31/01/2011 - 16:58

Điểm tựa

Trong ký ức sống động của những ngày nắng mưa hững hờ, Channda Sok có một góc riêng trên đường về nhà thẳng tắp từ đại lộ Hòa Bình nối dài 30-4. Tito Sreang, có một điểm dừng thời gian, lưu giữ những bài báo nói về một đôi: Tito Sreang và Channda Sok khi họ vén bức màn, mở cánh cửa để thế giới máy tính tràn vào Phnom Penh.

* * *

Alan Sipress, trên tờ Washington Post, kể câu chuyện về Tito Sreang, tổng giám đốc AnAnA Computer, đứa con của một nông dân cơ cực và người mẹ sùng đạo Phật tới mức an phận, tạm gác ước mơ trở thành bác sĩ để ôm ấp kỳ vọng khởi nghiệp từ chiếc máy tính. Năm 1991, Tito Sreang học đại học hàm thụ ngành sinh học. Ở đó lần đầu tiên anh nhìn thấy chiếc máy tính. Mỗi tháng, sinh viên chỉ được làm việc trên máy tính một giờ. Năm 2001, WB thống kê tại Campuchia chỉ có 10.000 người dùng internet trên tổng số 13 triệu dân; trên 1.000 dân chưa đầy 2 người biết sử dụng máy tính. Cách đây 5 năm, giá dịch vụ internet rất mắc, nhưng khi công ty AnAnA Computer can thiệp vào thị trường thì giá chỉ còn chừng 20%. Phía sau những thay đổi ấy là Channda Sok.

“Ở nhà mướn nhỏ xíu, không có điện, không nước-phải xách từng thùng từ dưới đất lên lầu 4 để xài. Lặng lẽ làm từng chiếc móc áo đem ra chợ bán. Ở chợ, đồ thêu của Campuchia không sắc sảo, về Việt Nam học thêu máy.... Nói khởi nghiệp nghe to tát, thực sự lúc đó vốn liếng chỉ có 1 chỉ vàng dành dụm từ hồi làm tiệm uốn tóc trên đại lộ Monivong, học massage, làm móc áo, đồ thêu, làm kẹp tóc, bán bông... tuân theo “mệnh lệnh thị trường” lúc nào cũng làm cái mới, kiểu mới, dần dà Channda Sok đã mua góp được 10 cái sạp ở chợ Orsay, Olympic và Central Market. Bước ngoặt cũng từ ngoài chợ khi một người bán bình bông từ Việt Nam sang thấy chị rị mọ với những sổ sách hỏi “ Tại sao không dùng máy tính?”.

“Năm 1993, nhờ hai vợ chồng Đăng Khoa ở Cần Thơ-cùng ở Thành đoàn- dạy tôi một tuần về tin học và bán chịu một bộ máy tính, chúng tôi bắt đầu mua từng phần và học cho hết mọi chi tiết của chiếc máy”, Channda Sok kể lại.

Lần đầu tiên Channda Sok bán được 4 máy tính cho trường học, lời 100 USD/ bộ. “ Đã làm biết bao nhiêu việc, có bao giờ lời một lúc 100 USD. Cầm tiền trong tay, suy nghĩ cách học lắp ráp, sửa chữa, nâng cấp, bảo hành biết đâu sẽ lời 100 USD/ bộ nữa”, Channda Sok kể lại “ chuyện ngày xưa” khi chị cùng Tito Sreang mở cửa hàng bán máy tính, làm dịch vụ và nuôi dưỡng ý định làm xưởng lắp ráp máy tính tại Phnom Penh. “ Tito qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia và trong suốt hai năm sau đó (1995-1997) như con thoi để tiếp cận thế giới máy tính, làm việc 15 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần để xây dựng công ty AnAnA Computer”, Channda Sok kể lại.

***

Channda Sok nói đêm xảy ra chuyện đau lòng ở Koh Pich, chị thức trắng nghe tiếng xe cứu thương hú còi, xốn xang cho những số phận. Đã từ lâu, có điều gì đó gắn chị với buồn- vui, sướng- khổ ở xứ sở này.

 

Ở đây người giàu bao giờ cũng muốn hàng mới nhất, tốt nhất, đắt tiền nhất. Có nhiều loại hàng, Việt Nam chưa dám xài nhưng người giàu ở Campuchia đã có rồi; xã hội phân cực nghèo-giàu, nhưng bán hàng cho người nghèo cũng không dễ khi Trung Quốc đang dẫn dắt cuộc chơi giá rẻ.

Câu chuyện mưu sinh tất bật của Channda Sok có những phút đi chậm và nhìn lại những thử thách.Tito Sreang và Channda Sok, hơn ai hết hiểu thử thách mà họ phải nếm trải khi lèo lái hai công ty Angkornet và Mekongnet- kinh doanh internet. Channda Sok cho rằng thành công lâu nay là nhờ cả hai cùng suy nghĩ “cái gì thị trường Campuchia không làm được thì mình phải làm được, phải đi tìm cái mới, đứng lại là “chết liền”. Đầu tiên là kinh doanh máy tính, nhưng đòn bẩy là dịch vụ hỗ trợ. Hiện nay, Angkornet và Mekongnet liên kết với VDC, FPT, Hong kong, Thái Lan... nghiên cứu loại hình kinh doanh trên mạng toàn cầu. Cuộc đua trên nền Internet, E-learning, quảng cáo trên mạng... không cho phép họ dừng lại.

“Năm 1993, hàng Việt Nam không được như bây giờ, họ chê hàng Việt Nam và tìm cách đánh gục người bán hàng. Làm sao để có lòng tin khi chất lượng thấp. Ngược lại chất lượng tốt quá mà tiền thấp là thách thức những nỗ lực kinh doanh, nhưng tôi đã bền bỉ mở rộng mạng internet ở 10 tỉnh - kết nối tới Poipet - biên giới Campuchia -Thái Lan, tới Xa Mát, Long Bình của Việt Nam. Tôi nghĩ nhiều về kênh truyền thông hàng Việt”, Channda Sok nhấn mạnh khi một công ty muốn liên kết truyền hình số với hệ thống của Angkornet và Mekongnet.

“Hên” là một từ mà Channda Sok hay nhắc tới khi “giật mình” nhìn lại chặng đường 27 năm sống trên đất khách. Hên là nắm bắt được cơ hội thị trường kịp thời. Hên vì đã chọn đúng thời điểm đưa máy tính Việt Nam qua Campuchia và hên khi hàng hóa từ Việt Nam bán sang Campuchia được khen là hàng tốt. Bây giờ, từ trị bệnh, du lịch đến mua hàng họ đều chọn Việt Nam. Sự chấp nhận của người bản xứ khiến người Việt sống ở “đất khách, quê người” thở phào nhẹ nhõm.

Thắc thỏm của Channda Sok có cái lý khi một thời dân bản xứ xem hàng Thái Lan là tốt và hàng của Việt Nam ngày xưa như đồ bỏ. Không ít doanh nghiệp qua đây một lúc rồi đóng cửa về nước vì bán những loại hàng “nay vầy... mai khác”. Có người nói “Campuchia là một nước quá lớn!”, có người nói nó quá nhỏ...chính những suy nghĩ này đã thôi miên chính họ.

Channda Sok có một trụ sở trị giá 6 triệu USD và những cơ ngơi chưa hoàn thiện trị giá không dưới 20 triệu USD. Nhưng câu chuyện của chị đậm dấu ấn không phải là tiền mà là nhiều người bản xứ cùng làm việc với chị mấy chục năm nay.

Câu chuyện nghiệt ngã khi lần giở từng lớp thời gian...”Một kẻ bán bông, một đứa con gái mà biết gì kinh doanh. Tôi tự hỏi có ai cấm người bán bông học để bán máy tính không? Có ai nói con gái không được học không? Có ai chấp nhận sự chê bai hàng hóa xứ mình hoài mà mình chịu được? Có kẻ nghèo kiết xác nào ở xứ lạ quê người mà được trọng vọng không?”- Channda Sok nói “May mắn cho tôi, Việt Nam có hàng chất lượng cao và tôi đã dựa vào điểm tựa này để đứng dậy”.

Channda Sok rời khỏi cao ốc tiễn những đồng hương, nhắc lại lần nữa tên trong khai sanh của mình là Phạm Phương Dung và “Cả nhà tôi vẫn ở đường 30-4, TP Cần Thơ đó thôi”.

Những người đồng hương của chị hẹn tao ngộ ở Hợp Phố.

Không biết họ sẽ lạc vào những câu chuyện mưu sinh nặng nề trải nghiệm hay những ngày nắng, mưa hững hờ trên đất khách khi tiếng trống lân rộn ràng ngoài bến Ninh Kiều?

Ngày Tết mà, làm sao không “ôn cố, tri tân” chứ....?

Phnom Penh, những ngày nắng ráo.

Châu Lan

Chia sẻ bài viết