19/08/2016 - 21:51

Nhịp cầu dân cử

Đề nghị xây dựng thương hiệu lúa xuất khẩu

Cử tri huyện Thới Lai, huyện Phong Điền, và huyện Vĩnh Thạnh đề nghị thành phố quan tâm xây dựng thương hiệu cho từng loại giống lúa xuất khẩu của Việt Nam. Nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố như sau:

Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam hiện đang rất cần thiết. Ngày 21-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 706/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai Đề án "Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại TP Cần Thơ" giai đoạn 2014 – 2016. Đồng thời, đã xây dựng và triển khai Đề án "Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ".

Qua triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại TP Cần Thơ", giai đoạn 2014 - 2016, ngành nông nghiệp phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL tổ chức đánh giá, tuyển chọn xây dựng bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao, khả năng thích ứng tốt, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đưa vào phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Nội dung của đề án tập trung:

-Phát triển giống lúa Cần Thơ được công nhận giống chính thức (giống Quốc gia).

- Liên kết doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo Cần Thơ giúp nông dân định hướng sản xuất tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập.

-Tiếp tục mở rộng việc tái thiết và xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo hướng GAP khoảng 3.000 ha; trong đó, có khoảng 1.000 ha sử dụng các giống lúa đặc trưng Cần Thơ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng chuỗi liên kết lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn. Bước đầu đã hình thành hợp tác, liên kết của các thành phần kinh tế từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là phong trào cánh đồng lớn được xây dựng từ vụ hè thu 2011 (quy mô 400 ha). Đến vụ hè thu 2016 tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất 82 mô hình với diện tích 18.371 ha, 14.559 hộ tham gia (tăng 17.971 ha, 14.353 hộ so với thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình). Trong đó, có 63 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP, với nhiều doanh nghiệp tham gia cung ứng đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo của thành phố…

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ"; trong đó, có nội dung xây dựng thương hiệu lúa gạo Cần Thơ, giống lúa Cần Thơ 1 dự kiến ban đầu không đảm bảo được tác quyền về tên gọi do Viện Lúa ĐBSCL đã báo cáo công nhận sở hữu của Viện với tên gọi là OM7347. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư đang liên hệ với tác giả xin lại hạt gốc để tiến hành khảo nghiệm tiếp theo để xin công nhận giống mới. Qua trao đổi với tác giả, giống lúa Cần Thơ 2 đã được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng phía Nam đề nghị lập hồ sơ công nhận cấp khu vực do tác giả đã duy trì khảo nghiệm hơn 4 năm và đã đạt yêu cầu. Do đó, thành phố cần trao đổi với tác giả về bản quyền và kinh phí đã chi khảo nghiệm; đồng thời, lập hồ sơ xin công nhận giống mới với tên gọi Cần Thơ theo mục tiêu của Đề án...

Chia sẻ bài viết