16/12/2018 - 07:43

Để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng phức tạp, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết 120) ban hành ngày 17-11-2017 được xem là quyết sách cho vùng. Mới đây, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120”. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến của lãnh đạo một số tỉnh, thành, các chuyên gia đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 trong thời gian tới.

 

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: Thống nhất cơ bản trước khi thực hiện những vấn đề lớn

Để thực hiện thành công và hiệu quả Nghị quyết 120, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cụ thể, vấn đề thay đổi tư duy và quán triệt của nhà quản lý, nhà khoa học và rộng rãi trong cộng đồng, đến từng người dân về Nghị quyết thiết nghĩ cần phải có kế hoạch đồng bộ. Đã có những ý kiến khác nhau khi nói về quan điểm “thuận thiên”, về kịch bản thích nghi với BĐKH… Vì vậy, các bên có liên quan cần có sự thống nhất cơ bản trước khi thực hiện những vấn đề lớn. Sự thay đổi quan điểm liên quan đến nhận thức về mặn - hạn - lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và những chủ trương, chương trình hành động cụ thể. 

Đối với các tỉnh, thành, bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của địa phương như trước đây, cũng nên có biện pháp thống nhất khi thực hiện các đề tài có tính chất liên vùng và tiểu vùng. Đồng thời, định kỳ có sơ kết, tổng kết để đánh giá và ứng dụng kịp thời cũng như ghi nhận những phát sinh mới từ thực tế. Bên cạnh đó, cần có chính sách cho các đơn vị ở ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết. Cần có đề án liên kết tiểu vùng. Có 4 tiểu vùng tại ĐBSCL, làm sao phối hợp đồng bộ 4 tiểu vùng và có cái nhìn rộng hơn ở 4 tiểu vùng này.

Với nhiệm vụ được phân công là đào tạo nguồn lực chất lượng cao, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, Trường Đại học Cần Thơ luôn sẵn sàng đóng góp hết khả năng về khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia nhằm góp phần thành công tốt nhất nội dung của Nghị quyết 120.

 

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ: Chương trình, kế hoạch của địa phương cần quan tâm 3 vấn đề

Các địa phương cần rà soát lại những kế hoạch, chương trình trong thời gian qua. Những nội dung phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120, tiếp tục triển khai và mở rộng. Những nội dung không phù hợp, cần đánh giá lại hoặc điều chỉnh, nếu trái tinh thần Nghị quyết thì nên bãi bỏ. Đặc biệt, các chương trình, kế hoạch địa phương cần quan tâm đến 3 vấn đề: 

Thứ nhất, quản lý tốt tài nguyên nước, không để thất thoát nước và xây dựng những công trình để tích nước cho những vùng sinh thái khác nhau.

Thứ hai, đẩy mạnh khai thác năng lượng tái tạo. Đây là cách tận dụng những bất lợi của BĐKH mang lại tạo thành lợi thế cho chúng ta. Chẳng hạn, BĐKH làm nhiệt độ tăng lên, thời gian nắng nhiều hơn phù hợp phát triển năng lượng mặt trời. Khi gió bão nhiều hơn, gió mạnh hơn, có thể phát triển điện gió. Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có ưu đãi về chính sách mua giá điện, phân phối điện, thuế cho nhà đầu tư…

Thứ ba, hoàn thiện quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thích hợp với BĐKH. Trước đây phát triển quy hoạch thực hiện đơn ngành, mỗi ngành làm quy hoạch riêng. Quy hoạch đơn ngành đôi khi đối chọi nhau, hoặc không tận dụng lợi thế của các ngành khác. Việc tích hợp giúp phối hợp tất cả các ngành và giúp các nhà khoa học, nhà quản lý có những góc nhìn khác nhau, tránh những sai lầm trùng lắp giữa ngành này, ngành khác và phối hợp lợi thế của tất cả các ngành. Đây là chiến lược lâu dài cho vùng ĐBSCL. Chúng ta không nên đầu tư những công trình quá lớn mang tính dài hạn. Bởi phía trước còn nhiều điều bất ổn, không chắc chắn. Các giải pháp dựa vào tinh thần Nghị quyết 120 “không hối tiếc hoặc ít hối tiếc”. Do vậy, các giải pháp phát triển bền vững, thích ứng BĐKH của vùng nên đi theo phương châm thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái là chính.


Tình hình sạt lở tại khu vực ĐBSCL diễn ra ngày càng phức tạp.

 

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Cần có Ban Điều phối để triển khai Nghị quyết 120 tập trung hơn

Thực hiện Nghị quyết 120, Kiên Giang cụ thể hóa với tinh thần “chủ động - thích ứng”, nhằm mục tiêu cuối cùng là “phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; lấy người dân làm trọng tâm, góp phần nâng cao sinh kế và nâng mức sống của người dân nông thôn, từng bước tiếp cận mức sống của người dân đô thị”.

Trên cơ sở “chủ động thích ứng” cùng với các điều kiện đang có, Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông, lâm, thủy sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo. Do vậy, nếu được “chủ động - thích ứng” (hoàn toàn), cùng với phát huy tiềm năng, thế mạnh chúng ta sẽ chuyển hóa được thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định của người dân. Từ đó, góp phần cho ĐBSCL phát triển bền vững và “an toàn, thịnh vượng”.

Từ thực tiễn của Kiên Giang, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 120 cần thành lập Ban Điều phối thực hiện Nghị quyết này để việc triển khai các quyết sách được tập trung hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào “hạ tầng giao thông, thủy lợi”. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH chung cho toàn vùng.

 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"

Một trong những ưu tiên hàng đầu là chúng ta cần thống nhất sớm hiện thực hóa quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH (tháng 9-2017) thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc trưng và điều kiện của vùng. Đó là, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Và một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hóa quan điểm đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi.

Tư duy sản xuất đã định hình trong một thời gian dài với tôn chỉ "lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu" của chính quyền, ngành chuyên môn và người nông dân, câu chuyện lúa 3 vụ là minh chứng rõ nét. Giờ là lúc chúng ta cùng nhau hành động để biến tư duy kinh tế thành hiện thực cho nền nông nghiệp của đồng bằng. Tư duy kinh tế cần và phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học. Vì vậy, trong khi chúng ta kiến nghị có một cơ chế điều phối cấp vùng trong điều kiện còn rất nhiều điều băn khoăn, lúng túng về cơ chế, thể chế, thì tại sao không hình thành một thiết chế với tên gọi "hiệp hội cho từng ngành hàng chủ lực" trong vùng? Đây chính là thiết chế đa thành phần, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý chuyên ngành và những người nông dân, mà đại diện là các hợp tác xã, Hội quán. Tin rằng, nếu chúng ta "chịu" hợp tác với nhau thì các doanh nghiệp, các nhà khoa học sẽ nhiệt thành tham gia. Từ những hiệp hội ngành hàng như vậy, chúng ta nối kết được sức mạnh, làm lan tỏa "tư duy kinh tế" đến người sản xuất và sẽ có những khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ phù hợp với thực tiễn của đồng bằng từ những kinh nghiệm và cách làm cụ thể.

T. TRINH (lược ghi)

Chia sẻ bài viết