Vụ lúa thu đông 2023 được thu hoạch dứt điểm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đánh giá là vụ lúa được mùa, cho lợi nhuận khá cao. Kết quả này là nhờ chuyển đổi thời vụ, xuống giống né rầy, dịch hại, với cơ cấu giống phù hợp... Tiếp nối niềm vui trên, nông dân TP Cần Thơ khẩn trương chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2023-2024 sắp tới.

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) chuẩn bị đất gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong năm 2023, toàn thành phố có diện tích sản xuất lúa là 216.215ha, thấp hơn 169ha so với năm 2022, đạt 106% so với kế hoạch năm. Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa thu đông (vụ 3) đã thu hoạch dứt điểm, năng suất trung bình đạt 55,07 tạ/ha, tương đương so với cùng kỳ năm 2022. Giá lúa khô hiện tại ổn định, cụ thể giống OM5451 có giá từ 8.300-8.500 đồng/kg, OM18 từ 8.500-8.800 đồng/kg, giống Đài Thơm 8 từ 8.600-8.900 đồng/kg và giống IR50404 từ 8.200-8.400 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thu được lợi nhuận khá cao so với vụ lúa thu đông 2022. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trên đồng ruộng, hiện tại mực nước nội đồng đang ở mức cao, đây là thời điểm thuận lợi để bà con tập trung vệ sinh đồng ruộng, diệt ốc bươu vàng, diệt chuột… Sở NN&PTNT đề nghị ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn nông dân thu gom tiêu diệt ốc bươu vàng bằng nhiều biện pháp, như cắm cọc cho ốc đẻ trứng, thu gom tiêu diệt trứng ốc, đặt lưới; tổ chức diệt chuột cộng đồng, thường xuyên bằng nhiều biện pháp, đồng thời tranh thủ các đợt triều cường đưa nước vào ruộng để vệ sinh đồng ruộng và tăng lượng phù sa cho đất…
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: “Các vụ lúa vừa qua, nông dân TP Cần Thơ đạt được kết quả cao là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND thành phố, ngành Nông nghiệp, sự phối hợp của các ban ngành chức năng và các địa phương trong chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, phòng chống dịch bệnh, vận động nông dân gieo sạ tập trung né rầy; sự chỉ đạo sâu sát, nhạy bén của ngành Nông nghiệp, nhất là năng lực của đội ngũ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tổ chức phòng chống dịch hại theo hướng an toàn sinh thái. Nông dân cũng tích cực hợp tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sản xuất sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ từ rơm… nên chi phí sản xuất giảm, năng suất và lợi nhuận tăng cao”.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2023-2024, TP Cần Thơ có kế hoạch gieo sạ với diện tích 74.040ha, sản lượng ước 533.088 tấn. Lịch thời vụ xuống giống được các địa phương bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp “Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng”, chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen. Lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024, gồm: đợt I từ 15 đến 22-11-2023 (từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 10 âm lịch). Đợt II từ ngày 2 đến ngày 8-12-2023 (từ ngày 20 đến 26 tháng 10 âm lịch). Các địa phương nên vận động bà con xuống giống tập trung đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách vụ, hiệu quả sản xuất, chất lượng hạt lúa và hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời, các địa phương thuộc TP Cần Thơ cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, thời gian giãn cách giữa hai vụ lúa tối thiểu 3 tuần, xuống giống theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ của ngành Nông nghiệp.
Để chuẩn bị nguồn giống tốt, đảm bảo yêu cầu chất lượng cho vụ đông xuân 2023-2024, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện vận động nông dân chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất 2 hoặc 3 vụ/năm, nhằm đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 3 tuần. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên để gieo sạ; xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2023-2024 đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường, giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 5451, OM 18; xây dựng vùng sản xuất giống lúa đặc sản, chất lượng cao, xây dựng kế hoạch sản xuất và chăm sóc để quản lý dịch hại, bảo vệ năng suất, sản lượng và an toàn cho sản xuất các vụ sau…
Ông Nguyễn Văn Sử nhấn mạnh: ngành Nông nghiệp các quận, huyện cần tập trung thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới như tổ chức điều hành, theo dõi chặt chẽ tình hình gieo sạ, điều tra dự báo dịch hại, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trị và đánh giá hiệu quả theo hướng an toàn sinh thái. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về thời vụ, giống lúa để quản lý tốt dịch bệnh, đặc biệt là rầy nâu và muỗi hành. Tập trung nguồn lực tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”… nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất cho nông dân. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn ngừa tình trạng giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Bài, ảnh: HÀ VĂN