Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu nông sản từ đầu năm 2024 đến nay là điểm sáng đáng ghi nhận với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch hàng tỉ USD. Nhờ xuất khẩu thuận lợi nên giá nông sản trong nước ở mức cao, đảm bảo cho nông dân có lãi…
Một năm "được mùa, được giá"
Mặc dù đã trồng sầu riêng nhiều năm, nhưng năm 2024 này gia đình chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ xã Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) được mùa và được giá nhất. Chị Diễm cho hay, vùng này lâu nay nhà nào cũng trồng sầu riêng nhưng giá cả lên xuống không ổn định, vì vậy bà con hay rơi vào tình cảnh "năm lời, năm lỗ". Gần đây, thấy nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc tăng mạnh, do đó chị Diễm và bà con vùng này đã chủ động xử lý vườn sầu riêng cho trái sớm (nghịch vụ). Sau khi áp dụng các phương pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiêp, thì chị Diễm xử lý cho 20 công sầu riêng của mình cho trái sớm và thu hoạch vào tháng 3-2024, ngay lúc xuất khẩu sầu riêng hút hàng. Nhờ đó chị bán sầu riêng được giá từ 100.000-130.000 đồng/kg, thu về hơn 2,5 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Nông dân ĐBSCL trúng mùa trúng giá sầu riêng.
Ông Trần Văn Chung, có gần 20 năm canh tác vườn sầu riêng rộng 15 công ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: "Chính từ việc xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh đã góp phần quan trọng đẩy giá sầu riêng trái tại vườn lên cao kỷ lục; nhờ đó nên hầu hết bà con trồng sầu riêng năm nay trúng đậm, nhất là những hộ xử lý nghịch vụ cho trái sớm đã thu lợi nhuận lớn".
Tại các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ, nhiều nông dân bắt đầu thu hoạch lúa thu đông trong niềm vui được giá. Bà Lâm Thị Cam, ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho hay: "Với giá lúa thu đông dao động từ 7.000-7.600 đồng/kg, bà con "bỏ túi" khoảng 25-30 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Mức lợi nhuận của vụ thu đông như thế này là tốt rồi". Theo các sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, năm 2024 là năm mà nông dân làm lúa bán được giá cả 3 vụ (đông xuân, hè thu và thu đông), nhờ vào thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá cao. Cộng với việc tăng cường liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp xuất khẩu từ sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, đến thu hoạch đúng thời điểm cần xuất khẩu và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của các nước; từ đó giá trị xuất khẩu gạo mang lại được nâng cao.
Còn những hộ nuôi thủy sản cũng có được lợi nhuận nhờ giá tăng. Ông Phạm Văn Quắn, ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), nói: "Nếu như năm ngoái giá tôm nguyên liệu ở vùng này không cao thì từ đầu năm 2024 đến nay được cải thiện. Thương lái thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg giá 85.000-90.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá khoảng 150.000 đồng/kg… giá này bà con có được lợi nhuận". Bộ NN&PTNT cho hay, từ nay đến cuối năm 2024 dự báo nhu cầu tiêu thụ ở thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… sẽ tăng và xuất khẩu cần được đẩy mạnh; điều này dẫn đến việc tiêu thụ tôm nguyên liệu nhiều hơn, thuận lợi cho nông dân sản xuất.
Tiếp tục gia tăng xuất khẩu
Bộ NN&PTNT đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… trong sản xuất và xuất khẩu đạt kết quả khả quan. Theo đó, trong 8 tháng qua hầu hết các nhóm hàng nông sản xuất khẩu đều tăng, góp phần đưa kim ngạch đạt hơn 40 tỉ USD, tăng 18,6%; trong đó rau quả đạt 4,63 tỉ USD tăng hơn 30%; gạo đạt 3,85 tỉ USD tăng gần 22%; tôm đạt 2,41 tỉ USD tăng 9,5%; cá tra 1,2 tỉ USD tăng 8,2%… Ngoài ra, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cũng tăng so cùng kỳ năm trước, từ đó giúp doanh nghiệp và nông dân có được lợi nhuận đáng kể. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhìn nhận, có kết quả như trên là nhờ chủ trương tái cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp thời gian qua được thực hiện quyết liệt và đúng hướng. Mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã được lan tỏa rộng khắp và đón nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, hợp tác xã, nông dân… Mặt được là vậy, tuy nhiên để ngành Nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỉ USD trong năm 2024 thì những tháng cuối năm còn nhiều việc phải làm.
Bên cạnh các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… thì Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, các đại sứ quán, doanh nghiệp… đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; tháo gỡ rào cản của các nước đặt ra và gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản vừa tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng thế giới và tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với cá tra, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp tăng tốc những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD (tăng so với năm 2023 là 1,8 tỉ USD). Thuận lợi là thời gian qua thị trường Mỹ tăng trưởng tốt với 23% và mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố sẽ mua thêm thủy sản, trong đó có các sản phẩm từ cá da trơn. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông, Trung Quốc, EU… Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang), chia sẻ: "Để ngành cá tra bớt rủi ro thì cần tổ chức lại một cách bài bản từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Theo đó, tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp; đầu tư cải thiện chất lượng con giống; ứng dụng khoa học vào sản xuất và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng… Tới đây, ngành cá tra cần hướng tới mô hình khép kín để giảm chi phí giá thành; đáp ứng phù hợp với nhu cầu của nhiều thị trường tiêu thụ trên thế giới".
Thêm 3 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Bộ NN&PTNT thông tin, vừa chính thức ký kết 3 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường lớn này.
Cụ thể, hiện nay cả nước đang bùng nổ về trồng sầu riêng và có sản lượng rất lớn; do đó khi sầu riêng đông lạnh của nước ta được xuất chính ngạch sang Trung Quốc hứa hẹn mang về giá trị cao. Đối với cây dừa cả nước có hơn 194.000ha, sản lượng hơn 1,9 triệu tấn và dừa cũng là ngành hàng có tiềm năng lớn về xuất khẩu. Trong khi cá sấu thì ở vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển bởi lợi thế về sông nước, nguồn thức ăn dồi dào… Có thể nói, với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu khi được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ đưa giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian tới.
|
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH