19/01/2018 - 21:29

Để Tết trọn vui 

Do hoàn cảnh sống, làm việc xa nhà nên nhiều cặp vợ chồng phải tính toán, cân nhắc để về quê đón Tết sao cho thuận lợi, tiết kiệm. Tuy vậy, không phải cặp đôi nào cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng bất đồng ý kiến vì chuyện ăn Tết quê nội hay quê ngoại, khiến gia đình mất đi không khí mùa Xuân…

Tết nội, Tết ngoại

Chị H. ở Cần Thơ nhưng lập gia đình và làm việc tại TPHCM. Chồng chị là con trai lớn, còn 2 em trai chưa lập gia đình. Là con dâu đầu nhưng do yêu cầu công việc, vợ chồng chị ở riêng sau ngày cưới. Tuy vậy, mỗi năm Tết đến, anh chị lại đau đầu vì ông bà yêu cầu mỗi ngày phải chở 2 cháu sang nhà chơi. Trong khi đó, chị H. mồ côi cha từ nhỏ, mẹ chị sống với em trai út chưa lập gia đình, nhà cửa rất đơn chiếc. Chị H. muốn đưa các cháu về ngoại vài ngày để mẹ vui. Tết nào cũng vậy, chị H. đưa con về quê hôm trước, lập tức hôm sau, ông bà nội điện thoại "điểm danh" liên hồi. Vì chuyện đó mà năm nào, vợ chồng chị H. cũng xảy ra mâu thuẫn.

Các cặp đôi cần trao đổi, sắp xếp để dù ăn Tết ở đâu thì gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm.Các cặp đôi cần trao đổi, sắp xếp để dù ăn Tết ở đâu thì gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm.

Chị Th. cũng trĩu đầy tâm sự khi Tết đến. Quê chị Th. ở tỉnh Vĩnh Long, làm dâu Bến Tre. Dù chỉ qua phà Đình Khao là có thể về nhà nhưng 7- 8 năm qua, chị Th. chưa về ăn Tết nhà ngoại. Chị làm dâu út, ở nhà thờ. Năm nào con cháu nhà chồng cũng về ăn Tết với cha mẹ chồng chị từ hai mấy đến hết Tết, chị phải ở bên chồng để lo nấu nướng, cúng kiếng. Dù biết vợ buồn nhưng chồng chị cũng không dám ý kiến bởi cha mẹ anh rất khó tính.

Chị L. quê tỉnh Hậu Giang, anh H. chồng chị gốc Bắc. Sau khi kết hôn, anh chị sinh sống và làm việc tại Cần Thơ. Cưới nhau 5 năm nhưng chị mới về quê ăn Tết với nhà chồng năm đầu tiên. Thứ nhất do điều kiện kinh tế, chỉ riêng tiền vé máy bay đi về dịp Tết, thêm tiền quà, mừng tuổi em cháu nhà anh H. cũng "ngót nghét" hơn chục triệu đồng. Thứ hai, chị L. ngại, do không rành bếp núc, sắp xếp cúng kiếng ngày Tết theo phong tục nhà chồng. Do đó, chị thường "rủ rê" anh về Hậu Giang ăn Tết nhà mẹ ruột, gởi quà biếu nhà chồng. Năm nay, chị H. "bổn cũ soạn lại" kế hoạch ăn Tết nhà ngoại, giữa hai bên xảy ra bất đồng, bởi anh H. rất nhớ nhà. Anh nhất mực "phân công", anh sẽ ăn Tết nội, còn mẹ con chị ăn Tết ngoại.

Sắp xếp chu đáo

Năm trước, chị H. cương quyết cùng 2 con ăn Tết nhà ngoại dù biết ông bà nội... không vui. Chồng chị "liều một phen" bởi thương vợ nhẫn nhịn nhiều năm. Ông bà nội mong ngóng gọi điện năm lần bảy lượt. Tuy giận nhưng ngẫm lại tội nghiệp con dâu, phần vì thương cháu, ông bà nội vội vàng từ TPHCM về ăn Tết với sui gia Cần Thơ đến... hết mùng. Tết này, chị H. mời cha mẹ chồng về quê ăn Tết, ông bà vui vẻ nhận lời. Chồng chị H. vui nhất vì vấn đề đau đầu của anh nhiều năm qua đã được giải quyết.

Cũng cưới nhau rồi lập nghiệp ở xa nhưng anh Kh. và chị C. biết sắp xếp hợp lý nên việc ăn Tết đối với anh chị khá nhẹ nhàng. Anh Kh. quê  Sóc Trăng, còn chị C. quê Tiền Giang. Cả hai đang sống, làm việc tại Cần Thơ. Ba anh Kh. mất sớm, mẹ đang sống với em trai út tại TPHCM nên mỗi dịp Tết, anh chị tính toán kỹ lưỡng thời gian thích hợp để ăn Tết hai bên. Anh Kh. tâm sự, lúc đầu, anh cảm thấy lúng túng vì khoảng tầm 28, 29 Tết, công ty anh mới được nghỉ. Kỳ nghỉ Tết kéo dài 5-7 ngày, thời gian còn lại phải dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi, để làm việc sau Tết. Tùy năm có 30 Tết hay không, anh chị sẽ đi TPHCM sáng hoặc chiều 29 Tết để đón giao thừa cùng mẹ. Đến chiều mùng 2, về Tiền Giang ăn Tết cùng gia đình vợ khoảng 3 ngày rồi trở lại Cần Thơ.

Hai vợ chồng anh Th. đều quê miền Bắc, mấy năm qua anh chị không về quê ăn Tết do điều kiện kinh tế. Tuy vậy, anh chị luôn sắp xếp để gia đình luôn có không khí mùa Xuân. Sau khi chuẩn bị quà Tết hai bên, anh chị mua mâm ngũ quả, chuẩn bị thực phẩm nấu mâm cỗ cúng ông bà. Những ngày Tết, anh chị cùng thăm các thắng cảnh đẹp ở Cần Thơ và lân cận; hoặc ghé chơi, chúc Tết bạn bè đồng nghiệp. Có năm, anh chị đến nhà chú ruột của anh ở tỉnh Kiên Giang chơi 1-2 ngày, xem như có vị Tết quê. Tuy có buồn nhưng bù lại, sau Tết, anh chị sắp xếp để về quê thăm ông bà, ít tốn kém và đỡ vất vả hơn.

Tết Nguyên đán được xem là dịp đoàn tụ nên hầu như ai cũng muốn được ở bên người thân ruột thịt. Nếu không được như mong muốn thì dễ nảy sinh mâu thuẫn, giận hờn, cho rằng đối phương xem trọng gia đình mình hơn là gia đình vợ/chồng. Tuy vậy, vợ chồng nên cảm thông, tùy hoàn cảnh, điều kiện, sắp xếp hợp lý để hai gia đình thông cảm. Dù chọn ăn Tết ở đâu, vợ chồng cũng cần có sự bàn bạc để tìm được tiếng nói chung. Việc này không chỉ tránh những rắc rối phát sinh, còn thắt chặt thêm tình cảm vợ chồng, để ngày Tết thật sự trọn vui, ý nghĩa.

 Hải Thư

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
gia đình