06/06/2010 - 20:08

Để mối liên kết giữa ngành công thương TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL ngày càng phát huy hiệu quả

Liên kết tổ chức các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc tế là một trong những giải pháp góp phần phát triển ngành công thương ĐBSCL. Trong ảnh: Hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 tại TP Cần Thơ. Ảnh: T.LONG

Sở Công Thương TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa Sở Công Thương TP Cần Thơ với Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL, giai đoạn 2008-2009. Tại hội nghị này, nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề: Làm gì phát huy hiệu quả sự liên kết để phát triển ngành công thương ĐBSCL trong thời gian tới?

* ÔNG LÊ TẤN LỰC, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH TRÀ VINH: Các chương trình, kế hoạch hợp tác phát triển phải dựa vào thế mạnh của địa phương

Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh và TP Cần Thơ ký kết chương trình hợp tác phát triển ngành công thương giữa hai địa phương vào năm 2008. Kết quả nổi bật của việc ký kết này, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp giữa hai địa phương tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 4 doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã và đang tham gia đầu tư khá hiệu quả vào các lĩnh vực: chế biến thủy sản; xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ... hứa hẹn sự hợp tác, phát triển ngành thương mại, công nghiệp giữa tỉnh Trà Vinh và TP Cần Thơ trong thời gian tới.

Để chương trình hợp tác phát triển đã ký kết giữa ngành công thương TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh ngày càng phát huy hiệu quả, trong những năm tiếp theo cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng năm. Các chương trình, kế hoạch này phải dựa trên thế mạnh của ngành công thương TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, ngay trong năm 2010 này, trong kế hoạch hợp tác, Sở Công Thương TP Cần Thơ có thể tổ chức đoàn gồm nhà đầu tư, doanh nghiệp... của TP Cần Thơ tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Trà Vinh. Song song đó, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tại TP Cần Thơ nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài TP Cần Thơ hợp tác đầu tư phát triển vào các lĩnh vực thế mạnh, tiềm năng của tỉnh Trà Vinh. Bởi hiện nay, nhu cầu thu hút đầu tư vào Trà Vinh là rất lớn do địa phương có nhiều công trình, dự án trọng điểm được Chính phủ đầu tư như: Dự án luồng tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu hay Kinh đào Trà Vinh (Dự án Kênh Quan Chánh Bố), dự án Khu kinh tế Định An, Trung tâm Điện lực Trà Vinh; các công trình quốc lộ 53, 54, 60... Đây là những công trình tạo cơ hội cho tỉnh Trà Vinh và cả ĐBSCL phát triển.

* ÔNG NGUYỄN THANH BÌNH, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH AN GIANG: Liên kết nhóm, từng bước nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL

Nhờ tập trung đầu tư có hiệu quả vào công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật nên ĐBSCL ngày càng phát huy thế mạnh các sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản (đặc biệt là tôm sú và cá tra, cá ba sa) và cây ăn trái. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ lực này đã và đang gặp nhiều khó khăn ở thị trường nội địa và xuất khẩu, phát triển khá bấp bênh do công tác thị trường của vùng, của từng địa phương còn yếu. Một minh chứng cho sự yếu kém trong công tác quản lý thị trường đó là tình trạng “được mùa, rớt giá”, “mất mùa, trúng giá” của con cá tra, lúa gạo và kể cả các loại cây trái. Chính vì thế, trong mối liên kết phát triển ngành công thương, không chỉ giữa TP Cần Thơ và tỉnh An Giang mà là cả vùng ĐBSCL cần tổ chức, hình thành các mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trên cơ sở đó, tiến tới việc xây dựng, quảng bá, củng cố và phát huy thương hiệu các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL ở trong nước và quốc tế. Trong vấn đề này, cần chú trọng đến các doanh nghiệp lớn trong việc “bắt tay” xây dựng vùng nguyên liệu, “bắt tay” vì thương hiệu của ĐBSCL...

Đối với việc xây dựng các mô hình liên kết phát triển ngành công thương, các địa phương trong vùng cần chọn và chia thành từng nhóm liên kết nhỏ theo vị trí địa lý, thế mạnh về ngành hàng... Ví dụ, các tỉnh có đường biên giới thành lập nhóm liên kết phát triển kinh tế mậu biên, các địa phương có bờ biển thì hình thành nhóm phát triển kinh tế biển đảo, hay hình thành nhóm đối với các ngành hàng cá tra, lúa gạo, trái cây... Trên cơ sở các nhóm liên kết vừa nêu hằng năm nên tiến hành các kỳ hội chợ, hội nghị chuyên đề mang tính chất cấp vùng, cấp quốc gia và cả quốc tế. Có như vậy ngành công thương cũng như kinh tế của vùng ĐBSCL mới có thể phát triển nhanh, bền vững; thương hiệu các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL mới ngày càng được nâng cao, khẳng định vị thế ở trong nước và thế giới.

* ÔNG PHẠM HÙNG VIỆT, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH BẠC LIÊU: Liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư cấp vùng

Hiện nay, đa số các địa phương trong vùng ĐBSCL hằng năm đều có tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại riêng lẻ. Việc làm này thường chưa mang hiệu quả thiết thực, chưa tạo được dấu ấn thu hút đầu tư vì phần lớn các địa phương trong vùng thiếu kinh phí cho các hoạt động này, đặc biệt là xúc tiến nước ngoài. Vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, ngành công thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phải liên kết, hợp tác tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Điều này có nghĩa, các địa phương có năng lực, nhất là TP Cần Thơ, trong việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hằng năm lên kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với ĐBSCL. Song song với việc làm này, cũng cần có kế hoạch tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại ở một số tỉnh, thành trong nước và kể cả nước ngoài. Trong các hoạt động vừa nêu cần tổ chức theo chuyên đề, sự kiện, ngành hàng,... và các địa phương trong vùng cần lựa chọn thế mạnh, những nhu cầu đầu tư thật cụ thể và chọn một sự kiện phù hợp để tham gia. Có làm được những việc vừa nêu mới có thể giới thiệu về nhu cầu phát triển, tiềm năng về ĐBSCL một cách hoàn thiện hơn. Điều quan trọng, việc tổ chức này cũng nhằm tận dụng tối đa nguồn kinh phí xúc tiến thương mại trung ương, giải quyết vấn đề về thiếu kinh phí ảnh hướng đến việc quảng bá, giới thiệu phát triển ngành công thương của nhiều địa phương trong vùng.

Để phát triển ngành công thương ĐBSCL trên cơ sở ký kết cần khẳng định vai trò tham mưu chủ lực của TP Cần Thơ trong việc thống nhất quy hoạch ngành công thương của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, từng địa phương có kế hoạch phát triển ngành hoặc chọn điểm nhấn của địa phương để ký kết liên kết phát triển với các địa phương khác.

* ÔNG LÊ QUANG PHONG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH CÀ MAU: Cần “đa phương” trong mối liên kết phát triển ngành công thương

Có thể nói, việc ký kết chương trình hợp tác phát triển ngành công thương giữ TP Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL là một việc làm khá mới mẻ. Chính vì thế, công tác phối hợp nhiều lúc chưa thật chặt chẽ, nhiều nội dung trong chương trình đã ký kết chưa thể triển khai thực hiện được. Thời gian tới, các tổ điều phối của từng địa phương cần có kế hoạch, cơ chế xác lập các đầu mối cung cấp, xử lý thông tin cụ thể hơn nữa. Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm giữa hai địa phương, chủ yếu là các tổ điều phối trong việc thống kê, nhất là thống kê các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của địa phương mình đang hoạt động ở địa phương bạn và ngược lại; theo dõi những việc hai địa phương đã và chưa làm được. Có như vậy mới tạo được sự phối hợp, hỗ trợ và triển khai một cách liên tục đối với các nội dung đã được ký kết trong chương trình phát triển ngành giữa hai địa phương. Đặc biệt là tổ chức các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao vị thế của ngành công thương ĐBSCL; hỗ trợ thiết lập các cơ chế, chính sách phát triển ngành, nhất là việc xây dựng và quản lý hệ thống chợ của từng địa phương...

Thời gian qua, việc liên kết phát triển ngành công thương chỉ mang tính chất “song phương” giữa hai địa phương, chưa phải là liên kết “đa phương” vì mục tiêu chung là phát triển ngành công thương cả vùng ĐBSCL. Đây là vấn đề các địa phương trong vùng ĐBSCL cần phải xem xét lại để kiện toàn việc hợp tác, phát triển ngày càng có hiệu quả. Với vị trí, vai trò trung tâm của vùng, Sở Công Thương TP Cần Thơ cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò “nhạc trưởng” trong vấn đề liên kết “đa phương” này; đồng thời, cũng là cầu nối chuyển tải các ý kiến, đề xuất chung nhằm phát triển ngành công thương ĐBSCL đến với các bộ, ngành Trung ương.

Hà Triều

Liên kết tổ chức các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc tế là một trong nhO

Chia sẻ bài viết