15/03/2020 - 07:08

Đình Tân An 

Đình Tân An là một trong những ngôi đình có lịch sử hình thành lâu đời ở Cần Thơ. Ngôi đình này đã được tái lập trên diện tích hơn 6.000m2, thuộc khu vực phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Cung thỉnh Sắc Thần Đình Tân An an vị. Ảnh: DUY KHÔI

Theo tác giả Huỳnh Minh trong cuốn “Cần Thơ xưa và nay”, NXB Cánh Bằng 1966, Đình Tân An được thành lập là do các kỳ lão trong vùng tưởng niệm oai linh các đấng anh hùng của ta và cảm xúc trước thời thế biến thiên, nên đã cực lực vận động xin phong sắc thần, gọi là ghi chút cảm hoài, sau nữa cho dân chúng tín ngưỡng vào đó mà nuôi nấng tinh thần nhớ nước thương nòi. Từ năm 1876 người Pháp đã bắt đầu thiết lập tỉnh Cần Thơ. Nhận thấy đất đai đã rơi vào tay người Pháp, để có chút gì gọi là hoài niệm về quốc vương thủy thổ, Vua Tự Đức đã phong sắc cho Đình thần Tân An vào năm Bính Tý, 1876, Tự Đức thứ 29, với danh hiệu: “Sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng Kỷ Tín Đại vương, khâm mông gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần”.

Khi có sắc phong, dân làng Tân An lúc bấy giờ mới vận động tài lực để xây cất ngôi đình. Đình thần Tân An chính thức được xây dựng vào năm Canh Thìn 1880 tại khu vực Chợ Giữa, làng Tân An, tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Lúc đầu, Đình được cất bằng cây ván, lợp lá. Đến năm Kỷ Hợi 1899, ngôi đình dời về gần cầu Tham Tướng. Hương chức hội tề xây cất lại bằng gạch ngói khang trang, 8 nóc.

Tương truyền, sau khi dời ngôi đình từ Chợ Giữa ra gần cầu Tham Tướng, linh thần từng hiển hách anh phong, phò hộ độ trì nhân dân được yên lành, phong điều vũ thuận. Sự hiển linh của thần còn thể hiện ở việc năm 1945, quân Pháp sung công ngôi đình, chiếm làm kho dự trữ súng đạn. Qua năm 1946, ngày 16 tháng 11 âm lịch, ngôi đình dùng để chứa đạn bỗng nổ tung. Gạch ngói, sắt đá đều nát thành mảnh vụn. Nhưng kỳ lạ chỉ có một tấm tượng thờ thần sơn son thếp vàng văng xa trên một cây số, vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, các vị hương chức đem về nhà Hội xã Tân An thờ trên lầu.

Sau sự kiện này, các vị hương chức mới họp bàn và đi đến thống nhất thỉnh sắc thần Đình Tân An về thờ chung với đình Thới Bình. Khi Đình Tân An tái lập xong vào ngày 4-9-2015, sắc thần được nhân dân thỉnh về thờ tại đây.

Đình thần Tân An được tái lập theo mô thức và lối kiến trúc của đình Nam bộ, gồm các hạng mục: nghi môn to, đẹp; bức bình phong án ngữ trước đình; bên trái là miếu thờ Thần Nông và miếu Vạn ban Ngũ Hành; bên phải là nhà khách, nhà soạn lễ, võ ca…

Ngôi đình chính gồm hai mái nóc giao nhau, mái lợp ngói hình vảy cá. Trên mái nóc có tượng lưỡng long tranh châu; ở các góc mái, đầu hồi đều được đắp nổi hình hoa văn truyền thống. Trong Đình là một khoảng không rộng lớn, thiêng liêng, bao gồm nhiều hàng cột to, vững chắc nâng đỡ mái đình. Đình có gian thờ Bác Hồ, phía trong gian chính điện là nơi thờ Bổn cảnh Thành Hoàng, hai bên là gian thờ Tiền hiền và Hậu hiền…

Cũng như các ngôi đình khác ở Cần Thơ, ngoài các kỳ tế Tam ngươn, Tứ thời tiết lập… Đình thần Tân An còn tổ chức hai kỳ lễ lớn trong năm: Kỳ yên Hạ Điền và Kỳ yên Thượng Điền. Lễ Kỳ yên Thượng Điền được tổ chức vào tháng 11 âm lịch; Kỳ yên Hạ Điền được tổ chức vào tháng 4 âm lịch.

Nghi thức Tế Thần Nông trong Lễ Kỳ Yên Đình Tân An. Ảnh: DUY KHÔI

***

Mặc dù là ngôi đình mới tái lập, nhưng Đình Tân An vẫn có những giá trị riêng để khách gần xa tín ngưỡng. Trong phạm vi bài viết này, xin đề xuất một số ý tưởng để phát huy giá trị của Đình.

Điều đầu tiên, ngôi đình nằm ở một vị trí đắc địa, ngay trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho khách gần xa đến tham quan, cúng bái. Bên cạnh đó, Đình còn có không gian rộng lớn mà không phải ngôi đình nào cũng có được. Với diện tích hơn 6.000m2, Đình Tân An có thể tận dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa, thu hút khách đến tham quan. Hoặc tổ chức các vở diễn ngắn từ 30 đến 45 phút được chuyển thể từ các phẩm văn học nổi tiếng về đất và người Cần Thơ, ví dụ như các vở diễn về Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa... Hay mỗi tuần, nơi đây có thể định kỳ tổ chức một buổi hát bội để phục vụ khách tham quan.

Đình Tân An có lịch sử hình thành lâu đời, cũng như câu chuyện của ngôi đình qua các biến cố lịch sử, gắn với những giai thoại ly kỳ như vừa kể ở trên. Đây là những chi tiết cần được khai thác để kể cho khách nghe khi đến tham quan đình. Đặc biệt là sự linh ứng của vị thần qua bài vị thờ còn nguyên vẹn sau mưa bom bão đạn. Sau đây xin dẫn ra thêm hai câu chuyện xoay quanh sự linh ứng của vị thần được thờ ở Đình Tân An. Hai câu chuyện này cũng được trích từ cuốn “Cần Thơ xưa và nay” của tác giả Huỳnh Minh:

Theo lời ông chánh bái Đình thần Tân An là ông Huỳnh Hữu Hoằng thuật lại, nơi nhà ông Nguyễn Văn Giai (cháu ngoại cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa) - một giáo chức hồi hưu: Trước ngôi đình cũ gần cầu Tham Tướng có nhiều linh ứng. Ai tỏ ra vô lễ đi ngang qua Đình, hoặc động chạm gì đến những vật linh thiêng nơi đình, thì không sao thoát khỏi bị thần linh quở trách. Tuy nhiên kẻ lỗi lầm tỏ ra ăn năn, mọi chuyện sẽ thuyên giảm. Bao nhiêu dân chúng có lòng cầu khẩn mỗi khi có điều nguy rối, đều được linh thần âm phù mặc trợ cho, khiến người người đều cảm kích xưng tụng ân đức.

Lại có một truyền thuyết khác như sau: Khoảng năm 1944, quân Pháp đang trên đà xuống dốc, quân Nhật hoành hành. Một hôm, chiếc tàu pháp mang tên Albert Sarraut chạy trên sông Cần Thơ, ngang qua đình thần cũ, bị nhận chìm, đánh dấu sự thảm bại của thực dân.

Đây là những chi tiết rất quý giá cho việc phát huy giá trị ở một cơ sở tín ngưỡng, bởi giá trị tâm linh lúc nào cũng có sức ảnh hưởng nhất định đến con người. Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc, An Giang; Quán Âm Phật Đài ở Bạc Liêu; và gần đây là miếu Bà Cố Hỉ ở Phong Điền, Cần Thơ... là những minh chứng điển hình.

Cuối cùng, mặc dù mới được tái lập nhưng Đình Tân An cũng kịp xây dựng nghi thức cúng tế bài bản, bao gồm các đội: nhạc lễ, lễ sinh, hương văn, hương lễ... Ban Tổ chức Đình có thể rà soát lại các nghi thức cúng tế, xem coi đã chỉn chu chưa, bài bản chưa, đặc biệt là nghi thức thỉnh sắc, nếu được, đưa thêm vào nghi thức múa bóng. Hoặc Ban Tổ chức cũng có thể quay video để trình chiếu phục vụ du khách mỗi khi có đoàn đến tham quan.

Như vậy, ngoài chức năng là trú sở tâm linh cho cư dân quanh vùng, Đình thần Tân An còn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách gần xa. 

Trần Phỏng Diều

Chia sẻ bài viết