27/10/2016 - 15:34

Diễn đàn kinh tế

ÔNG PHẠM XUÂN ĐÀ, CỤC TRƯỞNG CỤC CÔNG TÁC PHÍA NAM, BỘ KH&CN:
ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT GIỮA NHÀ KHOA HỌC VÀ DOANH NGHIỆP

Liên kết là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của KH&CN. Trong đó, cần lưu ý liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp với nhau. Đơn cử câu chuyện từ cây lúa. Nếu các nhà khoa học nghiên cứu giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh, cho năng suất cao, gạo ngon cơm thì chưa đủ. Cần liên kết trong nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm ngon khác từ giống lúa đó để tạo ra giá trị gia tăng và đưa các sản phẩm từ giống lúa này trở thành hàng hóa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Như vậy, liên kết các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị giá tăng cao. Liên kết doanh nghiệp, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp có năng lực thật sự, đủ nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Từ đó, biến quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học thành những sản phẩm ưu việt có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

*ÔNG TRẦN NGỌC NGUYÊN, GIÁM ĐỐC SỞ KH&CN TP CẦN THƠ:
XÂY DỰNG NHỮNG KHU CÔNG NGHỆ CAO HOẶC KHU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO CHO VÙNG ĐBSCL

Có thể nói KH&CN truyền thống đã đưa Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng vượt qua đói, nghèo. Đặc biệt, bằng việc ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, vùng ĐBSCL góp phần rất lớn đưa xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đứng nhất, nhì thế giới và đưa vùng ĐBSCL có nhiều ưu thế trong xuất khẩu thủy sản và cây ăn trái. Giai đoạn phát triển mới, để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, cần tiếp cận vấn đề mới thuộc về lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới. Muốn vậy, cần xây dựng những khu công nghệ cao cho vùng hoặc khu ứng dụng Khu công nghệ cao trong giai đoạn 2016-2020.

Gần đây nhất, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là câu chuyện mới mà Sở KH&CN các địa phương vùng ĐBSCL rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN về thông tin kiến thức, kỹ năng. Sự trợ lực này sẽ hỗ trợ ngành KH&CN vùng ĐBSCL phát triển theo định hướng mới, sáng tạo mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

*ÔNG LÊ MÁY, PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC
VÀ KỸ THUẬT TỈNH AN GIANG:
CÓ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ "KỸ SƯ CHÂN ĐẤT"

Thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã phát minh, chế tạo ra nhiều dụng cụ, máy móc áp dụng vào quá trình sản xuất mang tính ứng dụng cao, như: máy cuốn rơm, máy tỉa đậu, máy phun thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, phần lớn những sản phẩm này khó nhân rộng ra cộng đồng do nông dân thiếu vốn. Hiện nay, cũng có nhiều ưu đãi của nhà nước đối với các nghiên cứu KH&CN, nhưng những sáng chế của các "kỹ sư chân đất" để được hưởng các ưu đãi này phải có đầy đủ các thủ tục, hồ sơ… Muốn vậy, nông dân phải thuê các nhà chuyên môn viết báo cáo, vẽ thiết kế… với chi phí hàng chục triệu đồng. Điều này vượt khả năng của nhiều nông dân.

Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là về vốn cho nông dân. Từ đó ngày càng có nhiều "kỹ sư chân đất" sáng tạo ra những công cụ, máy móc phục vụ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

* ÔNG PHẠM VĂN TÂM, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ KH&CN
CƠ SỞ, SỞ KH&CN TỈNH VĨNH LONG:
HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KH&CN CẤP HUYỆN NGÀY CÀNG THIẾT THỰC

Các huyện trong tỉnh Vĩnh Long triển khai khoảng 20 đề tài và 100 mô hình ứng dụng/năm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các đề tài nghiên cứu, các mô hình ứng dụng tập trung các lĩnh vực trồng trọt, xử lý môi trường trong chăn nuôi… và đem lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là: mô hình trồng nấm bào ngư, nấm rơm trong nhà; mô hình tưới phun cho rau màu (cải xà lách xoong) và cây ăn trái (bưởi, cam)… Các huyện trong tỉnh Vĩnh Long cũng triển khai tốt mô hình cung cấp thông tin về nông thôn, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin về tiến bộ khoa học của người dân phục vụ đời sống và sản xuất với 7-15 mô hình/năm. Các mô hình này đã phát huy tác dụng, được người dân đón nhận và thường xuyên truy cập.

Từ kết quả trên có thể khẳng định, hoạt động KH&CN cấp huyện ở Vĩnh Long đã thể hiện được vai trò, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

H.T

Chia sẻ bài viết