07/01/2013 - 21:09

Để xứng danh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng tham quan cơ sở vật chất
của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. 

Nhiều năm qua, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng được đánh giá là "chiếc nôi" đào tạo nhân tài cho thành phố. Tuy nhiên, trong chuyến thăm và làm việc tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng vào đầu năm 2013, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho rằng việc đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người cho trường còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao của trường.

Đầu tư chưa xứng tầm

Tiền thân Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng là Trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam Bộ (giai đoạn 1962-1975); giai đoạn 1975-1990, đổi tên thành Trường Bổ túc Công nông cấp 3 và tháng 8-1990, chính thức chuyển thành Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. Đây cũng là một trong những trường chuyên THPT đầu tiên ở ĐBSCL, được xem là "chiếc nôi" nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài cho thành phố, luôn có học sinh giỏi cấp quốc gia ở các môn học, thuộc tốp 100 trường THPT có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao… Trường hiện có hơn 900 học sinh, với 108 công chức, viên chức (trong đó có 92 giáo viên); 100% giáo viên đạt chuẩn, với gần 50% giáo viên trình độ sau đại học. Cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Chuyên Lý Tự Trọng, cho biết: "Sở dĩ trường đạt nhiều thành tích do được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, ngành giáo dục và ban, ngành các cấp cũng như nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên. Năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT thành phố đã cấp mới 200 bộ bàn ghế, sửa chữa khu nhà vệ sinh dành cho học sinh, khu nội trú... Tuy vậy, cơ sở vật chất của trường còn nhỏ hẹp, thiếu sân chơi, nơi tập luyện thể dục thể thao".

Dạo quanh khuôn viên của trường mới thấy sự nhỏ hẹp, xuống cấp của trường chuyên duy nhất thành phố. Trường nhỏ, thiếu cây xanh, mặt bằng thấp hơn so với mặt đường và ngang đường thoát nước. Do vậy, mỗi khi trời mưa, toàn bộ trường ngập sâu do thoát nước chậm... Theo cô Cao Thị Ngọc Hà, với diện tích gần 7.000m2 (kể cả khu nội trú), trường có 32 phòng học, 6 phòng vi tính và thí nghiệm thực hành… Tuy nhiên, so với qui mô học sinh, số phòng học chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học nên trường phải sửa chữa hội trường thành các phòng học. Cô Hà nói: "Do trường hẹp, nhà trường phải bố trí các phòng học giáp đường xe chạy nên tiếng ồn bên ngoài ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy". Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, lý giải: "Từ những năm đầu thành lập, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng đã khác so với những trường chuyên khác ở ĐBSCL. Bởi lẽ, phần lớn các trường chuyên ở các tỉnh khác, thành lập trên cơ sở từ trường THPT trọng điểm của tỉnh, còn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng được thành lập trên nền của Trường Bổ túc công nông cấp 3 trước đây, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng trưởng thành từ ngôi trường này nên gặp ít nhiều khó khăn".

Để nâng cao chất lượng giáo dục

Vấn đề nhiều cán bộ, giáo viên và lãnh đạo thành phố quan tâm là chất lượng giáo dục Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng trong những năm gần đây có chiều hướng đi xuống; năng lực học sinh không đồng đều trong mỗi lớp chuyên. Đặc biệt là khối lớp 10 năm học 2012-2013, học sinh có lực học yếu hơn so với những năm trước. Nguyên nhân là do quy chế tuyển sinh hạ tiêu chuẩn, nhà trường chưa tìm được đối sách tuyển sinh phù hợp. Khác với những kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT trước đây, năm học này, học sinh dự thi vào Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng phải thi 4 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn chuyên). Điểm mỗi bài thi đủ để xét tuyển chỉ yêu cầu lớn hơn 2; trước đây điểm yêu cầu đối với môn chuyên là từ 6 trở lên và môn không chuyên là từ 4 trở lên... Theo thầy Đặng Bảo Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước đây ngày thi tuyển lớp 10 của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng không trùng ngày thi với các trường THPT khác ở thành phố. Học sinh có điều kiện lựa chọn nơi học nhiều hơn. Số lượng thí sinh dự thi vào trường chuyên đông, giúp trường chọn được học sinh giỏi hơn. Điểm trung bình chung của 41 học sinh sẽ khác so với 3.000 học sinh.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều phụ huynh, học sinh chưa nắm rõ thông tin tuyển sinh đầu cấp lớp 10 nên e ngại nếu không đậu trường chuyên sẽ không thể học ở trường nào khác, vì thế số học sinh dự thi vào trường khá khiêm tốn. Đã có một số môn học chuyên, trường lấy 35 học sinh/ lớp nhưng thi đầu vào chỉ có 41 em. Theo nhận định chung của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, mức tuyển đầu vào khá thấp sẽ khó "kéo" nổi chất lượng giáo dục đi lên, dù nhà trường đã rất cố gắng giảng dạy, thậm chí là "xã hội hóa giờ dạy". Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ Sinh học - Công nghệ nói: "Một nhà giáo có lòng tự trọng sẽ không khỏi đau xót trước chất lượng học sinh của mình ngày càng đi xuống. Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục trường chuyên, cần phải thay đổi cách thức, linh hoạt trong việc tuyển sinh đầu vào lớp 10". Còn theo ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, qui chế là vậy nhưng trường có thể linh động tuyển sinh phù hợp. Nếu qui định điểm đầu vào 2,5 điểm là thấp thì tại sao trường không lấy mức điểm 4,5. Phải chăng do nguồn ít nên trường tuyển không đủ chỉ tiêu? Lực lượng giáo viên của trường không thiếu, trường nên mạnh dạn giao nhiệm vụ cho những giáo viên trẻ. Những giáo viên kinh nghiệm lâu năm không nên "ôm" quá nhiều việc.

Một khía cạnh khác được đề cập là chính sách đãi ngộ giáo viên trường chuyên chưa thật tương xứng; chưa có chính sách thiết thực khuyến khích sự nỗ lực của đội tuyển học sinh giỏi. Tâm lý phụ huynh học sinh khi cho con em học trường chuyên chỉ mong muốn con thi đậu đại học, chưa quan tâm nhiều đến việc học chuyên. Trường rất muốn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên học tập kinh nghiệm quản lý, giảng dạy ở các trường bạn nhưng kinh phí quá hạn chế... Cô Cao Thị Ngọc Hà đề xuất: "Để nâng cao chất lượng giáo dục, lãnh đạo thành phố, cơ quan chủ quản cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho trường nhiều hơn, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham quan học tập kinh nghiệm, khuyến khích học sinh giỏi".

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng, thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt, là một trong những đơn vị dẫn đầu ĐBSCL về tỷ lệ học sinh đậu đại học cao. Tuy nhiên, trường cần mạnh dạn đề xuất phương án tuyển sinh, không nên quá máy móc, nếu chưa phù hợp thì cần đổi mới trong năm 2013. Trường chuyên có thể thi trước các trường khác, mở rộng tuyển sinh ngoài tỉnh nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục, trong đó có việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, dự thi các cấp. Ông Lê Hùng Dũng yêu cầu, Sở GD&ĐT thành phố cần có quy hoạch tổng thể và tham mưu với lãnh đạo thành phố, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn..., tạo điều kiện để Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng phát triển xứng tầm.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết