04/02/2025 - 09:33

Đề nghị xây dựng và phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực 

Ðại biểu HÐND thành phố đề nghị nghiên cứu xây dựng và phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực của ngành Nông nghiệp. Nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố như sau:

Ngành Nông nghệp hỗ trợ địa phương xây dựng và đã cấp 212 mã số vùng trồng với tổng diện tích là 2.824ha. Trong đó, các cây chủ lực như nhãn, vú sữa, xoài, sầu riêng… Về truy xuất nguồn gốc nông sản, nông nghiệp dựa trên mã QR, ngành phối hợp với các đơn vị triển khai thu thập, cung cấp dữ liệu, đồng bộ hóa các dữ liệu để tích hợp các lớp bản đồ số phục vụ công tác quản lý. Triển khai thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về việc thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2030. Ðến nay đã cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho 238 chủ thể sản xuất, kinh doanh với 580 sản phẩm.

Thực hiện Kế hoạch số 68/KH-UBND của UBND thành phố về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Cần Thơ giai đoạn 2022-2025; trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa mang thương hiệu của thành phố, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm rau, cây ăn trái. Ðồng thời, tích cực đẩy mạnh thực hiện xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm thủy sản trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện nâng cao phát triển giá trị sản phẩm thủy sản…

Ðến nay, đã chọn tạo và phát triển 4 dòng gạo đặc trưng, phù hợp với điều kiện canh tác của thành phố; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho HTX, như: xoài Lộc Hưng, nhãn thanh Hữu Tâm, mãng cầu Thới Hưng, vú sữa Trường Khương A, nhãn Nhơn Nghĩa,... Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” và phối hợp Viện lúa triển khai dự án tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao để mang nhãn hiệu này. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho HTX Ðồng Vạn với nhãn hiệu gạo Ðồng Vạn; phối hợp với IRRI xây dựng nhãn hiệu gạo hướng theo tiêu chuẩn SRP (theo Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế) cho HTX Hiếu Bình và xây dựng giá thể hữu cơ từ rơm rạ với nhãn hiệu Newgreenfarm.

Ðồng thời, đã xây dựng 143 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 36.471ha và vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với diện tích trên 12.000ha; hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ cho 5 nhãn hiệu/năm đối với các HTX, cơ sở nuôi thủy đặc sản gắn với nhãn hiệu thủy đặc sản Cần Thơ. Ngoài ra, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP để phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng của thành phố (đến nay, thành phố có 153 sản phẩm OCOP, với 78 chủ thể; xây dựng và phát triển mô hình 110 chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 303 sản phẩm)…

Chia sẻ bài viết