19/10/2011 - 20:24

"Định vị" lại mối liên kết vùng

Cảng Cái Cui - cảng lớn ở vùng ĐBSCL đủ khả năng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa.

“Mời nhà đầu tư đến, nhưng căn nhà lại ọp ẹp thì không thể kêu gọi đầu tư được”- đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị hợp tác xúc tiến vùng ĐBSCL 2011 tại Cà Mau ngày 19-10. Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, hàng loạt các hoạt động xúc tiến (đầu tư- thương mại- du lịch) chủ yếu mới quảng bá hình ảnh, còn hiệu quả mang về không cao. Nếu không tháo gỡ những yếu kém này thì không thể vực dậy vùng ĐBSCL.

* Thiếu chiến lược liên kết

Các nhà quản lý, cán bộ xúc tiến, chuyên gia có chung nhận định: hoạt động xúc tiến của ĐBSCL đang thiếu một chiến lược dài hơi, và sự liên kết của vùng chưa được cụ thể hóa trên từng lĩnh vực, nên việc triển khai kế hoạch xúc tiến còn nhiều lúng túng. Và khi căn nhà vẫn ọp ẹp thì không thể kêu gọi đầu tư được. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong hoạt động xúc tiến vẫn diễn ra phổ biến, thiếu “nhạc trưởng” cho công tác này. Một thực tế khác là các trung tâm xúc tiến mỗi nơi mỗi kiểu, nên việc phát huy vai trò đầu tàu không cao.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói: “Liên kết vùng được xác định là để thực hiện quảng bá hình ảnh chung của vùng ĐBSCL, nhưng sự phối hợp cung cấp thông tin của các sở, ngành và bộ lại không tốt. Nhất là xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, khi nhà đầu tư đặt vấn đề về cơ chế, chính sách mời gọi đầu tư của vùng thì không được giải đáp thỏa đáng. Ở Bến Tre, 3 trung tâm xúc tiến trực thuộc các sở chuyên môn, do tính đặc thù của địa phương và cơ chế quản lý của Trung ương”. Theo ông Trọng, hoạt động xúc tiến cần người đứng đầu phải năng động và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo địa phương, nếu không thì hiệu quả không cao, gây lãng phí.

Còn theo một lãnh đạo của Trung tâm xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch tỉnh Kiên Giang, tỉnh rất chú trọng xúc tiến đưa hàng Việt sang thị trường Campuchia, nhưng hệ thống giao thông đường bộ là trở ngại lớn, trên dọc tuyến biên giới, cửa khẩu chỉ cho xe tải trọng 15-20 tấn, còn nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp phải hơn 30 tấn. Cơ hội đưa hàng sang Campuchia rất tiềm năng, nhưng chưa nhiều chương trình xúc tiến cho thị trường này. Và để phát huy thế mạnh, các trung tâm xúc tiến đầu tư nên thuộc UBND tỉnh, nếu trực thuộc sở khó mà huy động nhân lực, vật lực khi thực hiện chương trình, dự án mời gọi đầu tư. Mặt khác, công tác xúc tiến thời gian tới cần hợp tác chặt chẽ hơn, dựa trên thế mạnh xúc tiến của từng địa phương để hỗ trợ nhau mời gọi đầu tư và các hoạt động hội chợ triển lãm mang tầm khu vực phải làm cho đúng tầm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho rằng, “liên kết và phát huy sức mạnh” là vấn đề đặt ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa cụ thể liên kết cái gì, phát huy thế mạnh như thế nào. Cần đánh giá thế mạnh của từng tiểu vùng cụ thể, từ đó xin chủ trương đầu tư từ Trung ương (đầu tư thủy lợi, giao thông, sản xuất giống...). Còn ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, việc nhiều địa phương đang có dự án mời gọi trùng lặp nhau là thực tế tồn tại nhiều năm qua. Còn việc có nên thống nhất tên gọi của các trung tâm xúc tiến và đơn vị quản lý là vấn đề khác nữa, bởi mỗi địa phương có cách làm riêng. Hiện nay, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai không có trung tâm xúc tiến đầu tư, nhưng thu hút đầu tư của 2 địa phương này đứng trong tốp đầu cả nước. Vấn đề là môi trường đầu tư ở hai địa phương này khá thông thoáng, hạ tầng cơ sở được đầu tư thuận lợi, nên nhà đầu tư sẽ chọn lựa ưu tiên.

* Củng cố nền tảng

Trên thực tế thời gian qua, dòng vốn đầu tư chảy vào ĐBSCL nhiều hơn và nhiều công trình, dự án trọng điểm cũng được khởi công, qui hoạch vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL để nâng tầm phát triển. Tuy nền tảng đã có nhưng việc củng cố nền vững chắc và phát huy vai trò động lực trong đóng góp kinh tế chung cả nước cần phải sự chung sức từ nhiều phía. ĐBSCL đang cần vốn lẫn cơ chế để phát triển thời gian tới.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2006- 2010, ĐBSCL thu hút 7,61 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 358 dự án chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 80,7% số dự án và 49,3% vốn đăng ký), lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 24,6% vốn đầu tư, còn lại là các lĩnh vực khác. Tính đến hết tháng 9-2011, Long An là địa phương đang dẫn đầu về vốn FDI với 3,6 tỉ USD, Kiên Giang 3 tỉ USD, Cà Mau 780 triệu USD, TP Cần Thơ 735 triệu USD... ĐBSCL là vựa nông sản cả nước, nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này rất khiêm tốn, thiếu hẳn dự án đầu tư chế biến nông sản sau công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch.

Các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, xúc tiến đầu tư cần có cơ chế phối hợp hoạt động xúc tiến giữa doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương. Chẳng hạn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cùng tham gia mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp mình đầu tư sẽ giới thiệu với nhà đầu tư tiềm năng, dự án cần mời gọi. Đồng thời, cơ chế liên kết phối hợp vùng cần cụ thể, liên kết lĩnh vực nào, cần rạch ròi. Có kế hoạch phát triển trọng tâm cho từng ngành (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...) để lên kế hoạch xúc tiến cho từng giai đoạn cụ thể. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011- 2020, nhu cầu vốn đầu tư của vùng ĐBSCL cần rất lớn, khoảng 2.700- 2.850 ngàn tỉ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách nhà nước khoảng 420-450 ngàn tỉ đồng. Nguồn vốn này để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như cầu Vàm Cống, Cổ Chiên, Cao Lãnh, luồng cho tàu biển vào sông Hậu, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, đầu tư hệ thống thủy lợi, nông nghiệp- nông thôn... để tạo đòn bẩy cho vùng ĐBSCL cất cánh và hội nhập kinh tế quốc tế bền vững.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban chỉ đạo MDEC cho rằng, qua 4 năm hoạt động diễn đàn, đã đạt những kết quả quan trọng, tuy nhiên, các chương trình xúc tiến nước ngoài mới chỉ dựa trên sự cần thiết của vùng mà chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch lâu dài cho công tác xúc tiến. Do vậy, để phát triển nhanh và bền vững, ĐBSCL đang cần cơ chế, chính sách ưu tiên và quan trọng là phải củng cố vững chắc nền tảng liên kết vùng, hợp tác với các địa phương đã được xây dựng thời gian qua.

Bài, ảnh: GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết