28/02/2018 - 21:11

Diện mạo mới cho nông nghiệp đô thị
Bài 2: Trợ lực phát triển vành đai xanh 

Nhóm PV Kinh tế

Nắm bắt xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị đã và đang lan tỏa trên địa bàn, thành phố tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình khuyến nông phát triển nông nghiệp đô thị, quy hoạch vành đai xanh nông nghiệp nhằm cung ứng các sản phẩm nông sản cho khu vực nội đô. Sự tiếp sức kịp thời từ ngành chức năng đã góp phần xây dựng  các mô hình nông nghiệp thích ứng với yêu cầu khắt khe từ thị trường.

Trợ lực

Tháng 8-2017, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND  về “Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP  Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 – 2020”. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: Theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quận Bình Thủy, đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa của quận chỉ còn khoảng 600ha. Do đó, Bình Thủy đang nỗ lực phát huy vai trò là vành đai xanh của thành phố và phát triển một số mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, trồng nấm bào ngư ở phường Thới An Đông, mô hình nuôi cá thác lác cườm ở phường Bùi Hữu Nghĩa... Đối với các mô hình này, quận tập trung chỉ đạo Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản để từng bước quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Trồng hoa kết hợp phát triển dịch vụ tham quan du lịch tại Làng hoa Phó Thọ-Bà Bộ quận Bình Thủy. Ảnh: MINH HUYỀNTrồng hoa kết hợp phát triển dịch vụ tham quan du lịch tại Làng hoa Phó Thọ-Bà Bộ quận Bình Thủy. Ảnh: MINH HUYỀN

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó sẽ có 5 mô hình gồm hoa kiểng, cá kiểng, nuôi lươn không bùn, nấm và trồng rau trong nhà lưới.  Bước đầu sẽ hình thành ít nhất 3 nhóm liên kết sản xuất mỗi nhóm từ 5 – 10 hộ tham gia, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và tạo thành điểm nhấn thu hút du lịch. Theo kế hoạch này, thành phố chọn làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ là điểm nhấn, các mô hình khác là vệ tinh để tập trung đầu tư xây dựng mô hình gắn với du lịch. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện mô hình trên trong 3 năm là hơn 7,6 tỉ đồng, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ hơn 4,8 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân. Ông Từ Công Thuần, Phó Chủ tịch UBND phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, chia sẻ: Trên địa bàn phường có nhiều hộ dân thuộc Làng nghề trồng hoa Phó Thọ-Bà Bộ, Hợp tác xã rau an toàn ở phường Long Tuyền. Nếu được thành phố quan tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp với du lịch sinh thái sẽ giúp cho các nông hộ trên địa bàn phường tăng thêm nguồn thu từ nông nghiệp.

Mục tiêu chung của nông nghiệp đô thị là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống mới để tăng năng suất, góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm an toàn, cảnh quan môi trường của một đô thị xanh ở trung tâm vùng ĐBSCL. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Theo quy hoạch của thành phố, đến năm 2030 trên địa bàn quận sẽ không còn diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế trên địa bàn quận hiện nay vẫn đang phát triển một số mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả như trồng hoa kiểng, trồng rau mầm, trồng dưa lưới trong nhà kính… Năm 2018, quận sẽ rà soát lại các mô hình này và tìm giải pháp để hỗ trợ phù hợp cho nông hộ về cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận khoa học công nghệ, cây con giống để đảm bảo chất lượng sản phẩm rau, hoa…

Nâng cao giá trị nông sản

Thực hiện theo định hướng quy hoạch của thành phố, các quận huyện cũng chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị trên cơ sở tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong điều kiện diện tích canh tác ngày càng thu hẹp. Với 16 bè nuôi cá thác lác cườm, diện tích mỗi bè từ 25 – 200m2, ông Lý Văn Bon tại khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thu lãi mỗi vụ cá từ 300 - 400 triệu đồng. Đây được xem là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả khi ông Bon vừa kết hợp nuôi cá thác lác thương phẩm vừa phát triển thêm sản phẩm chả cá thác lác, khép kín đầu vào và đầu ra sản phẩm. Ông Lý Văn Bon, chia sẻ: Để chủ động đầu ra, tôi thành lập Cơ sở sản xuất chả cá Lý Vân để sản xuất cá thác lác thành phẩm với các sản phẩm như cá thác lác rút xương, chả cá thác lác, cá thác lác muối sả ớt… Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất trên 9 tấn cá thành phẩm để cung ứng cho nhà hàng và quán ăn trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận.

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa tại phường Long Tuyền là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của quận Bình Thủy tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị với mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ  Israel. Nông trại trồng rau của công ty được quản lý bằng công nghệ điện toán đám mây. Các dữ liệu về nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, độ pH… được ghi nhận bằng các thiết bị cảm biến đặt trong nhà lưới và truyền tải về máy chủ. Khi có sự thay đổi về nhiệt độ trong nhà lưới và độ pH trong nguồn nước thủy canh nuôi rau, hệ thống sẽ tự điều chỉnh, cân đối phù hợp. Bà Lâm Việt Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, cho biết: Sản phẩm rau thủy canh của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa chủ yếu cung ứng cho các cửa hàng nông sản sạch, bếp ăn của một số trường học trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng một showroom để trưng bày các sản phẩm rau thủy canh và bán các món ăn chay kèm rau sống để khách hàng có thể đến trải nghiệm chất lượng sản phẩm cũng như tìm hiểu quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, thành phố đang hình thành các mô hình liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh trong khu vực; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ, hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; tiếp tục giúp các địa phương, HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể. Xây dựng chuỗi giá trị nông sản, truy xuất nguồn gốc thông qua tem điện tử, triển khai chính sách hỗ trợ người sản xuất gắn kết với các đơn vị thu mua rau an toàn; tổ chức ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với ngành Công Thương và các đơn vị liên quan xúc tiến các điểm kinh doanh rau, quả an toàn và hỗ trợ liên kết người sản xuất và các siêu thị để hình thành chuỗi cung ứng rau an toàn bền vững.

Các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đang dần hình thành và phát triển.  Tuy nhiên, để các mô hình này duy trì hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các vấn đề về đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả sản xuất trong điều kiện diện tích canh tác khó có thể mở rộng; ổn định đầu ra nông sản cần phải được giải quyết hài hòa và hiệu quả…

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, chia sẻ: Những lợi ích mà nông nghiệp đô thị mang lại không ai có thể phủ nhận. Song, phương thức sản xuất này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Những tác động phức tạp của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư của người dân cho nông nghiệp đô thị, nhất là các hộ mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao thường gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư cao, thu hồi vốn chậm. Mặt khác mức hỗ trợ chi phí từ Nhà nước vẫn còn thấp, chưa thuyết phục được người dân mạnh dạn tham gia.

 

Bài cuối: ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ, TÌM ĐẦU RA CHO SẢN PHẨM

Chia sẻ bài viết