20/11/2015 - 14:31

Điều trị chứng “mắt lười” ở trẻ bằng kính Amblyz

* Thuốc nhỏ mắt Atropine làm chậm tốc độ cận thị ở trẻ

Các chuyên gia Mỹ vừa phát triển loại kính điện tử gọi là Amblyz (ảnh), có khả năng tự động điều chỉnh sự tập trung của não vào con mắt yếu hơn nhằm điều trị chứng "mắt lười", hay suy giảm thị lực, ở trẻ nhỏ. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy Amblyz hiệu quả tương đương phương pháp điều trị truyền thống.

Bệnh "mắt lười" xuất hiện khi kết nối thần kinh giữa não và mắt không phát triển bình thường lúc còn nhỏ, khiến trẻ chỉ tập trung nhìn một bên mắt. Theo thời gian, mắt yếu hơn bắt đầu nhìn lệch hướng, và não thậm chí có thể bỏ qua hoàn toàn các tín hiệu của nó. Do đó, điều trị sớm chứng bệnh này khi mắt và não vẫn đang phát triển là điều rất quan trọng, nhằm hạn chế nguy cơ mù lòa về sau. Phương pháp điều trị hiện nay là buộc trẻ nhìn bằng con mắt yếu hơn, bằng cách dùng miếng dán che tầm nhìn của mắt khỏe vài giờ mỗi ngày, hoặc dùng thuốc nhỏ mắt để làm mờ bên mắt khỏe mạnh.

Kính Amblyz cũng hoạt động dựa trên nguyên tắc tương tự nhưng được đánh giá là tiện lợi và có tác động trực tiếp hơn đối với mắt yếu. Được trang bị tròng kính LCD và một pin sạc lithium, Amblyz có thể được lập trình để che chắn tầm nhìn một trong hai mắt trong khoảng thời gian nào đó. Nói cách khác, người dùng có thể cài đặt theo ý muốn để kính tự động điều chỉnh chức năng vào thời điểm đã định.

Trong thử nghiệm được tiến hành trên 33 trẻ bị "mắt lười" độ tuổi từ 3-8, các em được chia thành hai nhóm, một nhóm sử dụng một miếng dán mắt 2 giờ/ngày, nhóm còn lại đeo kính Amblyz 4 giờ/ngày. Kết quả được công bố tại hội thảo thường niên của Học viện Nhãn khoa Mỹ mới đây cho thấy sau 3 tháng, thị lực của cả 2 nhóm đều được cải thiện đáng kể, đồng nghĩa hai phương pháp đều tác dụng như nhau. Được biết, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép lưu hành kính Amblyz như một thiết bị y tế, với giá khoảng 450 USD.

* Cũng trong nỗ lực bảo vệ thị lực của trẻ em, nghiên cứu của các chuyên gia Singapore cho biết dùng thuốc nhỏ mắt khi trẻ vẫn đang phát triển có thể giúp làm chậm tốc độ cận thị tới 50%.

Trong thử nghiệm kéo dài 5 năm, 400 trẻ tuổi từ 6-12 được yêu cầu nhỏ thuốc Atropine nồng độ thấp (chỉ 0,01%) mỗi ngày. Loại thuốc này từ lâu được các bác sĩ nhãn khoa sử dụng trong quá trình kiểm tra mắt (nhằm giúp đồng tử giãn ra) và điều trị chứng "mắt lười". Nhóm nghiên cứu phát hiện so với trẻ không dùng thuốc, những trẻ nhỏ Atropine đã trì hoãn tới 50% tốc độ tiến triển của tật cận thị. Họ cũng cho biết dùng Atropine liều thấp hiệu quả hơn liều cao và tác dụng phụ - bao gồm tình trạng chói sáng - cũng thấp hơn (do nó làm đồng tử giãn chưa tới 1 mm). "Từ lâu chúng tôi đã biết Atropine có thể kiềm chế tiến triển của tật cận thị, nay chúng tôi có cơ sở chứng minh nó không chỉ hiệu quả mà còn an toàn. Đây có thể là trợ thủ đắc lực trong việc ngăn ngừa cận thị dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng ở trẻ em trên toàn thế giới" – nhà nghiên cứu Donald Tan tại Viện nghiên cứu mắt Singapore, cho biết.

HOÀNG NAM (Gizmag, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết