02/03/2018 - 08:53

Diện mạo mới cho nông nghiệp đô thị
Bài cuối: Đầu tư công nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm 

Thực tế cho thấy, để nông nghiệp đô thị mang lại kết quả như mong đợi thì phải đầu tư công nghệ cao, hoàn thiện quy trình sản xuất để cung ứng ra thị trường những sản phẩm vượt trội về chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề cân đối cung cầu để đảm bảo thu nhập cho nông hộ cần được quan tâm đúng mức nhằm duy trì tính bền vững cho các mô hình nông nghiệp đô thị.

Hoàn thiện quy trình, đầu tư công nghệ cao

Vai trò của nông nghiệp đô thị là giúp nông dân tăng được thu nhập, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn gặp phải do quy mô sản xuất nhỏ, nước thải rất dễ ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị… Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, ngoài việc nhân rộng các mô hình, các địa phương vùng ĐBSCL cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất để dễ tiêu thụ nông sản làm ra. Đồng thời, phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về mô hình nông nghiệp đô thị hay. Tất cả mọi giải pháp làm sao để hướng tới mục tiêu đem lại lợi nhuận cao nhất cho người dân”.

Trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Cơ sở Phong Lan An Bình, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Ảnh: MỸ THANH

Trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Cơ sở Phong Lan An Bình, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Ảnh: MỸ THANH

Tại TP Cần Thơ, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã đã từng bước đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cũng như dần dà tiếp cận đưa sản phẩm đến các kênh phân phối hiện đại thay vì chỉ tập trung bán cho thương lái và các chợ truyền thống. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Cọng Rơm Vàng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: Với diện tích hiện có là 1.500m2, công ty đã thiết kế hệ thống thống kệ 7 tầng và nâng diện tích canh tác lên 10.500m2 để trồng nấm rơm sạch trong nhà lưới theo quy trình khép kín. Chúng tôi tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới như: cơ giới hóa hoàn toàn (Canada), ủ yếm khí (Đài Loan và Hàn Quốc) và công nghệ vi sinh (Nhật Bản) để cho ra thị trường sản phẩm nấm rơm tươi, sạch. Với các dòng sản phẩm này Cọng Rơm Vàng dự kiến sẽ tập trung phân phối vào các kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Nhìn chung, các nông hộ tham gia phát triển mô hình nông nghiệp đô thị tại TP Cần Thơ ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhi, chủ quán Nhi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, chia sẻ:  Khách hàng hiện nay không chỉ muốn ăn "ngon" mà còn phải "lành". Trước đây, quán ăn của chúng tôi phải mua rau ngoài chợ (200.000 – 300.000 đồng/ngày) để chế biến món ăn cho khách. Để tạo điểm nhấn cho quán, nay tôi tự đầu tư nhà lưới trồng rau với kinh phí 100 triệu đồng, diện tích 400m2. Mỗi ngày vườn rau cung cấp 10 – 15kg rau các loại, đủ phục vụ thực khách tới ăn tại quán. Vườn rau của tôi có hệ thống tưới tự động nên tiết kiệm công chăm sóc. Ngoài ra, tôi còn  nuôi trùn quế lấy phân bón rau, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… Từ cọng rau, củ cải, trái ớt… hương vị tự nhiên và điều quan trọng nhất là chúng tôi bảo đảm nguồn rau trái an toàn.

Người dân dần có ý thức thực hành sản xuất theo hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình GAP góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản. Đây là những tiền đề căn bản để TP Cần Thơ hướng đến nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố. Để phát triển nông nghiệp đô thị, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất là cần thiết. Đồng thời, cần có các hoạt động khuyến nông để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Ngoài ra, hoạt động sản xuất cũng cần được tổ chức lại sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất và tiêu thụ nông sản tại khu vực đô thị.

Theo ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp đô thị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, các đơn vị có liên quan, các đơn vị tổ chức dạy nghề và doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với viện, trường để mở các lớp đào tạo, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, các giống cây con mới cho nông dân, nhà vườn. Song song đó, thành phố cũng cần đầu tư cho công nghệ sơ chế, bảo quản, vận chuyển sau khi thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Kết nối để giảm rủi ro

Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm), chia sẻ: Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi không đầu tư lớn ngay từ đầu mà làm từng bước dựa trên quá trình khảo sát thị trường và nhu cầu khách hàng. Làm nông nghiệp đô thị hiện nay có thể nói là có nhiều rủi ro. Như trong trường hợp của chúng tôi do nắm vững kỹ thuật (trồng thủy canh, tưới tiết kiệm, điều tiết dinh dưỡng...), nguồn nhân lực có chuyên môn nên có thể kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất cũng như sản lượng, chất lượng sản phẩm làm ra. Do đó, cái khó nhất vẫn là cân đối đầu ra sản phẩm nếu muốn mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư nhà lưới. Hiện nay, sản phẩm của Cần Thơ Farm được phân phối qua các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn thành phố và qua đơn đặt hàng trực tuyến của khách hàng để chủ động về sản lượng cung ứng. Về lâu dài, chúng tôi tập trung nghiên cứu thị trường trước khi đưa ra các quyết định phát triển thêm diện tích sản xuất.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đô thị cũng cần được tổ chức lại sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản tại khu vực đô thị và đảm bảo vấn đề về môi trường. Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP Cần Thơ cho rằng: Để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, ngành chức năng các địa phương cần quan tâm đến việc nghiên cứu, quy hoạch vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, cần phát triển dịch vụ nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu hàng hóa… Mặt  khác, thành phố nên huy động mọi nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung sản xuất các loại hoa kiểng, rau màu, nấm... theo quy trình GAP trước hết là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và từng bước hướng đến xuất khẩu.

Thành phố sẽ hình thành các mô hình liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể rau an toàn cho các quận, huyện, các HTX sản xuất rau. Xây dựng chính sách gắn kết giữa người sản xuất với các đơn vị thu mua rau an toàn; tổ chức ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với ngành Công Thương và các đơn vị liên quan xúc tiến các điểm kinh doanh rau, quả an toàn và hỗ trợ liên kết người sản xuất và các siêu thị để hình thành chuỗi cung ứng rau an toàn bền vững.

“Ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Với mục tiêu là hình thành các mối liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo hướng nông nghiệp đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ. Các mô hình được thực hiện trong giai đoạn 2013-2020. Theo đó, nông dân tận dụng diện tích đất vườn nhà, đất thổ cư thực hiện mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao để nuôi, trồng các loại sinh vật cảnh có giá trị cao cung cấp cho thị trường; tạo cảnh quan môi trường tham quan du lịch, hình thành các “làng nghề nông nghiệp đô thị”. Đồng thời, triển khai các mô hình điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để các địa phương trong thành phố đến tham quan, học tập...”- bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết.

NHÓM PV KINH TẾ

Chia sẻ bài viết