20/06/2024 - 15:39

Doanh nghiệp FDI đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam 

(CTO) - Chỉ có 26% doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới. Nhưng điểm đáng chú ý là năm 2023, có 75% doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm đầu vào; đồng thời là nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng. Trong ảnh: Sản phẩm xuất khẩu của Công ty CP May Meko, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: T.H

Vượt qua “cơn gió ngược”

Với 1.549 doanh nghiệp FDI phản hồi điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 (PCI 2023) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp FDI giảm sút. Doanh nghiệp FDI thận trọng hơn với kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Song điểm sáng là năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi tăng nhẹ lên mức 46,5% (năm 2022 là 42,77%), tỷ lệ báo lỗ giảm xuống 42,3% (năm 2022 là 44,88% và năm 2021 cao kỷ lục với 51,33%) phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện khả quan hơn.

Kết quả PCI 2023, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng quy mô vốn đầu tư đạt 30,27%, tăng nhẹ so với mức 30% của năm 2022. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn khá thận trọng với việc mở rộng quy mô trong bối cảnh bất định toàn cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới chỉ có 26%, là mức thấp nhất kể từ kỳ điều tra PCI năm 2013 đến nay và giảm so với mức 33% năm 2022; đồng thời thấp hơn nhiều so với mức 47,7% năm 2021. Sự suy giảm này cũng phản ánh mức độ thận trọng của khối ngoại và tác động của bối cảnh kinh tế toàn cầu với những “cơn gió ngược”.

Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp FDI năm 2023 giảm sút cả 2 nhóm doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu và định hướng thị trường trong nước (giảm lần lượt xuống mức 23,6% và 28,7%). Nguyên nhân sụt giảm do căng thẳng địa chính trị leo thang và sụt giảm tổng cầu thế giới, thị trường trong nước ảm đạm. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn giữ vị thế quan trọng trong cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, năm 2023, doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò xuất siêu và chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có hấp lực lớn với khối ngoại.

“Theo dữ liệu khảo sát PCI 2023, doanh nghiệp FDI tham gia phản hồi chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, tương tự như các năm trước. Xu hướng ổn định này cho thấy nhu cầu thị trường là ổn định và môi trường thương mại tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng” - báo cáo PCI 2023 nhận định. Thêm vào đó, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang trở thành đối tác, nhà cung cấp quan trọng cho các doanh nghiệp FDI. Năm 2013, doanh nghiệp tư nhân là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp FDI với tỷ lệ 47,9% dến năm 2023, tỷ lệ này nâng lên mức 75%.

Còn theo Bộ Công thương, thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá 142 tỉ USD năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025. Các nhà bán lẻ lớn từ Thái Lan và Nhật Bản đang tích cực mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam trong năm 2023. Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp giảm bớt các rào cản thương thương mại và mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các xung đột chính trị, tác động của đại dịch COVID-19 cũng làm dịch chuyển dòng vốn FDI từ các nước sang Việt Nam. Đơn cử 5 tháng đầu năm 2024, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 8,25 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 5 tháng, kể từ năm 2020 đến nay. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tốt lên, bất chấp “cơn gió ngược”.

Kỳ vọng cải thiện hơn

Năm 2024, các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam cải thiện tốt hơn. Sự dịch chuyển cơ cấu ngành của các doanh nghiệp FDI sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức cũng phản ánh xu hướng tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo kết quả điều tra PCI 2023, cảm nhận về môi trường kinh doanh Việt Nam qua lăng kính của doanh nghiệp FDI cũng có những thay đổi tích cực hơn. Khảo sát từ các doanh nghiệp là đối tác chính trong cán cân thương mại Việt Nam như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận đánh giá tốt từ các doanh nghiệp này. Cụ thể, với doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra nhận định, Việt Nam có vị thế tốt để trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. Gần một nửa số doanh nghiệp Hoa Kỳ chọn TP Hồ Chí Minh là điểm đặt trụ sở; trong khi các doanh nghiệp FDI khác, tỷ lệ này chỉ có 18%. Điểm đến ưu tiên thứ hai là Hà Nội, các địa phương ưu tiên khác gồm: Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Bình Dương. Tỷ lệ các doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng nhà cung cấp đầu vào (hàng hóa, dịch vụ) bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đến 72%.

Nhận định về quá trình thực thi các quy định tại Việt Nam, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết chi phí tuân thủ quy định pháp luật đã giảm bớt nhưng vẫn còn cao. Do vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn về một quy trình thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả. Nhất là thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và xuất nhập khẩu, thuế…

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn nhiều thách thức dù triển vọng đầu tư rộng mở. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng về tính năng động và hỗ trợ của chính quyền tỉnh cao hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư khác (chỉ 10% cảm thấy hài lòng, các nhà đầu tư khác tỷ lệ này là 18%). Do việc lựa chọn đặt trụ sở ở các đô thị lớn, nên các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đòi hỏi kỹ năng, trình độ lao động có tay nghề cao và sẵn sàng chi trả mức lương cao để thu hút nhân lực chất lượng cao.

Còn đối với doanh nghiệp Trung Quốc, kể từ năm 2019 các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Dòng vốn đầu tư tăng từ 2,92 tỉ USD lên 4,47 tỉ USD năm 2023. Ngoài lĩnh vực truyền thống như khách sạn và bán lẻ, nhà đầu tư còn mở rộng sang điện tử, dệt may, năng lượng. Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng trong chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm đa dạng hóa địa điểm đầu tư bên ngoài Trung Quốc. Hơn một nửa doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam tập trung vào xuất khẩu.

Khác với doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp Trung Quốc ít gặp khó khăn hơn với việc tuân thủ chính sách, pháp luật và thực hiện thủ tục hành chính tại Việt Nam. Chỉ có 9% cho biết gặp khó khăn với biến động chính sách, pháp luật và 5% gặp khó khăn với thủ tục hành chính. Con số này với các doanh nghiệp FDI khác lần lượt là 18% và 12%.

Với Nhật Bản, vốn FDI năm 2023 đầu tư vào Việt Nam đến 6,57 tỉ USD, tăng 37,3% so năm 2022 và duy trì vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam. Khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) ghi nhận, doanh nghiệp Nhật có dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đến 56,7%, cao hơn mức trung bình ASEAN (47,5%). Song, doanh nghiệp Nhật cũng kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cần cải thiện hơn. Tương tự như doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp Nhật kỳ vọng những chuyển động tích cực hơn về thuế, phòng cháy chữa cháy, bảo hiệm xã hội… nhằm tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn nữa.

Năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, bất chấp triển vọng kinh tế toàn cầu chưa mấy sáng sủa, vốn FDI vào Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng. Doanh nghiệp FDI chuyển dịch vốn đầu tư sang công nghệ cao, chuyên sâu cũng nhiều hơn, cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn. Vấn đề còn lại là chọn lọc dự án và hoàn thiện thể chế, tăng năng lực cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết