27/02/2018 - 21:51

Diện mạo mới cho nông nghiệp đô thị
Bài 1: Nông nghiệp đô thị chuyển mình 

TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao ở vùng ven đô theo hướng đảm bảo an toàn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận... Việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp không chỉ mở ra triển vọng gia tăng giá trị hàng nông sản và thu nhập cho nhà nông mà còn là hướng đi chiến lược đưa nông nghiệp đô thị phát triển bền vững.

Bài 1:  Nông nghiệp đô thị chuyển mình

Với áp lực đô thị hóa, quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên việc hướng người dân chuyển đổi sản xuất vừa phù hợp điều kiện của đô thị, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích luôn được ngành chức năng TP Cần Thơ chú trọng. Nhờ định hướng đúng này, TP Cần Thơ đã và đang hình thành nhiều mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao trong sản xuất rau màu, hoa kiểng... đảm bảo hiệu quả thu nhập cho người dân, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các vùng ven đô.

Nở rộ mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Nổi bật trong các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở vùng ven đô là Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm) của anh Nguyễn Văn Phong, ở quận Bình Thủy. Với mong muốn đưa sản phẩm có chất lượng theo tiêu chí xanh, sạch lên bàn tiệc và vào bữa cơm gia đình cho người tiêu dùng, anh Phong đã cùng các cộng sự bắt tay xây dựng Nông trại sạch Cần Thơ với tổng diện tích 6.000m2. Anh Nguyễn Văn Phong cho biết: Cần Thơ Farm chuyên canh các loại rau xà lách theo hướng thủy canh và hữu cơ; ứng dụng hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động, công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua trong nhà kính. Tổ chức cho khách hàng tham quan và trải nghiệm thực tế về quy trình canh tác rau thủy canh, dưa lưới, cà chua… trong nhà kính tại cơ sở để khách hàng yên tâm sử dụng. Ngoài ra, Cần Thơ Farm còn phát triển 1 trang trại chuyên nuôi heo rừng với diện tích gần 3.000m2. Heo rừng của Cần Thơ Farm nuôi trên đệm lót sinh học, không sử dụng chất cấm, thức ăn cho heo chủ yếu là từ đậu nành, chuối cây nên chất lượng thịt săn chắc,... Nhờ có truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên hàng chục loại rau, quả và thịt heo rừng của Cần Thơ Farm được các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng Cần Thơ ưa chuộng.

Cần Thơ Farm là mô hình được nhiều người  tham quan và trải nghiệm cách làm nông sản sạch... Ảnh: MỸ HOA

Cần Thơ Farm là mô hình được nhiều người  tham quan và trải nghiệm cách làm nông sản sạch... Ảnh: MỸ HOA

Năng động chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với quá trình đô thị hóa là hướng đi được ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc hợp tác xã (HTX) rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy dẫn dắt xã viên cùng thực hiện. Theo ông Triệu Công Đỉnh, khoảng 2/3 đất canh tác của HTX là đất thuê mướn nên chịu áp lực của đô thị hóa khá lớn, ban đầu HTX có hơn 10ha diện tích trồng rau màu, nay giảm chỉ còn 6ha. Trước thực trạng diện tích ngày càng bị thu hẹp, muốn đảm bảo được sản lượng rau màu cung ứng cho khách hàng, đòi hỏi HTX nỗ lực tìm kiếm đối tác liên kết cùng thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng giá trị sản xuất rau màu trên cùng một diện tích đất. Theo đó, HTX đã tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tư hệ thống canh tác rau ăn lá trong nhà lưới với diện tích 8.000m2 và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho các loại rau ăn trồng nhà lưới của HTX. Nhờ có hợp đồng bao tiêu từ phía doanh nghiệp, các thành viên của HTX chú trọng sản xuất theo nguyên tắc trong canh tác từ khâu chọn giống, gieo trồng, tới chăm sóc rau màu đều phải theo quy trình VietGAP. Điều này, không chỉ giúp HTX thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp mà còn đảm bảo đầu ra cho rau màu và tăng thu nhập cho xã viên, tạo động lực cho xã viên nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng nông sản sạch và an toàn cung ứng cho thị trường.

Mô hình nuôi trùn quế kết hợp với trồng kiểng lá của anh Trần Xuân Khang, Chủ trang trại trùn quế Thanh Phúc ở khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng khá thành công. Tuy trang trại mới được hình thành hơn 1 năm nay, nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho gia đình anh Khang. Anh Khang chia sẻ: "Nhiều hộ gia đình ở thành thị có xu hướng trồng rau sạch tại nhà, phục vụ bữa ăn hằng ngày nên nhu cầu sử dụng phân hữu cơ để bón cho rau màu là rất thiết yếu. Xuất phát từ nhu cầu đó, tôi đã tận dụng 100m2 đất vườn làm trang trại nuôi trùn quế để cung cấp phân trùn quế cho hộ gia đình và các điểm trồng rau sạch". Theo anh Khang, kỹ thuật nuôi trùn quế khá đơn giản, tùy theo mùa vụ mà cung cấp nước để tạo độ ẩm phù hợp đảm bảo cho sự sinh trưởng của trùn quế, nguồn thức ăn cho trùn quế chủ yếu là phân trâu hay phân bò... lấy từ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong và ngoài khu vực Phú Thạnh. Ước tính với 100m2 trùn quế sinh khối, mỗi tháng sẽ cho ra từ 1.500-2.000kg phân trùn quế thành phẩm và có thể bán quanh năm với giá bình quân là 5.000 đồng/kg.

Tận dụng địa thế phát triển

Bây giờ đường sá mở rộng, nhất là các tuyến đường gần các khu dân cư, nhiều nhà vườn đã năng động mở hướng làm ăn bằng cách trồng hoa kiểng, phục vụ nhu cầu thị trường trong những ngày lễ, Tết. Mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông hộ. Nổi bật là mô hình làm kinh tế vườn kết hợp trồng hoa kiểng Tết của nhà nông Phạm Hồng Việt ở phường Tân Phú, quận Cái Răng. “Ngoài làm vườn, hằng năm, vào đầu tháng 11 âm lịch, gia đình tôi tận dụng diện tích đất sẵn có để trồng vài ngàn giỏ hoa để bán vào dịp Tết. Nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón hoa kiểng trong nhiều năm liền nên hoa luôn nở đều và đẹp được nhiều thương lái và hộ gia đình tìm mua dịp Tết”- ông Phạm Hồng Việt chia sẻ.  Theo tính toán của lão nông có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, vụ hoa Tết năm 2018, gia đình ông trồng và bán hơn 3.500 giỏ hoa vạn thọ, hồng nhung…Và sau khi trừ hết tất cả chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng, góp phần mang lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình.

Không chỉ nuôi trùn quế, anh Trần Xuân Khang, Chủ trang trại trùn quế Thanh Phúc, quận Cái Răng còn tận dụng phân trùn quế để chăm bón cho vài ngàn cây kiểng Trúc Nhật Đốm. Theo anh Khang, đây là loại kiểng rất thích sống trong bóng râm nên anh đã đầu tư thêm nhà lưới để cây sinh trưởng tốt nhất. Ước tính, mỗi tháng trang trại Thanh Phúc cung ứng trên 1.000 cây Trúc Nhật Đốm cho các cửa hàng chuyên doanh hoa kiểng trên địa bàn TP Cần Thơ. Hiện nay, có nhiều đầu mối tự tìm đến địa chỉ của trang trại để thu mua kiểng Trúc Nhật Đốm và nhu cầu tiêu thụ loại cây kiểng này đang ngày một tăng dần. Anh Khang đang mở rộng quy mô trang trại, đầu tư thêm 100m2 để làm nhà nuôi trùn quế. Đồng thời, nhân rộng khu vực trồng cây kiểng Trúc Nhật Đốm để phục vụ nhu cầu thị trường.

Nhờ định hướng đúng của ngành chức năng quận Bình Thủy và thành phố đã vực dậy kinh tế cho nhiều nhà vườn vùng ven đô ở Làng hoa Bà Bộ, quận Bình Thủy. Ông Huỳnh Thanh Cần, Giám đốc hợp tác xã (HTX) hoa kiểng Phó Thọ, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: Thời gian qua, Bình Thủy đã triển khai nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa kiểng, tổ chức cho bà con xã viên đi tham quan mô hình trồng hoa có hiệu quả ở Đồng Tháp, Đà Lạt... Nhờ đó, kỹ thuật trồng hoa kiểng của bà con được nâng lên, chi phí trồng hoa kiểng giảm xuống, thu nhập tăng lên. Hiện nay, xã viên HTX không chỉ tập trung trồng các loại hoa chủ đạo là vạn thọ hay cúc để bán trong các ngày Rằm và 30 âm lịch hằng tháng mà còn đầu tư nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tự động để tăng chất lượng cho hoa cát tường, hoa hồng, dạ yên thảo và các loại kiểng treo,... phục vụ thị trường lễ, Tết ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Mỗi năm, vào vụ Tết, nhà vườn trồng hoa ở Làng hoa Bà Bộ đều tăng số lượng và chủng loại hoa kiểng tăng từ 10- 20%/năm, thu nhập bình quân của mỗi hộ từ 80-100 triệu đồng/hộ/năm.

Do nhu cầu phát triển đô thị ngày càng tăng nên quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành phố đang dần bị thu hẹp. Bằng sự năng động, sáng tạo của mình nhiều nông hộ đã vượt qua thử thách, cải tiến kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm làm ra… bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Tuy vậy, để sự vượt khó ấy không đơn độc rất cần các ngành chức năng triển khai giải pháp hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp đô thị. Tập trung định hướng nhà nông phát triển sản xuất, gia tăng giá trị kinh tế, góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng ven đô…

NHÓM PV KINH TẾ

Bài 2: Trợ lực phát triển vành đai xanh

Chia sẻ bài viết