Năm 2007, tỷ trọng khu vực III (thương mại- dịch vụ) chiếm 45% trong cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ. Kết quả đó cho thấy ngành dịch vụ có vai trò đóng góp quan trọng vào GDP của thành phố, nhưng hiện tại mức đầu tư cho phát triển dịch vụ ở Cần Thơ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, việc đầu tư cho phát triển ngành dịch vụ sẽ là giải pháp góp phần đưa TP Cần Thơ thật sự trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng ĐBSCL.
Tiềm năng lớn, nhưng nhiều bất cập...
Trong 5 năm (2001-2005), tốc độ tăng trưởng dịch vụ của TP Cần Thơ đạt bình quân 13,7%/ năm. Trong năm 2007, mức tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt 17,4%, vượt 1% kế hoạch năm. Theo Sở Thương mại TP Cần Thơ, tổng mức lưu chuyển hành hóa và doanh thu ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố ước đạt 35.135 tỉ đồng, tăng 32,6% so năm 2006. Đây là kết quả khả quan của sự tăng trưởng trong ngành dịch vụ của thành phố. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ cho biết: “Trong năm 2007, thị trường khá sôi động, sức mua của người dân tăng cao. Mặc dù giá cả tăng, nhưng cũng không ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của hàng hóa”.
 |
Bốc xếp hàng hóa ở cảng Cái Cui. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Hiện tại, trong các ngành dịch vụ của thành phố, thương mại, tài chính- ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông chiếm ưu thế hơn so với những ngành khác. Trong năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ trong năm đạt khoảng 551 triệu USD, tăng 15,5% so với năm ngoái. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, ở lĩnh vực tín dụng- ngân hàng, tổng vốn huy động trong năm 2007 của các ngân hàng trên địa bàn thành phố khoảng 10.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn huy động, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 3.000 tỉ đồng, tiền gửi của dân 6.600 tỉ đồng (chiếm 64,7%). Ngoài ra, các dịch vụ kinh tế đa ngành khác như: du lịch, công nghiệp- xây dựng, nông nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục- đào tạo, lao động... cũng phát triển khá đa dạng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, TP Cần Thơ có môi trường dịch vụ tốt hơn hẳn các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Những ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú như: tài chính- ngân hàng, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, thương mại, du lịch... Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện phó Viện Kinh tế TP Cần Thơ, nhận định: “So với các tỉnh miền Đông Nam bộ, tốc độ tăng trưởng, hạ tầng dịch vụ của Cần Thơ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì hệ thống kinh tế dịch vụ của Cần Thơ chưa có chiến lược phát triển bao quát. Nhiều phân ngành dịch vụ như: thị trường chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính... còn nhỏ bé. Chất lượng dịch vụ còn thấp so với yêu cầu của thành phố trung tâm vùng. Trong xu thế hội nhập, ngành dịch vụ chưa chuyển biến mạnh mẽ về chất”.
Có thể nói, kinh doanh dịch vụ là ngành có lãi suất cao, tạo cơ hội giải quyết việc làm tại chỗ và đóng góp đáng kể vào tỷ trọng GDP của thành phố. Song, kinh nghiệm quản lý kinh doanh dịch vụ ở TP Cần Thơ còn hạn chế. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ, cho rằng: “Nhu cầu tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất lớn, nhất là doanh nghiệp trong ngành thương mại- dịch vụ. Họ cần có một kênh cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách pháp luật liên doanh, nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành thương mại- dịch vụ chưa tạo được kênh phân phối rộng. Tôi cho rằng, ở lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp nội địa có nhiều ưu thế hơn doanh nghiệp nước ngoài. Bởi mình hiểu khách hàng của mình cần gì”. Như Công ty Metinfo (đường Trần Văn Hoài) kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo du lịch, cung cấp thông tin lữ hành, nhưng không biết được thông tin đưa ra cho xã hội sẽ phải tuân thủ những qui định nào của Nhà nước!
Ngoài việc thiếu thông tin về thị trường, số liệu thống kê thì suất đầu tư hạ tầng cho phát triển dịch vụ của TP Cần Thơ còn cao, nên không khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia. Trong khi tiềm năng phát triển của thành phố trong lĩnh vực dịch vụ còn rất lớn.
Xã hội hóa để phát triển
Sở Thương mại TP Cần Thơ đã kết hợp với Viện Kinh tế TP Cần Thơ xây dựng chương trình phát triển thương mại- dịch vụ giai đoạn 2006- 2010 và tầm nhìn 2020. Đây là chương trình dựa trên cơ sở Kế hoạch 10 của Thành ủy (thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị). Trong đó, nhấn mạnh những ngành dịch vụ chủ lực như: tài chính- ngân hàng, bưu chính viễn thông và dịch vụ lợi thế gồm: thương mại, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, lao động... Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tuy mặt bằng dịch vụ có phát triển, nhưng không phải trên mọi phân ngành dịch vụ Cần Thơ đều có ưu thế hơn các tỉnh khác. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho ngành dịch vụ đến năm 2020 cần khoảng vài chục ngàn tỉ đồng. Vấn đề đặt ra là liệu ngân sách thành phố có kham nổi! Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện phó Viện Kinh tế TP Cần Thơ, cho rằng, muốn phát triển lĩnh vực dịch vụ bền vững phải dùng phương thức xã hội hóa. Mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong xu thế hội nhập, lĩnh vực dịch vụ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Theo cam kết mở cửa thị trường dịch vụ trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ (BTA), cho phép các công ty và các cá nhân Mỹ đầu tư vào thị trường của một loạt dịch vụ gồm: kế toán, quảng cáo, ngân hàng, máy tính, phân phối, giáo dục, bảo hiểm, luật và viễn thông. Còn trong thỏa thuận WTO, Việt Nam tham gia đủ 11 ngành dịch vụ lớn, mức độ cam kết gần như BTA. Trước hết, công ty nước ngoài không được hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh, trừ phi điều đó được Việt Nam cho phép trong từng ngành cụ thể. Ngoài ra, trong công ty nước ngoài ít nhất 20% cán bộ quản lý của công ty phải là người Việt Nam. Các công ty nước ngoài được phép mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng tỷ lệ phải phù hợp với mức mở cửa thị trường ngành đó, riêng ngân hàng tối đa là 30% cổ phần; dịch vụ viễn thông, các công ty nước ngoài hoạt động với điều kiện phải liên doanh với các công ty Việt Nam, vốn liên doanh tối đa là 49%.
Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ, Lê Văn Hừng, cho biết: “Tôi nghĩ để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là tạo quỹ đất xây dựng chợ, kho chứa. Có chính sách thuế hợp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính ở các cơ quan nhà nước, giảm bớt các thủ tục giấy tờ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân phát triển kinh doanh hiệu quả”. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh trong ngành dịch vụ của thành phố là doanh nghiệp nhỏ về qui mô, lao động, vốn... chưa đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước. Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ thực hiện cuộc điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2007 với đa số doanh nghiệp trong ngành thương mại- dịch vụ, cho thấy các doanh nghiệp đều ý thức được những thách thức ở phía trước và chấp nhận đương đầu với nó. Đây là nhận định tích cực giúp doanh nghiệp chủ động trong nắm bắt thị trường và có đối sách hợp lý trong kinh doanh. Hơn nữa, năm 2008, sự kiện thành phố Cần Thơ đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008 sẽ tạo điều kiện không chỉ cho dịch vụ du lịch phát triển mà còn kéo theo các ngành dịch vụ khác.
THU HÀ