cần phải linh hoạt trong điều hành kinh doanh sử dụng đồng vốn, quan tâm cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Thực hiện việc mua bán sát với giá thị trường nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Và rà soát lại các chi phí bất hợp lý để tiết kiệm; tạm ngừng mua sắm các công cụ và thiết bị chưa cần thiết và sắp xếp hợp lý lại lực lượng lao động. Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), thời gian qua, giá cả nhiều loại nông sản ở ĐBSCL bấp bênh và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN còn gặp khó và hay bẻ “hợp đồng” do việc cạnh tranh mua- bán chưa lành mạnh giữa các DN trong nước. Vì vậy, rất cần có sự liên kết hợp tác giữa các DN trong vùng để phát huy sức mạnh tổng hợp, chứ không cạnh tranh để triệt tiêu nhau, cùng vững vàng vượt qua thách thức.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết