02/11/2010 - 21:04

Để vụ lúa đông xuân đạt hiệu quả cao

Thời điểm này, nông dân TP Cần Thơ đang khẩn trương chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân 2010-2011. Lũ về ít, tình hình sâu bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều loại chi phí sản xuất tăng... nên việc sản xuất lúa đông xuân ở TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Làm gì để giữ vững và nâng cao hiệu quả sản xuất vụ lúa này đang là vấn đề nóng bỏng...

NHIỀU KHÓ KHĂN

Năm 2011, TP Cần Thơ phấn đấu giữ vững sản lượng lúa cả năm đạt trên 1,2 triệu tấn, với diện tích gieo sạ trong cả 3 vụ (đông xuân, hè thu và thu đông) là 212.000 ha và năng suất bình quân cả năm đạt gần 6 tấn/ha (năm 2010 là 5,79 tấn/ha). Trong đó, vụ đông xuân có diện tích gieo sạ cao nhất, với 88.000 ha và phấn đấu năng suất lúa đạt 7,1 tấn/ha, sản lượng 625.000 tấn. Vụ hè thu gieo sạ 84.000 ha, năng suất dự kiến 5 tấn/ha và sản lượng 420.000 tấn. Vụ lúa thu đông sản xuất 40.000 ha, năng suất 4 tấn/ha và sản lượng 160.000 tấn.

Nông dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2010-2011. 

Dựa vào tình hình dự báo thời tiết và lịch di trú rầy nâu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ dự kiến lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2010-2011 chia làm 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 27-11 đến 2-12-2010 (22 đến 27-10 âm lịch). Đợt 2: 27-12 đến 2-1-2011 (22 đến 27-11 âm lịch). Bà Nguyễn Thị Kiều, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho rằng: Nông dân không nên xuống giống sớm trước lịch thời vụ vì có thể hứng chịu một lượng rầy nâu di trú rất cao. Còn nếu xuống giống muộn tháng 1 sẽ có nguy cơ hạn cuối vụ. Vì thế, nông dân nên tập trung xuống giống trong đợt 1 do thời tiết có nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa và hạn chế tình trạng bị hạn ở cuối vụ.

Theo Sở NN&PTNT thành phố, cơ cấu giống tiếp tục thực hiện phương châm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT: “Mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4-6 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 5-6 giống triển vọng mới; cơ cấu giống không vượt quá 15-20% toàn vùng”. Vì thế, các quận, huyện trong thành phố cần xác định cơ cấu giống cho phù hợp với địa phương theo yêu cầu; trong đó, diện tích một giống chủ lực không vượt quá 20%. Giống chủ lực gồm: Jasmine 85, OM 2517, VNĐ 95-20, OMCS 2000, OM 4900. Giống bổ sung: OM 6162, OM 1490, IR 64, VD 20, OM 7347. Giống triển vọng: OM 6073, OM 4088, OM 6377, OM 4092...

Căn cứ theo kế hoạch sản xuất lúa năm 2011 của Sở NN& PTNT, so với các vụ sản xuất năm trước, diện tích gieo xạ lúa đông xuân 2010-2011 giảm hơn 1.780 ha, lúa hè thu giảm hơn 1.900 ha. Riêng vụ thu đông dự kiến diện tích gieo sạ tăng hơn 6.300 ha. Trong khi đó, theo ngành nông nghiệp, việc sản xuất lúa trong năm 2011, nhất là vụ lúa đông xuân 2010-2011 sẽ gặp nhiều khó khăn do lũ về ít làm lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng ít, ảnh hưởng đến sản lượng và năng suất lúa; nhiều khả năng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn vào cuối vụ. Tình hình thời tiết, rầy nâu và nhiều loại sâu bệnh, dịch hại còn nhiều diễn biến phức tạp, giá nhân công cùng nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân công do việc xuống giống và thu hoạch lúa đồng loạt, giá cả đầu ra lúa gạo bấp bênh... cũng là những nỗi lo cho người nông dân trong sản xuất vụ lúa đông xuân và các vụ sản xuất khác trong năm 2011.

ĐỂ SẢN XUẤT LÚA HIỆU QUẢ

Vừa qua, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất lúa, rau màu năm 2010 và triển khai sản xuất vụ đông xuân 2010-2011; kế hoạch sản xuất năm 2011. Tại hội nghị này, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Đông xuân là vụ sản xuất lúa đạt hiệu quả cao nhất trong năm. Kết quả của nó có ảnh hưởng rất lớn đến các vụ lúa tiếp theo. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương phải có kế hoạch giúp nông dân tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa này”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, để tăng hiệu quả sản xuất và tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2010-2011 và các vụ tiếp theo trong năm 2011, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn thành phố cần có kế hoạch cụ thể trong tổ chức vệ sinh đồng ruộng, tổ chức lịch xuống giống một cách phù hợp; chủ động trong phòng chống hạn, rầy nâu và các đối tượng sâu, bệnh gây hại. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan có biện pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng, giá cả các loại vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh việc cơ giới hóa và công tác bảo quản lúa sau thu hoạch; xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất... Đặc biệt, do diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm nên cần quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị... Hiện nay, cùng với việc đẩy sản xuất lúa thường chất lượng cao, TP Cần Thơ đang có nhiều điều kiện để phát triển việc sản xuất lúa giống nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các địa phương trong thành phố: Cần có kế hoạch chủ động đối phó với các khó khăn và tổ chức sản xuất một cách chặt chẽ, tuân thủ các khuyến cáo chung của ngành nông nghiệp. Tăng cường việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng lúa và giảm tối đa các chi phí đầu vào, cũng như giảm thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra. Cụ thể như: tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng GAP, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng IPM; áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” theo hướng cải tiến, “1 phải, 5 giảm”, quản lý nước và bón phân hợp lý, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học... Năm nay, nước lũ về ít nên các địa phương phải chú ý hướng dẫn nông dân làm tốt việc vệ sinh đồng ruộng, xới, trục nhận hết rơm rạ để diệt các mầm sâu, bệnh và tránh lúa bị nhiễm độc hữu cơ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chọn sạ các giống lúa tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt né rầy, có kế hoạch chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, trong tình hình diện tích sản xuất lúa giảm và việc sản xuất có nhiều khó khăn, để giữ vững sản lượng và nâng cao chất lượng, thu nhập đòi hỏi người trồng lúa phải áp dụng tốt hơn các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến việc sản xuất theo hướng hiện đại, hội nhập gắn việc sản xuất với việc tiêu thụ sản phẩm.

Bài ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết