15/09/2016 - 21:41

Để nông dân yên tâm sản xuất giống lúa mới, triển vọng

Chọn giống lúa triển vọng có đặc tính tốt, thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân gia tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập là nhu cầu bức thiết. Song, các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ từ việc liên kết sản xuất, tìm đầu mối tiêu thụ ổn định,… để nông dân yên tâm sản xuất giống lúa mới, triển vọng.

Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ vừa phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội thảo đánh giá mô hình trình diễn giống lúa vụ hè thu năm 2016. Hội thảo là một trong những chương trình nằm trong đề án "Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại TP Cần Thơ" được phê duyệt tại Quyết định số 3384/QĐ-UBND ngày 28-10-2013 của UBND TP Cần Thơ. Hội thảo tạo cơ hội cho nông dân tiếp xúc và trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia về đặc tính, năng suất, cách phòng và trị bệnh đối với các giống lúa đang canh tác hay các giống lúa mới, triển vọng được tuyển chọn trình diễn vụ hè thu năm 2016.

Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân trồng lúa, Trung tâm phối hợp cùng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long khảo nghiệm thực tế 16 giống lúa và chọn ra 4 giống lúa (OM 9921, OM 9582, OM 189 và OM 99) với những đặc tính tốt để trình diễn trong vụ hè thu năm 2016 tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai. Trong 4 giống lúa nêu trên, 2 giống lúa OM 9921 và OM 9582 với thời gian sinh trưởng từ 92-100 ngày, ít sâu bệnh, phẩm chất gạo trắng, đẹp, mềm cơm… được nông dân đánh giá cao và lựa chọn nhiều.

 Nông dân tham gia đánh giá mô hình trình diễn giống lúa vụ hè thu năm 2016 tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai.

Gia đình anh Phạm Văn Huấn, ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, có khoảng 2,7ha đất chuyên trồng giống lúa OM 5451, năng suất thu hoạch vụ hè thu đạt từ 700-800kg/công (1.000m2/công); vụ đông xuân đạt hơn 1 tấn/công. Phần lớn sau khi thu hoạch, nông dân bán lúa tươi trực tiếp cho thương lái với giá từ 4.200-4.500 đồng/kg. Theo anh Phạm Văn Huấn, chọn giống lúa mới có khả năng thích ứng với vùng đất sét hay phèn, nhất là năng suất và chất lượng cao tại địa phương là điều rất có lợi cho nông dân. Nhưng cái khó là đến mùa thu hoạch, thương lái thường không chịu mua các giống lúa mới hoặc ép nông dân bán lúa tươi với giá rẻ. Vì vậy, các ngành chức năng cần giúp nông dân tìm đầu ra ổn định, tránh tình trạng thương lái ép giá,... Nếu làm được điều này, nông dân sẽ mạnh dạn ứng dụng giống mới để sản xuất.

Ông Tô Thành Mông, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: HTX Thới Tân được thành lập năm 2012, gồm 52 thành viên, có trên 82ha đất chuyên trồng lúa. Hiện tại, HTX Thới Tân sản xuất 2 giống lúa chủ lực là OM 5451 và OM 4218, năng suất đạt khoảng 8 tấn/ha. Điểm nổi trội của 2 giống lúa này là chịu được phèn, thích ứng với vùng đất sét của địa phương nên được nông dân cũng như các thành viên HTX lựa chọn sản xuất nhiều. Qua mô hình trình diễn thực tế 4 loại giống lúa OM 9921, OM 9582, OM 189 và OM 9915 trong vụ hè thu năm 2016 do Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ phối hợp cùng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện, giống lúa OM 9582 với thời gian sinh trưởng hơn 90 ngày, ít sâu bệnh, không bị cháy lá, bông đều, hạt lúa đẹp, nâng suất đạt khoảng 1 tấn/công… được bà con nông dân HTX Thới Tân đánh giá khá tốt. Vì vậy, vụ đông xuân tới, HTX Thới Tân sẽ đưa giống lúa OM 9582 vào sản xuất với diện tích khoảng 20ha. Ngoài ra, HTX Thới Tân phối hợp cùng các đơn vị có liên quan và tranh thủ sự hỗ trợ các ngành chức năng để quảng bá, giới thiệu giống lúa mới đến các doanh nghiệp chuyên thu mua lúa gạo trên địa bàn thành phố… Từ đó, tạo cơ hội cho HTX Thới Tân tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy phát triển quy mô sản xuất các giống lúa mới để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Theo ông Tô Thành Mông, các giống lúa triển vọng có nhiều đặc tính tốt, năng suất và chất lượng cao hơn so với các giống cũ và nhất là thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nhưng, nhiều nông dân còn e ngại chưa mạnh dạn sử dụng giống lúa mới do khó tìm được thị trường tiêu thụ. Do đó, các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ trong việc định hướng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để nông dân yên tâm sản xuất giống lúa mới, triển vọng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết