29/11/2023 - 14:56

Điều trị bệnh đột quỵ tại Cần Thơ 

Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ. Cần Thơ hiện có 3 đơn vị có năng lực điều trị bệnh đột quỵ với quy trình đạt chuẩn của Hội Đột quỵ Thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều trị đột quỵ ở Cần Thơ hiện tập trung vào cấp cứu tại BV, trong khi việc dự phòng, xử trí trước khi vào viện, kể cả phục hồi chức năng sau khi xuất viện cũng vô cùng quan trọng.

PGS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam (bìa phải) cho biết, hiện nay lĩnh vực đột quỵ tập trung ở khâu cấp cứu điều trị tại BV.

PGS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam (bìa phải) cho biết, hiện nay lĩnh vực đột quỵ tập trung ở khâu cấp cứu điều trị tại BV.

3 BV tại Cần Thơ đã đạt chứng nhận chất lượng của Hội Đột quỵ thế giới gồm: BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV S.I.S Cần Thơ và BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. TS.BS Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, BV vận hành quy trình tối ưu hóa rút ngắn thời gian tái thông cho bệnh nhân đột quỵ khoảng 26 phút kể từ khi nhập viện. Thời gian tới, BV tiếp tục đầu tư về hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, để cải thiện hơn chất lượng điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Việc nâng chất tiêu chuẩn nhằm mục tiêu giúp bệnh nhân được hồi phục, thoát khỏi nguy kịch do căn bệnh nguy cấp này. 

Theo Bộ Y tế, chỉ khoảng 33% bệnh nhân đột quỵ được đưa đến BV cấp cứu kịp thời. Trong khi đó, với bệnh lý này, thời gian là não; mỗi phút trôi qua, người bệnh mất đi hàng triệu tế bào thần kinh, đối diện nguy cơ tử vong cao và biến chứng tàn phế khủng khiếp.

BS Nguyễn Phi Hùng cho rằng, việc bệnh nhân đến trễ do còn thiếu thông tin về bệnh cũng như chưa nắm cách phòng ngừa và điều trị. Thời gian qua, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cũng đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Song song đó, BV kết nối với hệ thống y tế trong vùng, khi tiếp nhận thông về ca bệnh đột quỵ, sẽ hỗ trợ phương tiện đón bệnh nhân hoặc cùng hội chẩn, lựa chọn giải pháp, địa chỉ can thiệp kịp thời, hiệu quả cho người bệnh... 

Trong những năm gần đây, số ca đột quỵ  ở khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ lệ cao nhất và có khuynh hướng trẻ hóa. Ở Việt Nam, mỗi năm có trên 200.000 ca đột quỵ, với tỷ lệ tử vong khoảng 20%. Tuy nhiên, hệ thống điều trị đột quỵ ở nước ta trong thập kỷ qua cũng có những bước tiến rõ rệt. Năm 2016, Trung tâm đột quỵ đầu tiên của BV 115 ra đời, đến nay, cả nước có trên 100 trung tâm đạt chứng nhận của Hội Đột quỵ thế giới.

Chia sẻ tại sự kiện trao chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ cho BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, PGS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long mặc dù là đơn vị tư nhân nhưng đã nỗ lực hết sức để đạt chuẩn chất lượng thế giới trong điều trị đột quỵ, rất đáng ghi nhận. Kết quả này là bước khởi đầu quan trọng để BV tiếp tục phát triển các mức độ cao hơn thời gian tới.

Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, sau khi đã được công nhân đạt chuẩn, BV làm thế nào để duy trì được chất lượng đảm bảo điều kiện chữa trị cho bệnh nhân theo đúng của sổ thường quy trong bất kể thời gian, là ngày làm việc bình thường hay ngày nghỉ, lễ, lúc nửa đêm là thách thức lớn, ngay cả các BV lớn ở TP Hồ Chí Minh cũng gặp khó. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của lãnh đạo BV, quy trình vận hành chuyên nghiệp của các ê-kíp để bệnh nhân đều được cứu cứu kịp thời.

Việc điều trị đột quỵ gồm 3 khâu quan trọng: cấp cứu trước viện, tại BV và sau khi bệnh nhân xuất viện. Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, hiện nay, hệ thống y tế tập trung gia tăng chất lượng điều trị bệnh đột quỵ tại BV. Hai lĩnh vực trước viện và sau viện cực kỳ khó, chưa thể tiếp cận. Qua khảo sát hơn 50 trung tâm, tỷ lệ lượng bệnh nhân đến BV bằng xe cấp cứu chỉ khoảng 5%.

Trên thế giới, ở các nước có nền y tế phát triển, việc điều trị đột quỵ đã tiến tới chẩn đoán và can thiệp ngay trên xe cấp cứu, trên đường bệnh nhân đến BV. Các xe y tế chuyên dụng được trang bị các thiết bị hiện đại như máy CT scan, kết quả hình ảnh được các bác sĩ chuyên khoa hội chẩn trực tuyến và chỉ định phương án điều trị.

Người mắc bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp, thường xuyên hút thuốc lá và chất gây nghiện có nguy cơ cao bị đột quỵ. Trong ảnh: Lấy máu kiểm tra đường huyết

PGS Nguyễn Huy Thắng cho rằng, thành phố cần có những trung tâm lớn về cấp cứu đột quỵ, bao gồm cả chức năng điều phối, quản lý và kết nối các đơn vị vệ tinh nhằm phát huy tối ưu hiệu quả điều trị, đồng thời hạn chế sự lãng phí về nhân lực và thiết bị. Phương diện khác trong lĩnh vực đột quỵ vô cùng quan trọng, đó là phòng ngừa tái phát và phục hồi vận động. Hiện cả nước còn thiếu rất nhiều trung tâm phục hồi chức năng trong khi khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ đều bị di chứng khuyết tật.

Theo các chuyên gia, trên 90% bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ rất thường gặp như cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường, các bệnh rối loạn chuyển hóa... Khoảng 20-25% bệnh nhân đột quỵ có tiền sử đái tháo đường và hơn 85-90% bệnh nhân bị cao huyết áp. Nhóm bệnh nhân trẻ bị đột quỵ thường do lối sống ít vận động, hút thuốc lá và chất gây nghiện, cơ địa béo phì. Việc sử dụng chất gây nghiện rất nguy hiểm, làm tăng sinh mạch máu, khiến mạch máu dễ vỡ, gây đột quỵ.

Chính vì vậy,  mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh, loại trừ các yếu tố nguy cơ bằng chế độ sinh hoạt, vận động lành mạnh, dinh dưỡng khoa học, kiểm soát tốt sức khỏe. Bên cạnh đó, tìm hiểu các thông tin về bệnh đột quỵ, nhận diện các triệu chứng điển hình; khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần được đưa ngay đến BV gần nhất có năng lực điều trị bệnh đột quỵ, càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết