13/04/2011 - 21:18

Doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời "bão giá"

Hiện nay giá cả đầu vào và chi phí sản xuất tăng… buộc nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cần Thơ phải có nhiều giải pháp thích ứng với thị trường. Song song với bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm, DN đang nỗ lực tiết giảm chi phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động,… nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo lòng tin cậy với người tiêu dùng.

Tiết giảm chi phí, chống lãng phí

Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần May Tây Đô. Ảnh: MINH HUYỀN 

Sản xuất trong điều kiện chi phí đầu vào tăng nên việc tăng giá bán sản phẩm trên thị trường là điều khó tránh khỏi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, tăng giá nhưng phải đồng thời chất lượng sản phẩm cũng phải tăng, mẫu mã phải được cải tiến thì sản phẩm của DN mới được người tiêu dùng chấp nhận và DN mới có thể trụ vững trên thương trường. Nhưng để làm được vấn đề này là một bài toán khá hóc búa cho DN.

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều), chuyên sản xuất “sơ-mi, xy-lanh”, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cho biết: “Tiết kiệm toàn diện để giảm giá thành đến mức thấp nhất là “chiến thuật” được chúng tôi áp dụng triệt để. Ngoài việc kiểm tra lại tất cả máy móc, thay những thiết bị có công suất “nặng” bằng loại có công suất nhẹ thì việc tận dụng ánh sáng, gió tự nhiên cũng được chúng tôi chú trọng. Chẳng hạn như mở thêm nhiều cửa sổ, sử dụng các loại tôn sáng... vừa tiết kiệm điện vừa tạo không gian mát mẻ, thông thoáng cho công nhân làm việc”.

Đối với ngành may mặc, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt nên để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm đòi hỏi DN phải vạch ra được hướng đi phù hợp. Ông Phạm Đắc Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô (đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều), cho rằng: Từ trước đến giờ, chúng ta thường nói đến việc tiết giảm chi phí trong sản xuất. Nhưng bên cạnh tiết giảm chi phí, vấn đề loại bỏ lãng phí cũng đáng được DN quan tâm. Hiện công nghệ Lean (quản lý sản xuất tinh gọn) của Nhật Bản được May Tây Đô áp dụng triệt để, nhằm loại bỏ tối đa “10 lãng phí” trong quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động. Đồng thời, nếu trước đây, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chỉ được thực hiện sau khi sản phẩm đã ở dạng hoàn chỉnh thì hiện nay công việc này được thực hiện tại nguồn, ngay trong từng giai đoạn của quy trình sản xuất nhằm khắc phục kịp thời những sai sót, đảm bảo sản phẩm phải hoàn toàn chất lượng khi đến tay người người tiêu dùng. Để ổn định và duy trì sản xuất, ngoài việc xuất khẩu, thời gian tới May Tây Đô sẽ tập trung khai thác thị trường nội địa, mở rộng kênh phân phối ra các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Công ty cũng chuẩn bị cho ra mắt thương hiệu mới với những mẫu mã đa dạng, hoa văn và chất liệu vải phong phú và giá cạnh tranh.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Hiện tại, ngoài việc cạnh tranh với các DN trong nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, DN đóng trên địa bàn TP Cần Thơ còn phải chống chọi với DN nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, chia sẻ thêm: Theo xu hướng tiêu dùng hiện nay, một sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận thường phải hội đủ 3 tiêu chí: chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ. Thời gian gần đây, ngoài những hiệu quả từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang lại, sản phẩm Việt không ngừng được cải tiến về mọi mặt trong khi hàng Trung Quốc ngày càng mất lòng tin ở người tiêu dùng... đã làm cho thị trường hàng hóa trong nước khởi sắc. Đây là cơ hội tốt để DN trong nước khẳng định thương hiệu của mình, củng cố và gây dựng niềm tin ở người tiêu dùng. Vì thế, việc nghiên cứu thị trường cũng được DN quan tâm. Việc làm này đòi hỏi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ nhưng bù lại DN có thể hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của khách hàng từ đó đưa ra những chiến thuật kinh doanh hợp lý: “Bán những gì người tiêu dùng cần, không bán những gì DN có”. Ông Khâu Bá Dũng, Chủ cửa hàng Giày dép da Dũng (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Ninh Kiều), cho biết: “Nghề của tôi luôn phải “chạy theo thời”. Vì thế, bên cạnh việc liên tục cải tiến mẫu mã còn phải hiểu được tâm lý của khách hàng, từ đó thiết kế ra những kiểu mẫu giày phù hợp với điều kiện thời tiết, tập quán sống của từng vùng, miền. Chẳng hạn, cùng 1 mẫu giày như ở TP Hồ Chí Minh nhưng về TP Cần Thơ thì khuôn giày phải to hơn, kích cỡ rộng hơn... để việc đi lại thuận tiện, thoải mái. Có như thế thì người tiêu dùng mới ưa chuộng và tin dùng sản phẩm của mình”.

Thu hút, giữ lao động, đặc biệt là lao động lành nghề, đang được DN đặc biệt chú trọng trong chiến lược sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN trên thị trường. Bởi vì đây là lực lượng làm ra những sản phẩm hoàn thiện nhất, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. Hiện Công ty Cổ phần May Tây Đô có khoảng 1.200 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 20% so với năm 2010), dự kiến cuối năm nay, công ty sẽ tiếp tục tăng lương lên mức 3 triệu đồng/người/ tháng để giữ chân lao động. DNTN Cơ khí Sông Hậu, ngoài việc đảm bảo đồng lương công nhân DN còn chú trọng đến đời sống tinh thần của công nhân thông qua việc tổ chức tham quan du lịch, quỹ tương trợ để tặng quà cho công nhân vào những dịp lễ, Tết và hỗ trợ công nhân trong trường hợp gia đình gặp hữu sự... Chính việc làm này giúp công nhân ngày càng gắn bó với DN hơn, cùng DN “vượt khó”...

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết