30/04/2009 - 20:44

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5

Doanh nghiệp Cần Thơ nỗ lực đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân

Được công ty quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chăm lo đời sống, công nhân Xưởng may Công ty TNHH Kwong Lung - MeKo phấn khởi và an tâm làm việc.

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn nỗ lực đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho công nhân lao động (CNLĐ). Vì thế, phần lớn CNLĐ trên địa bàn có đời sống tương đối ổn định, an tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.

Đến công ty TNHH Hào Tân (Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng) trong giờ làm việc, chúng tôi cảm nhận được sự phát triển của một doanh nghiệp trẻ. Chị Nguyễn Ngọc Diễm, một công nhân đang làm việc, phấn khởi nói: “Tôi vào làm việc ở đây đã 5 năm, được công ty thực hiện đầy đủ các chế độ theo Luật Lao động và quan tâm chăm lo đời sống, chúng tôi rất an tâm, phấn khởi”.

Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Hào Tân, bộc bạch: “Xác định đội ngũ CNLĐ là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, do vậy thời gian qua, chúng tôi luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống để CNLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”. Nhiều CNLĐ của công ty cho biết, thời gian qua, mỗi khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu, Ban Giám đốc Công ty cũng chủ động điều chỉnh đơn giá khoán sản phẩm, nên thu nhập của CNLĐ ngày càng được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân của CNLĐ công ty đạt từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/ tháng, tăng hơn 500.000 đồng so với năm 2007. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công ty cũng rất quan tâm đến việc hỗ trợ chỗ ở cho CNLĐ. Theo ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS), Công ty hiện có 380 CNLĐ, chủ yếu ở các tỉnh lân cận TP Cần Thơ và các tỉnh miền Trung; trong đó nhiều CNLĐ phải thuê nhà trọ. Nhận thấy CNLĐ gặp khó khăn về nhà ở, đầu năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn, nhưng Ban Giám đốc Công ty TNHH Hào Tân dành khoản tiền hơn 1 tỉ đồng xây dựng một khu nhà ở 24 phòng khang trang ngay trong khuôn viên của công ty và bố trí cho 120 CNLĐ vào ở miễn phí. Được công ty chăm lo chỗ ở, nhiều CNLĐ tỏ ra rất phấn khởi. Ngồi trong căn phòng rộng 25m2, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, anh Nguyễn Văn Nho, một công nhân của công ty, vui vẻ nói: “Tôi và bà xã làm cùng công ty, được công ty bố trí phòng ở miễn phí, gần một năm nay, mỗi tháng vợ chồng tôi đỡ tốn 400.000 đồng thuê nhà trọ, để dành số tiền ấy tích lũy cho tương lai”. Những CNLĐ không có nhu cầu ở tại khu nhà của công ty cũng được công ty hỗ trợ mỗi tháng 50 ngàn đồng để tạo sự công bằng.

Công ty TNHH Hào Tân cũng đã xây dựng bếp ăn tập thể, thuê đầu bếp, trích lợi nhuận tổ chức nấu ăn miễn phí cho CNLĐ. Ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch CĐCS, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày công ty chỉ tổ chức cho CNLĐ ăn miễn phí bữa trưa, từ đầu năm 2009 đến nay, thấy điều kiện sống của CNLĐ khó khăn, CĐCS đề nghị Ban Giám đốc tổ chức cho CNLĐ ăn miễn phí ngày 3 bữa tại công ty. Nhờ có nhà ăn rộng rãi, thoáng mát, việc nấu ăn đảm bảo an toàn vệ sinh, đủ dinh dưỡng nên 100% CNLĐ đều ăn cơm mỗi ngày 3 bữa tại công ty”. Anh Bùi Huy Cảnh, công nhân của công ty, nói: “Tôi làm công nhân ở công ty này đã hơn 6 năm rồi. Hằng ngày được công ty tổ chức ăn 3 bữa miễn phí, nên không chỉ đỡ tốn tiền ăn, có thêm khoản tiền tích lũy cho tương lai; mà còn có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo sức khỏe làm việc lâu dài”. Ban Giám đốc Công ty TNHH Hào Tân cũng quan tâm bảo lãnh với Ngân hàng Cổ phần Á Châu cho CNLĐ vay vốn mua sắm phương tiện, sửa chữa nhà cửa... Chị Nguyễn Ngọc Diễm, công nhân của công ty, kể: “Đầu năm nay, tôi sửa lại căn nhà, nhưng do số tiền tích lũy không đủ, tôi đã nhờ công ty bảo lãnh để được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng”.

* * *

Công ty TNHH Kwong Lung - MeKo (Khu công nghiệp Trà Nóc) là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực chế biến lông vũ và may xuất khẩu, cũng rất nỗ lực tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho CNLĐ. Ông Lê Thành Dũng, Chủ tịch CĐCS Công ty, cho biết: “Để CNLĐ của công ty không rơi vào tình trạng thiếu việc làm, Ban Giám đốc công ty đã nỗ lực tìm kiếm và ký kết được một số khách hàng mới ở Nhật, nên thời gian qua, công ty luôn đảm bảo việc làm cho 1.600 CNLĐ của công ty”.

Nhờ ký kết xuất khẩu hàng hóa với nhiều khách hàng mới, Công ty TNHH Kwong Lung - MeKo đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và chăm lo đời sống cho CNLĐ ngày càng tốt hơn. Đầu năm 2009, thực hiện quy định của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với người lao động Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Ban Giám đốc Công ty đã kịp thời điều chỉnh đơn giá khoán các sản phẩm tăng lên 35%. Nhờ vậy, từ đầu năm 2009 đến nay, bình quân thu nhập của CNLĐ công ty đạt trên 2 triệu đồng/tháng, tăng hơn 600.000 đồng so với năm 2008. Để CNLĐ có thêm thu nhập, CĐCS đề nghị Ban Giám đốc Công ty xây dựng chế độ thưởng đối với những CNLĐ làm việc có năng suất, hiệu quả cao. Chị Mai Thị Bích Huệ, công nhân may ở Tổ may số 5, bộc bạch: “Công ty đề ra chế độ thưởng năng suất lao động thực sự là một động lực cho chúng tôi làm việc hăng say hơn. Từ đầu năm 2009 đến nay, bình quân mỗi tháng tôi được nhận thêm 600.000 đồng tiền thưởng, nên thu nhập của tôi mỗi tháng đạt trên 4,5 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình”. Lê Vũ Trường Giang, công nhân Tổ đóng nút, phấn khởi cho biết: “Vợ chồng tôi làm việc cùng công ty, nhờ có chế độ thưởng theo năng suất lao động, mỗi tháng hai vợ chồng tôi thu nhập trên 8 triệu đồng. Với mức thu nhập này, chúng tôi rất an tâm làm việc và nguyện gắn bó với công ty lâu dài”. Thời gian qua, trước sự trước sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu, CĐCS đã đề nghị Giám đốc Công ty hỗ trợ thêm một số khoản tiền như: mỗi ngày công ty hỗ trợ CNLĐ 5.000 đồng tiền ăn ca và 5.000 đồng tiền xe, đối với những CNLĐ làm việc đủ ngày công trong tháng được hỗ trợ thêm 2 ngày lương cơ bản, qua đó đã giúp CNLĐ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

* * *

Công ty cổ phần Đất Phương Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc) chủ yếu sản xuất tấm lợp xi măng, có 120 CNLĐ. Từ giữa năm 2008 đến nay, lượng hàng của công ty tiêu thụ trên thị trường giảm gần 1/3 so với trước. Ông Bùi Đức Tuyến, Chủ tịch CĐCS Công ty, cho biết: “Trước tình hình đó, chúng tôi đã phải chuyển một số CNLĐ từ sản xuất sang làm các công việc như sửa chữa bảo dưỡng và dây chuyền, thiết bị; xây dựng tường rào, vệ sinh công nghiệp... Đầu tháng 3-2009, công ty còn mạnh dạn sản xuất một loại sản phẩm mới, đó là sản phẩm ngói Đông Sơn để tạo thêm việc làm cho CNLĐ. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của CNLĐ vẫn ổn định ở mức 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng”. Hôm tôi đến tham quan xưởng sản xuất của công ty, gặp lúc nhóm CNLĐ đang duy tu, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị. Chị Văn Thị Lệ Thủy, một công nhân đang ngồi cạo gỉ ở khuôn dập tấm lợp, vui vẻ nói: “Trước tình hình khó khăn chung, nhiều nơi công nhân bị sa thải, hoặc công nhân phải nghỉ chờ việc, còn chúng tôi được công ty bố trí làm các công việc khác, vẫn đảm bảo ngày công, ổn định thu nhập, như thế này là mừng lắm rồi”.

Theo nhiều CNLĐ của công ty, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Ban Giám đốc và CĐCS Công ty cổ phần Đất Phương Nam vẫn quan tâm chăm lo đời sống cho CNLĐ. Chị Nguyễn Thị Linh, công nhân sản xuất của công ty, nói: “Mỗi ngày công ty tổ chức cho ăn một bữa giữa ca; các ngày lễ, công ty đều tặng quà từ 100.000 - 200.000 đồng; những lúc ốm đau được Công đoàn thăm hỏi động viên chu đáo. Sự chăm lo đó đã giúp chúng tôi thêm gắn bó với công ty hơn”. Để giúp CNLĐ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, từ năm 2008 đến nay, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Đất Phương Nam còn dành một phần kinh phí sản xuất để CĐCS cho những CNLĐ có nhu cầu mượn giải quyết công việc đột xuất của gia đình. Phạm Văn Hậu, công nhân làm việc tại xưởng sản xuất tấm lợp, kể: “Hôm rồi tôi cưới vợ, được Công ty cho mượn 3 triệu đồng, nên đã mua sắm thêm được một số đồ cần thiết trong ngày cưới”. Còn anh Trần Thanh Hiệp, nhân viên phục vụ, cuối tháng 3 rồi, mẹ bị bệnh phải phẫu thuật, Công ty đã cho mượn 3 triệu đồng, giúp anh chi trả tiền viện phí và lo thuốc men cho mẹ chu đáo.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Công đoàn Các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, thời gian qua, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới làm nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực để bảo đảm việc làm, thu nhập và chăm lo đời sống cho CNLĐ. Mức thu nhập của CNLĐ ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn đạt khoảng từ 1,6 đến 1,7 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp còn trích lợi nhuận để hỗ trợ cho CNLĐ qua các chế độ ăn ca, tiền xe đi lại và bảo lãnh ngân hàng cho CNLĐ vay tiền để phát triển kinh tế gia đình, mua sắm phương tiện và sửa chữa nhà ở... Nhờ những nỗ lực đó, từ đầu năm đến nay, trong các khu công nghiệp thành phố đa số CNLĐ có đời sống ổn định, an tâm lao động sản xuất, góp phần đưa kinh tế thành phố tiếp tục phát triển ổn định.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết