26/06/2019 - 18:26

Đề nghị đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Cử tri quận Ninh Kiều đề nghị đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Nội dung trả lời của Sở Tư pháp thành phố như sau:

Ngay từ đầu năm 2019, Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019. Trong đó, đề ra nhiệm vụ trọng tâm về PBGDPL, các hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Kế hoạch xác định nội dung về tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp năm 2013, các văn bản luật mới ban hành; quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về biển, đảo; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội…

Ngoài ra, để tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho từng nhóm đối tượng cụ thể, Sở Tư pháp đã ký kết các kế hoạch, chương trình phối hợp và đang triển khai thực hiện đến từng nhóm đối tượng, như: Kế hoạch số 942/KH-STP-HLHPN “Về công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, giai đoạn 2018-2022” năm 2019 cho đối tượng cán bộ hội viên phụ nữ; kế hoạch phối hợp số 939/KHPH-BDT-STP tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng người dân tộc thiểu số; kế hoạch phối hợp thực hiện chuyên mục “Phổ biến pháp luật” nhằm tuyên truyền rộng rãi các quy định pháp luật cần thiết, gắn với đời sống sinh hoạt của người dân…

Một số kết quả đạt được  như sau: Tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến 9 văn bản luật được Quốc hội thông qua; phối hợp tuyên truyền được 3.675 cuộc, có 148.717 lượt người dự; phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” do Bộ Tư pháp tổ chức qua Cổng thông tin điện tử của Bộ; tiếp tục phát huy đối với mô hình “Câu lạc bộ pháp luật”; duy trì hoạt động của mô hình “Quán cà phê pháp luật”, “Điểm hẹn pháp luật”. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, như: sử dụng các cổng thông tin, trang thông tin điện tử của từng ngành, địa phương; quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt chú trọng hình thức tuyên truyền qua hệ thống Đài Truyền thanh, loa truyền thanh xã, phường, thị trấn…

Chia sẻ bài viết