Sau hơn 2 năm triển khai, những phiên chợ Hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch (TTXTĐTTMDL) TP Cần Thơ tổ chức đã phát huy tốt tinh thần của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ những phiên chợ, người tiêu dùng (NTD) nông thôn biết và tin dùng hàng Việt nhiều hơn.
Thành công từ những phiên chợ
 |
Tại các chợ vùng nông thôn, hàng sản xuất trong nước chiếm số lượng lớn. |
Từ tháng 12-2010 đến nay, TTXTĐTTMDL TP Cần Thơ đã tổ chức được 6 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn trên địa bàn thành phố. Đây đã trở thành hoạt động thường niên của TTXTĐTTMDL, định kỳ mỗi quý tổ chức 1 phiên. Tại các phiên chợ, Trung tâm phối hợp với Ban quản lý chợ, các siêu thị, các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động thương nhân, công nhân, người lao động cùng NTD tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động tại khu vực buôn bán, kinh doanh dịch vụ được lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt và tổ chức các buổi huấn luyện kỹ năng bán hàng cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố. Các hoạt động an sinh xã hội bên lề phiên chợ cũng được các doanh nghiệp quan tâm tham gia nhiều hơn, cả về nội dung và qui mô.
Các phiên chợ đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng NTD nông thôn. Từ những phiên chợ này, NTD nông thôn thấy được sự đa dạng của hàng sản xuất trong nước, tâm lý sính ngoại của một bộ phận NTD đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Bằng cách tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt nên NTD có được những thông tin để so sánh, đánh giá, nhận biết được chất lượng hàng hóa và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thới Lai, cho rằng: "NTD nông thôn dùng hàng Việt ngày càng nhiều, chiếm 80-90%. Từ trái cây, may mặc, hàng công nghệ phẩm, mỹ phẩm
NTD đều ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước". Ngoài ra, qua các phiên chợ, doanh nghiệp đã từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để phù hợp và gần hơn với NTD nói chung và NTD nông thôn nói riêng; đồng thời, mở rộng thêm hệ thống phân phối ra thị trường. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc TTXTĐTTMDL TP Cần Thơ, nhận định: "Từ những phiên chợ, NTD nông thôn mới thấy được sự đa dạng của hàng hóa sản xuất trong nước. Với các doanh nghiệp, phần lớn ý thức được ý nghĩa của chương trình đã thực sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến quy trình sản xuất, phân phối để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sau bán hàng mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững. NTD cũng từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi dùng hàng hóa sản xuất trong nước nên có sự thay đổi trong thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Đôi khi, tại các phiên chợ đã có không ít các Việt kiều cũng ưa chuộng các sản phẩm Việt như: dệt may, da giày, thực phẩm rau quả hay đồ gia dụng...".
Tìm hướng để kết nối
Không thể phủ nhận được sự thành công của các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhưng theo TTXTĐTTMDL TP Cần Thơ, việc tổ chức những phiên chợ vẫn còn khó khăn. Chủ yếu vẫn là thiếu kinh phí để tổ chức chương trình, tổ chức những cuộc khảo sát thị trường nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng của hàng hóa của mình. Nhiều doanh nghiệp chưa kết nối được với nhà bán lẻ của địa phương để duy trì sự hiện diện và liên tục của hàng Việt ở nông thôn. Vì thế nhiều loại hàng hóa, sau phiên chợ đã bị NTD lãng quên.
Về cách tổ chức các phiên chợ ông Nguyễn Văn Rảnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, nhận định: "Công tác tuyên truyền còn yếu, hàng hóa một số phiên chợ còn kém sự đa dạng, cách tổ chức phiên chợ còn chưa thật sự bắt mắt
". Ông Nguyễn Văn Ba, người dân tại huyện Thới Lai, cho biết: "Mỗi lần phiên chợ về là bà con rất vui và ủng hộ. Một phần là vui với hội, nhưng phần chợ mới là thật sự thu hút người dân tham gia. Từ đây, chúng tôi mua được nhiều hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng cao, giá hợp lý và tiết kiệm được đáng kể từ những chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, theo tôi hàng hóa tại các phiên chợ đôi khi vẫn còn chưa hợp lý như: mặt hàng thực phẩm đông lạnh, gạo,
thì vùng nông thôn đã có rất nhiều nên NTD tại đây không mặn mà. Nhiều mặt hàng tại phiên chợ, khi dùng hết muốn tiếp tục sử dụng nhưng khó tìm mua tại các chợ nông thôn
". Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích ở huyện Thới Lai, cho rằng: "Hôm trước đi mua một số loại vật dụng tại phiên chợ về dùng, thấy tốt đem khoe với hàng xóm nhưng khi người hàng xóm ra mua thì phiên chợ đã kết thúc. Tôi nghĩ phiên chợ cần kéo dài hơn để NTD được tiếp cận nhiều hơn nữa".
Vùng ĐBSCL với khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, nên thị trường nông thôn cũng có thể được xem là tiềm năng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán lẻ, gia tăng sức mua. Tuy nhiên, để trụ vững được tại thị trường này sau mỗi phiên chợ, các doanh nghiệp cần duy trì, kết nối với mạng lưới phân phối địa phương liên tục hơn, đưa hàng Việt để NTD nông thôn có cơ hội tiếp cận nhiều hơn. Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn duy trì được “sự sống” là nhờ khai thác tốt thị trường trong nước. Để NTD, đặc biệt là vùng nông thôn, ủng hộ dùng hàng Việt, thiết nghĩ các đơn vị tổ chức cũng như doanh nghiệp cần có những công tác cụ thể và những chương trình xúc tiến tốt hơn nữa để hàng hóa Việt được kết nối chặt hơn với NTD Việt.
|
Nước mắm, nước tương, dầu ăn
là những sản phẩm mà người tiêu dùng rất cần cho cuộc sống hàng ngày, đặc biệt với người dân vùng nông thôn. Từ những phiên chợ, NTD đã tiếp cận được các thông tin về sản phẩm mà trước đây còn nhiều hạn chế để phân biệt được giá trị và chất lượng. Người dân vùng nông thôn sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên hàng hóa sản xuất chủ yếu là lúa gạo; cùng đó, từ đồng ruộng họ còn có thể đánh bắt được nhiều loại thực phẩm tươi sống, nên các loại hàng hóa như gạo, thực phẩm đông lạnh dường như không phù hợp với NTD tại đây. Tại cuộc họp rút kinh nghiệm về tổ chức phiên chợ Hàng Việt về nông thôn do TTXTĐTTM TP Cần Thơ tổ chức gần đây, một số ý kiến còn cho rằng: Hàng hóa tại phiên chợ cần ghi rõ ràng về giá, đặc biệt những sản phẩm thực hiện giảm giá cần phải rõ đâu là giá nguyên đâu là giá giảm vì vẫn còn một số nhà phân phối ghi giá mập mờ gây nghi vấn cho NTD. Việc tuyên truyền và tổ chức cần phải theo mục đích cả chiều rộng và chiều sâu. Nghĩa là, ngoài sự đa dạng của hàng hóa, các phiên chợ cần phải đến gần hơn nữa NTD nhất là ở các xã vùng sâu
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ TP Cần Thơ, cho rằng: "Người Việt giờ đã quay lại dùng hàng Việt. Tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn mang ý nghĩa lớn trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đó là: quảng bá được sâu rộng nhân dân, đem được sản phẩm, hàng hóa Việt đến tận tay người tiêu dùng". Kế hoạch thời gian tới, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc TTXTĐTTMDL TP Cần Thơ, xác định: "Ngoài việc duy trì tổ chức thường kỳ các phiên chợ đến vùng nông thôn và khu công nghiệp, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai sâu hơn nữa các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp củng cố và mở rộng mạng lưới tiêu thị hàng hóa tại địa phương để sau khi kết thúc phiên chợ, người tiêu dùng có thể mua được những mặt hàng đã được giới thiệu trong phiên chợ tại các chợ truyền thống".
Bài, ảnh: KHÁNH NAM