10/11/2016 - 21:24

Doanh nghiệp bắt tay cùng nhà vườn

Với sản lượng trái cây lên đến 90.000 tấn/năm, nhà vườn ở huyện Phong Điền tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống thu mua của thương lái ở địa phương, cung cấp cho các chợ, cơ sở bán lẻ ở trung tâm TP Cần Thơ hoặc kết hợp làm mô hình du lịch sinh thái vườn. Nhằm ổn định đầu ra và "nâng tầm" sản phẩm trái cây, tăng thu nhập cho nhà vườn, thành phố đã cùng địa phương nỗ lực kết nối nhà vườn và doanh nghiệp để canh tác theo hướng an toàn, cung ứng trái cây sạch cho các cửa hàng, siêu thị hoặc chế biến để xuất khẩu.

Phát triển vườn chuyên canh

Toàn huyện Phong Điền hiện có 6.500ha vườn cây ăn trái, trong đó có trên 3.535ha cây ăn trái có giá trị cao như dâu Hạ Châu, vú sữa, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, măng cụt, cam, quýt, chanh, bưởi... Thế mạnh của Phong Điền là vườn cây ăn trái và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như vùng trồng vú sữa trên địa bàn ấp Tân Hưng, ấp Thới Xuân (xã Giai Xuân) với diện tích trên 250ha; vùng dâu Hạ Châu trên địa bàn ấp Nhơn Phú, Nhơn Bình (xã Nhơn Ái) với diện tích trên 300ha; vùng nhãn ở ấp Trường Thuận, Trường Thuận A (xã Trường Long), ấp Thị Tứ Vàm Xáng (xã Nhơn Nghĩa) với diện tích mỗi vùng trên 120ha; vùng sầu riêng ở xã Tân Thới với diện tích trên 80ha. Năm 2016, sản lượng một số loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn ước đạt trên 40.000 tấn. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Hiện nay, trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuyển đổi sản xuất sang các giống chất lượng cao như nhãn Edor, cam mật không hạt. Nhà vườn thực hiện các biện pháp canh tác an toàn tạo được sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số hợp tác xã, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác, một số nhà vườn đã bắt đầu quan tâm thực hiện các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP.

 Các loại trái cây đặc sản của huyện Phong Điền được trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam tại TP Cần Thơ năm 2015.

Với sự phong phú đa dạng về cây ăn trái, huyện Phong Điền được nhiều doanh nghiệp chế biến trái cây quan tâm và đặt yêu cầu liên kết sản xuất để cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến. Theo ông Lê Văn Đồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vườn trái Cửu Long, công ty đã tìm hiểu về huyện Phong Điền rất nhiều lần và đang bước đầu ký hợp tác trồng thử nghiệm ổi ruột hồng với diện tích 1,5ha và bao tiêu sản phẩm để chế biến nước ép ổi. Do cùng hợp tác với nông dân nên công ty có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình an toàn, độ tuân thủ về mặt kỹ thuật một cách nghiêm túc và không cần phải tốn kém thêm chi phí chứng nhận VietGAP hay Global GAP. Nếu mô hình đạt hiệu quả, công ty có thể tiến tới mở rộng diện tích trồng ổi, hạnh tại huyện Phong Điền để làm nước ép. Dù quy mô ban đầu còn hạn chế nhưng với cách làm thực tế và nghiêm túc, sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà vườn sẽ lâu dài và bền chặt.

Phần lớn sản lượng trái cây trên địa bàn huyện Phong Điền hiện được tiêu thụ thông qua hệ thống thu mua của thương lái ở địa phương. Bên cạnh đó, một số tổ chức kinh tế tập thể, hộ nông dân đã thực hiện liên kết tiêu thụ, cung cấp trái cây cho các cơ sở bán lẻ ở trung tâm thành phố hoặc tiêu thụ thông qua hình thức du lịch sinh thái vườn. Một số loại trái cây trên địa bàn huyện bước đầu tiêu thụ thông qua hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp nhưng quy mô sản lượng ít, đôi khi thiếu chặt chẽ. Nông dân luôn muốn từng bước nâng chất hoạt động sản xuất nhưng còn thiếu đầu tàu dẫn dắt, thiếu vốn đầu tư, thiếu đầu ra ổn định.

Bắt tay liên kết

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, hàng nông sản, trái cây từ nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn và cạnh tranh với trái cây nội địa về chất lượng, giá cả. Do đó, nếu nhà vườn không sản xuất sạch sẽ khó bề cạnh tranh, doanh nghiệp thu mua nông sản chế biến xuất khẩu cũng gặp khó khi không kiểm soát được chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Khi đầu tư theo quy trình sản xuất an toàn, nông dân sẽ phải tốn thêm chi phí chứng nhận hằng năm. Do đó, khi liên kết hợp tác cần phải có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà vườn, phải gắn kết trách nhiệm để đảm bảo đầu ra và nguồn cung cho chế biến của doanh nghiệp. Thông thường trái cây sau khi thu hoạch được phân thành 3 loại: loại 1 là bán trái tươi cho các cửa hàng, siêu thị, loại 2 dùng chế biến và loại 3 ép lấy nước. Vấn đề trong tiêu thụ trái cây là làm thế nào để sản phẩm có thể được phân loại và đưa đến các đầu mối tiêu thụ hoặc chế biến cụ thể.

Bao tiêu nông sản không phải là vấn đề đơn giản nếu doanh nghiệp và nhà vườn không có lòng tin với nhau và không cùng đồng cam cộng khổ chia sẻ lợi nhuận hoặc rủi ro trong quá trình hợp tác. Ông Nguyễn Văn Ngà, chủ vựa trái cây ở thị trấn Phong Điền, chia sẻ: Trong quá trình liên kết hợp tác với doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác phải có người đầu tàu là giám đốc hoặc tổ trưởng có kinh nghiệm sản xuất, có uy tín để tổ viên, xã viên tin theo. Về phía doanh nghiệp khi có nhu cầu bao tiêu sản phẩm theo chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng cụ thể sẽ làm việc trực tiếp với giám đốc hợp tác xã hoặc tổ trưởng tổ hợp tác. Khi đó, doanh nghiệp sẽ yên tâm về sản lượng, chất lượng nguồn hàng cung ứng và nhà vườn yên tâm sản xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, sau khi tổ chức hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp và nhà vườn huyện Phong Điền, ngành công thương và UBND huyện sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với doanh nghiệp về nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu chế biến, hướng liên kết sản xuất, bao tiêu theo nhu cầu chế biến của doanh nghiệp. Song song đó, Sở Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với huyện tìm địa điểm tập kết và phân loại trái cây để phân phối đến những nơi có nhu cầu cụ thể. Hướng tới sẽ hình thành trung tâm đầu mối tập kết và phân phối sản phẩm trái cây vừa đảm bảo đầu ra cho nhà vườn, vừa đáp ứng nhu cầu của các đơn vị phân phối và chế biến trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết