18/09/2021 - 12:27

Để ngôi nhà luôn là “tổ ấm” 

Dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài khiến tâm lý nhiều người mệt mỏi, dễ cáu gắt. Thậm chí, nhiều gia đình phát sinh mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm chỉ vì những việc rất nhỏ…

Áp lực

Chị P.Th ở quận Ninh Kiều, làm kế toán cho một công ty tư nhân, chồng chị làm thợ sửa điện, nước. Trong gia đình, ngoài 2 con nhỏ, còn có bà nội chồng năm nay đã 80 tuổi. Căn nhà 40m2 với 2 phòng ngủ, bà nội ngủ riêng 1 phòng, cả nhà chị P.Th gom lại 1 phòng. Bình thường, vợ chồng đều đi làm, hai con cũng được gởi về nhà ngoại, tan làm chị mới đón các con về nhà. Từ khi dịch xảy ra, vợ chồng phải tạm ngừng công việc, ngoài mất thu nhập, anh chị hay xảy ra tranh cãi vì chuyện lặt vặt trong nhà như chuẩn bị bữa cơm, làm việc nhà, chơi với con… Ðặc biệt, anh Ng, chồng chị P.Th, rất mê game, hễ vào “trận” là phải cho hết lượt mới nghỉ. Vì vậy, nhiều khi chị nhờ việc, anh chỉ ậm ừ cho qua. Cũng vì mê game, vừa rồi trong lúc anh trông con, do không chú ý nên bé út bị bỏng nước sôi, vợ chồng “khẩu chiến” một trận. Trong lúc nóng giận, chị P.Th đã nặng lời với chồng.

Vợ chồng anh Kh và chị Ng, ở quận Cái Răng, có 2 con đang học cấp hai. Ngoài ra, anh chị còn cho em trai út của chồng sống cùng trong thời gian học đại học. Ban đầu, khi dịch bệnh mới xảy ra, em chồng có ý định về quê sớm để tránh dịch, nhưng anh Kh sợ về quê sẽ lây mầm bệnh cho gia đình nên ngăn lại. Ðến khi quê anh Kh cũng xảy ra dịch, tạm thời việc tiếp nhận người dân địa phương về quê rất khó, nên em chồng chị Ng bị “mắc kẹt” lại dài hạn. Trước kia, người đi học, người đi làm, các thành viên ít khi gặp mặt. Còn hiện tại, suốt ngày quẩn quanh trong nhà, hai bên có nhiều điều không hài lòng về nhau. Gia đình lắm lúc mất đi hòa khí.

Mâu thuẫn của vợ chồng chị K.C ở quận Cái Răng, không xuất phát từ nội bộ gia đình mà từ… hàng xóm. Dù trong thời điểm giãn cách xã hội, nhưng một số người trong xóm vẫn vô tư đi tập thể dục. Thậm chí, ngày rằm, ngày lễ còn nấu chè mang sang biếu hàng xóm, trong đó có gia đình chị. Khi hàng xóm gõ cửa, vì phép lịch sự chị phải nhận quà và cảm ơn. Hàng xóm chưa kịp về, anh B, chồng chị đã phản ứng mạnh, yêu cầu chị không được giao du với hàng xóm trong thời gian giãn cách xã hội, khiến chị mất mặt. Vì chuyện này mà anh chị “chiến tranh lạnh”, hai đứa con cũng bị ảnh hưởng bởi cha mẹ không nói chuyện cùng, không ăn cơm chung mâm.

San sẻ yêu thương

Chị K.C chia sẻ, sau sự việc trên, chị nhắn tin, góp ý nhờ tổ dân phố tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người hiểu về các quy định phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội “ai ở đâu ở đó”, “nhà cách ly với nhà”,… không làm khách nhà hàng xóm, bởi đây là hành vi hoàn toàn sai. Nhân lúc tâm trạng chồng vui vẻ, chủ động làm lành, chị K.C phân tích để chồng nhận ra thái độ thiếu tế nhị với hàng xóm là điều không hay. Một mặt, chị K.C cũng nhắn tin xin lỗi chị hàng xóm với lời hẹn: “Khi hết dịch...”. Mọi người xí xóa giận hờn, bởi nghĩa tình chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau.

Dù rất giận chồng sau sự việc con bị bỏng nhưng chị P.Th cố gắng bình tĩnh để nói chuyện phải quấy với anh. Chị tâm sự, bản thân không muốn lớn tiếng với chồng, nhất là trước mặt bà nội chồng vì làm thế có khi bà cảm thấy tủi thân. Gạt đi những tự ái, vợ chồng anh chị cố gắng sắp xếp để gia đình thuận hòa. Anh chị thống nhất, sau này, anh chỉ được chơi game trong một khung giờ nhất định và phải san sẻ việc nhà, cùng vợ chăm sóc con.

Trước xung đột của chị dâu - em chồng, anh Kh chỉ còn biết gọi điện nhờ mẹ khuyên giải với hai người. Mẹ chồng chị Ng rất tâm lý. Bà chủ động trò chuyện với con trai út, khuyên con tiếp anh chị làm việc nhà, hướng dẫn hai cháu học, nhất là khi anh học ngành công nghệ thông tin thì sẽ hỗ trợ các cháu khi học trực tuyến…

Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, mỗi gia đình nên chủ động sắp xếp kế hoạch sinh hoạt, để thích nghi với môi trường, hoàn cảnh. Thay vì cắn đắn, hãy cùng san sẻ yêu thương để ngôi nhà luôn là “tổ ấm”, là “pháo đài” của mỗi thành viên.

TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết